Giảm tần suất xe buýt chỉ là giải pháp tình thế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước việc nhiều tuyến đường trên địa bàn Thủ đô rơi vào cảnh UTGT nghiêm trọng, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở GTVT và các sở, ngành liên quan triển khai quyết liệt các giải pháp để “hạ nhiệt” ùn tắc.

Một trong những giải pháp được Sở GTVT triển khai trong những ngày gần đây đó là giảm tần suất xe buýt hoạt động tại trục Nguyễn Trãi và Xuân Thủy - Cầu Giấy. Tuy nhiên, hiện có ý kiến cho rằng chủ trương giảm xe buýt trên một số tuyến đường là đi ngược với quan điểm khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng.
Xe buýt lưu thông qua dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trên đường Nguyễn Trãi  trong giờ cao điểm.Ảnh: Công Hùng
Xe buýt lưu thông qua dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trên đường Nguyễn Trãi trong giờ cao điểm.Ảnh: Công Hùng
Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Huy Quang cho rằng, chủ trương giảm tần suất xe buýt trên một số tuyến đường chỉ là giải pháp tình thế. Theo ông Quang, 2 tuyến giao thông lựa chọn giảm tần suất xe buýt là 2 trục đường hướng tâm, nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng nên có nhiều tuyến xe buýt chạy qua. Tuy nhiên, đây cũng là những tuyến đường đang có công trình thi công đường sắt đô thị trọng điểm của Quốc gia và TP. Rào chắn phục vụ thi công đã hẹp đến mức thấp nhất có thể. Sở GTVT Hà Nội cũng đã tập trung xén hè, mở rộng lòng đường để phục vụ giao thông; phân luồng từ xa… song UTGT vẫn diễn biến phức tạp. Nhằm giải quyết tình trạng UTGT trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2015, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu áp dụng tất cả các giải pháp có thể. Qua nghiên cứu, Liên ngành Công an TP và Sở GTVT Hà Nội quyết định giãn tần suất hoạt động của xe buýt trên 2 tuyến này từ 5 phút/chuyến hiện nay lên 7 - 10 phút/chuyến. “Điều chỉnh tần suất tức là giãn tuần suất hoạt động giờ cao điểm, trước kia là 5 phút/chuyến, nay có thể điều chỉnh lên 10 - 15 phút/chuyến, hoặc tại những đoạn đường quá hẹp, xe buýt không thể dừng đón, trả khách thì sẽ được phân luồng đi vòng theo hướng khác. Điều chỉnh tần suất nhưng không giảm sản lượng xe buýt năm 2015” - ông Quang cho hay.

Đây chỉ là giải pháp tình thế tại những khu vực cục bộ vào những thời điểm cụ thể (dự kiến trong khoảng 3 - 6 tháng), sau đó sẽ có điều chỉnh tiếp nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân bằng xe buýt. Cũng theo ông Quang, cơ quan quản lý Nhà nước không thể cấm xe ô tô cá nhân hoạt động mà chỉ có thể tổ chức phân làn, phân luồng để giảm áp lực giao thông. Công trường đang thi công trong khi lưu lượng phương tiện cá nhân tăng nhanh nên ùn tắc là điều khó tránh khỏi. Do đó, rất mong người dân hãy chia sẻ khó khăn và cộng đồng trách nhiệm trong việc giải quyết ùn tắc. Mỗi người hãy chủ động, linh hoạt điều chỉnh thời gian đi làm việc, đi học (có thể đi sớm hơn và về muộn hơn một chút) và nghiêm túc tuân thủ Luật Giao thông đường bộ cũng như hướng dẫn giao thông của lực lượng chức năng, hệ thống đèn tín hiệu…

l Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, ngày 25/10, các nhà thầu dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đã bắt đầu tháo dỡ hàng rào chắn tại các công trường chưa triển khai thi công để mở rộng làn đường trên trục Cầu Giấy - Xuân Thủy. Cụ thể nhà thầu DEALIM đã tháo dỡ 2 hàng rào để mở rộng làn đường tại trụ P237 - P239 trên đường Hồ Tùng Mậu, với chiều dài là 50m/làn đường. Trong các ngày tới, các trụ sẽ được tháo dỡ tiếp đó là trụ P280 – P282, trên đường Xuân Thủy với chiều dài 30m/làn đường; 2 điểm trên đường Cầu Giấy sẽ được thu hẹp hàng rào thuộc trụ P284 – P285 và P344 đến P347 với chiều dài 30m/làn đường. Vào cuối tuần qua, Sở GTVT cũng đã tổ chức cắt xén bớt vỉa hè và thảm cỏ dưới gầm cầu đường Vành đai 3 trên đường Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến và Trần Duy Hưng để mở rộng đường. Theo đó, việc cắt xén thảm cỏ sẽ mở rộng mỗi làn đường thêm từ 5 - 7m để tăng khả năng lưu thông cho các phương tiện.