Không có doanh thu để nộp thuế
Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển và Dịch vụ quốc tế Thiên Sơn Nguyễn Thái Học chia sẻ, hiện tình hình sản xuất kinh doanh của hệ thống rất khó khăn. Đối với vận tải hành khách bằng ô tô, lượng khách qua các bến giảm sút nghiêm trọng, doanh thu sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ nên không có lãi để nộp thuế thu nhập DN. Do đó giải pháp giãn thuế thực tế cũng chưa đủ để “cứu” DN. Trong khi đó, Giám đốc Công ty TNHH Vân Phát Bùi Thanh Vân cho biết, công ty chuyên kinh doanh các loại trái cây khô sấy, doanh số giảm 80% vì không xuất sang được thị trường Trung Quốc, sức mua tại thị trường trong nước cũng giảm sút mạnh do không có khách du lịch. “Thuế giá trị gia tăng (VAT) chỉ phát sinh khi DN bán được hàng, thu từ người tiêu dùng. Nếu DN không bán được hàng thì cũng không có số thuế này”- bà Vân chia sẻ.
Ngoài 3 loại thuế sẽ được gia hạn là thuế VAT, thuế thu nhập DN và tiền thuê đất như đề xuất ban đầu, Bộ Tài chính còn bổ sung giãn nợ cả thuế thu nhập DN. Ước tính số tiền gia hạn nộp thuế lên tới hơn 80.200 tỷ đồng, cao hơn so với số dự kiến trước đó là hơn 30.000 tỷ đồng. Do các tháng gia hạn sẽ nộp vào thời điểm cuối năm, nên về tổng thể, không tác động tới nguồn thu ngân sách. |
Thời điểm này, DN mong muốn Chính phủ cần có giải pháp mạnh tay hơn như miễn giảm tiền thuê đất, phí, lệ phí và các sắc thuế trong vòng 1 năm, thay vì gia hạn. Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vietjet Hồ Ngọc Yến Phương, phí sân bay rất lớn, chi phí nhiên liệu bay chiếm tới 30% - 40% trong tổng chi phí của các hãng hàng không. Giá xăng dầu giảm, nhưng thuế bảo vệ môi trường vẫn là 3.000 đồng/lít xăng tương đương 22% giá xăng nên DN vẫn phải mất một khoản chi phí lớn. “Chúng tôi đề nghị miễn thuế nhập khẩu và thuế môi trường cho nhiên liệu bay. Đồng thời miễn giảm từ 50 - 70% phí dịch vụ hoạt động hàng không như chi phí cất hạ cánh, lệ phí sân bay, giãn thời gian nộp lệ phí. Thái Lan, Nhật Bản và Singapore đều đã giảm, tôi mong Chính phủ cũng giảm phí để hỗ trợ DN” - bà Phương bày tỏ.
Cần giải pháp thiết thực, cấp bách
Theo các chuyên gia, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ đồng bộ về thuế cho người dân và DN. Luật sư Nguyễn Quốc Toản - Hãng luật IAM cho rằng, ngoài việc hoãn, giãn thời gian nộp thuế, cần có chính sách giảm thuế, chẳng hạn cho hộ kinh doanh nộp thuế khoán, giảm thuế thu nhập cá nhân để kích thích hoạt động mua sắm tiêu dùng và sản xuất kinh doanh của DN nội địa. PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong lúc tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc hỗ trợ để DN có thể tồn tại được rất quan trọng.
Tuy nhiên, không nên “cào bằng” chính sách. Nên có chính sách cụ thể, với các DN ảnh hưởng trực tiếp sẽ được hưởng chính sách ưu đãi như thế nào; các DN gián tiếp thì sao. “Chẳng hạn DN bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19 hay với DN nhỏ và siêu nhỏ, chính sách có thể phải linh động hơn, bởi sức khỏe của nhóm DN này rất yếu, cần nhiều thời gian hơn mới có thể hồi phục trở lại” - ông Thịnh đề xuất.
Theo ông Thịnh, điều này sẽ làm giảm thu ngân sách nhưng bù lại ngành thuế có thể khai thác nguồn thu từ những DN được hưởng lợi nhờ dịch bệnh như thương mại điện tử, vật tư y tế... Đặc biệt, cơ quan thuế có thể đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra những nguồn thu thường bị thất thoát như hoạt động chuyển giá của những DN lớn, người nhận tiền từ Google, Facebook, thuế từ chuyển nhượng bất động sản... nhằm bù đắp nguồn thu.
Cần giảm thuế và tiếp tục hạ lãi vay Ngoài việc giảm thuế, gia hạn thời gian quyết toán thuế, cũng rất cần sự tiếp xúc chia sẻ của ngành ngân hàng thông qua gia hạn nợ và giảm lãi suất cho vay... (hỗ trợ đúng đối tượng) để DN có thể trụ được qua lúc khó khăn. Để bù đắp cho nguồn thu ngân sách 2020 bị sụt giảm, có thể giảm chi thường xuyên. Nhưng trước mắt phải có các biện pháp để hỗ trợ ngay cho DN bằng những chính sách thật cụ thể như vậy. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc |