Giảm số lượng tập đoàn, tăng trách nhiệm các bộ ngành

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tại Phiên họp thường kỳ tháng 8/2012 diễn ra ngày 5/9, Chính phủ đã thống nhất nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2012 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đúng hướng, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được những mục tiêu ban đầu đề ra.

Kiên trì mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 8 đã tăng trở lại sau nhiều tháng có trị số âm với mức tăng 0,63% so với tháng trước. Thực hiện các giải pháp về chính sách tiền tệ, các mức lãi suất điều hành đã giảm nhanh với tổng mức giảm từ 4 - 5%/năm, phù hợp với diễn biến lạm phát, kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ. Nhiều ngân hàng đã triển khai các gói tín dụng quy mô lớn hỗ trợ khách hàng tốt để sản xuất kinh doanh các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất thấp, khoảng 9 - 10%. Hiện nay, lãi suất cho vay các lĩnh vực: Nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa phổ biến ở mức 10 - 13%/năm; cho vay sản xuất kinh doanh khác 12 - 15%/năm.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo chiều 5/9 thông báo các nội dung của Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam thẳng thắn thừa nhận, những kết quả đạt được chưa đáp ứng với những mục tiêu đặt ra từ đầu năm. Tình hình kinh tế - xã hội vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn so với tháng 7; nợ xấu cũng như việc xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn chưa chuyển biến tích cực; diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ vẫn khá phức tạp; khu vực doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, khả năng hấp thụ nguồn vốn thấp; chỉ số hàng tồn kho vẫn ở mức cao; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng…

Trước những diễn biến chung của kinh tế trong nước và thế giới được nhận định vẫn còn nhiều khó khăn trong thời gian tới, bàn thảo về những giải pháp trong những tháng cuối năm và xây dựng kế hoạch năm 2013, Chính phủ vẫn đặt mục tiêu kiên trì các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục lộ trình phát triển kinh tế thị trường có định hướng của Nhà nước đối với một số mặt hàng thiết yếu (xăng, dầu, điện, gas…). Giải pháp đưa ra cho lộ trình này là sẽ tiến dần tới việc công khai các chi phí đầu vào của doanh nghiệp đồng thời tăng cường các biện pháp giám sát có sự tham gia tích cực của người dân.

Giảm số lượng tập đoàn, tăng trách nhiệm các bộ ngành - Ảnh 1

Toàn cảnh Phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ. Ảnh: Đức Tám

GDP tăng 5,2%, giữ lạm phát ở mức khoảng 7%

Đó là mục tiêu trong điều hành kinh tế những tháng cuối năm mà kỳ họp Chính phủ lần này đặt ra. Trên cơ sở, bên cạnh việc linh hoạt các giải pháp trong điều hành kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng gợi ý mục tiêu tổng quát của năm 2013 là: Tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao trở lại; giữ tăng trưởng hợp lý (khoảng 6%); Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế tập trung vào 3 lĩnh vực là đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và tài chính ngân hàng; Bảo đảm an sinh xã hội... Tại cuộc họp báo, ông Vũ Đức Đam cho biết, một trong những biện pháp được đặt ra thời gian tới là cùng với việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất, việc đẩy mạnh tái cơ cấu các ngân hàng, đầu tư công và doanh nghiệp Nhà nước sẽ được đẩy mạnh. Cùng với việc tái cơ cấu đầu tư công, thời gian qua, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang diễn ra quyết liệt nhằm loại bỏ những ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, cùng với việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Chính phủ luôn lường đến những tác động tới nền kinh tế và người dân. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung quyết liệt giảm các tập đoàn kinh tế Nhà nước (hiện có 11 tập đoàn) xuống còn từ 5 đến 7 tập đoàn, trong đó có một số tập đoàn lớn: Dầu khí, điện, viễn thông… Cùng với đó, tăng trách nhiệm quản lý của các bộ chuyên ngành.

Theo các văn bản luật hiện hành, không có quy định về loại tội phạm thâu tóm ngân hàng nhưng có những quy định khá rõ trong Bộ luật Hình sự như tội kinh doanh trái phép, tội đầu cơ… cũng có thể áp dụng vào mục tiêu thâu tóm ngân hàng trái pháp luật. Việc mất ổn định kinh tế vĩ mô thời gian qua có một phần nguyên nhân do hệ thống ngân hàng còn bộc lộ nhiều yếu kém. Chính vì thế, việc tái cơ cấu ngân hàng cũng là một trong những nhiệm vụ đặt ra cấp thiết. Hệ thống ngân hàng được coi là mạch máu của nền kinh tế nên khi Chính phủ chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, tiến hành khởi tố điều tra ông Nguyễn Đức Kiên, luôn luôn đi kèm với đó là những đánh giá tác động của vụ việc này tới hệ thống ngân hàng. Chính vì thế, hệ thống ngân hàng thời gian qua vẫn được giữ ổn định. Tuy nhiên, do chưa làm tốt công tác truyền thông, chưa tuyên truyền giải thích cặn kẽ nên đã xảy ra những xáo trộn trong tâm lý người dân.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam