Điều này cũng cho thấy sự cần thiết của kênh xếp hạng tín dụng trong việc cung cấp thông tin cho ngân hàng và các nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh nợ xấu tăng cao, quản trị rủi ro ngân hàng đang có nhiều vấn đề hiện nay.
“Phòng bệnh” từ "cổng kiểm soát"
Theo TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienVietPostBank, hoạt động tín dụng chiếm khoảng 50 - 70% tổng thu nhập của ngân hàng song cũng đối mặt với rất nhiều rủi ro. Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất là đối tượng được cấp tín dụng cố tình lừa đảo, chây ỳ, không trả nợ đúng hạn hoặc sử dụng vốn sai mục đích do yếu kém trong kinh doanh và quản lý. Rủi ro này hoàn toàn có thể giảm thiểu, nếu các ngân hàng thực hiện tốt khâu "phòng bệnh", tức sàng lọc khách hàng từ trước khi cấp tín dụng, chứ không phải đến khi xảy ra rủi ro mới lo xử lý hậu quả.
Sàng lọc khách hàng trước khi cấp tín dụng sẽ giúp ngân hàng giảm bớt rủi ro. Ảnh: Trần Việt
Thực tế, trong quá trình phát triển kinh tế, nhiều phương pháp lựa chọn được một "doanh nghiệp xứng đáng" để cho vay và đầu tư đã được hình thành và áp dụng. Trong đó, phương pháp dựa vào kết quả xếp hạng tín dụng là tiêu chí cơ bản hàng đầu và ngày càng được sử dụng rộng rãi, không chỉ đối với doanh nghiệp sản xuất, mà cả các định chế tài chính và nền kinh tế. Theo nhiều chuyên gia, kết quả xếp hạng tín dụng do các hãng định mức tín nhiệm hàng đầu trên thế giới đưa ra vẫn được coi là hàn thử biểu nhạy cảm về thực tế và triển vọng đối với nhiều nền kinh tế.
Về phía DN, bà Nguyễn Thị Điền, Tổng Giám đốc Công ty May thêu An Phước cũng cho rằng, việc xếp hạng tín dụng đã tạo ra rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nhằm ngăn ngừa rủi ro khi hoạt động trong kinh tế thị trường; giúp DN nâng cao uy tín, thương hiệu và thuận lợi hơn khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng và tín dụng thương mại.
Vẫn “sính” xếp hạng tín dụng “ngoại”
Xếp hạng tín dụng là hoạt động xuất hiện từ lâu trên thế giới nhưng vẫn còn khá mới ở Việt Nam. Đến nay, tại Việt Nam hoạt động này mới được thực hiện qua một số công ty như: Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) thuộc Ngân hàng Nhà nước, Công ty CP báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), Công ty CP Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp Việt Nam (CRV)… và qua hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của bản thân một số tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, vẫn còn một thực tế hiện nay là các DN dường như vẫn "sính" hoạt động xếp hạng của các tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế hơn. Các công ty xếp hạng Việt Nam vẫn chưa thực sự thuyết phục được khách hàng DN trên chính "sân nhà". "Trong khi rất nhiều DN đang tìm kiếm xếp hạng tín dụng từ các hãng quốc tế rất tốn kém, trước hết, chúng ta hãy sử dụng kết quả xếp hạng tín dụng nội địa với giá rẻ hơn và được thừa nhận bởi các ngân hàng, các doanh nghiệp Việt Nam"- bà Nguyễn Thị Điền nói.
Bởi vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế, để xếp hạng tín dụng ngày càng có uy tín, cần nâng cao hơn nữa hoạt động của các công ty xếp hạng tín dụng, đặc biệt, nâng cao tính minh bạch của các báo cáo tài chính. Bên cạnh đó, cũng nên có sự tăng cường phối hợp giữa cơ chế bộ, ngành trong cung cấp thông tin.
Ngày 21/9, Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) - NHNN đã công bố ấn phẩm "Xếp hạng TOP 1.000 DN Việt Nam 2012". Đây là hoạt động thường niên của CIC trong 4 năm qua nhằm công bố danh sách 1.000 DN ở các quy mô trung bình và lớn, hoạt động kinh doanh hiệu quả, có lịch sử quan hệ tín dụng tốt với các TCTD. Năm nay, một số ngành được CIC xếp hạng tín dụng cao (từ AA đến AAA) là: sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá (15,52%); thương mại (trừ thương mại công nghiệp nặng): 13,72%; dệt may, da và các sản phẩm liên quan (6,86%); ngành sản xuất cao su và plastic (6.14%). |