Giảm thuế hay tăng giá xăng dầu?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau lần tăng giá gần đây nhất (ngày 28/6), hiện, các DN kinh doanh xăng, dầu đầu mối lại kêu lỗ và đề nghị tăng giá bán, điều này khiến người dân lại thấp thỏm lo lắng về "kịch bản" tăng giá lại tái diễn.

Lo ngại hệ quả của việc liên tục tăng giá cũng như đòi hỏi về một thị trường kinh doanh xăng dầu minh bạch của người dân vẫn chưa được đáp ứng kịp thời…

Cân nhắc

So sánh chênh lệch giữa giá thế giới và bán lẻ hiện hành, nhiều đầu mối kinh doanh xăng, dầu cho biết đang chịu lỗ khoảng 350 đồng - 700 đồng/lít xăng, dầu tùy loại.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), Tổng Thư ký Hiệp hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, 70% nguồn xăng dầu trong nước là nhập khẩu, nên giá trong nước chịu tác động rất lớn từ giá xăng, dầu thế giới. Nếu giá thế giới tăng liên tục thì không tránh khỏi việc giá trong nước phải điều chỉnh. Còn sử dụng công cụ nào: Giảm thuế, tăng giá hay tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) thì chưa thể chắc chắn. Tuy nhiên, theo ông Thỏa: "DN đề xuất tăng, muốn tăng cũng không được, vì Nhà nước hiện vẫn can thiệp bằng biện pháp nhất định như DN vẫn phải tuân thủ nghiêm túc Nghị định 84/2009/NĐ - CP, sử dụng Quỹ BOG và các biện pháp khác".

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, giá xăng, dầu thế giới tăng cao tác động đến giá trong nước để DN có cớ đề xuất tăng giá. Nhưng trước hết, Bộ Tài chính cần tính toán xem mức tăng của DN đăng ký có hợp lý không. Tiếp đến, điều quan trọng là trong bối cảnh hiện nay, cộng đồng DN đang rất khó khăn do hàng tồn kho lớn, người tiêu dùng bị giảm thu nhập nên thắt chặt chi tiêu. "Trong tháng 6, giá xăng, dầu đã có 2 lần điều chỉnh tăng, nay tăng tiếp sẽ đẩy nhiều DN vào hoàn cảnh khó khăn hơn, đó là chưa kể đến việc ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khi dự báo CPI tháng 7 sẽ tăng ở mức cao" - ông Long khuyến cáo.

Liên quan đến vấn đề này, đến ngày 16/7, liên bộ Tài chính - Công Thương vẫn chưa có quyết định điều hành giá xăng dầu cụ thể. Theo tìm hiểu của chúng tôi, lý do mà 2 bộ trên đang cân nhắc nên can thiệp bằng công cụ nào trong các phương án: Giảm thuế, tăng giá hoặc tăng mức sử dụng Quỹ BOG.

Giảm thuế hay tăng giá xăng dầu? - Ảnh 1

Người dân lại thấp thỏm vì nỗi lo xăng tăng giá. Ảnh: Linh Anh

Điều hành giá cả phải minh bạch

Theo tính toán của các chuyên gia xăng, dầu, với thuế suất nhập khẩu là 18% như hiện nay, tiền thuế nhập khẩu xăng dầu tương ứng khoảng 2.000 đồng/lít xăng, cao hơn 2 lần mức lỗ hiện nay của các DN. Như vậy, Nhà nước có thể giảm một nửa thuế suất nhập khẩu hiện hành để chia sẻ với DN và người tiêu dùng. "Đây là thời điểm mà cơ quan quản lý cần lưu ý xem xét, tận dụng yếu tố thuế để điều hành hợp lý" - ông Long gợi ý.

Hiện, có 3 công cụ tham gia bình ổn giá xăng, dầu là thuế, Quỹ BOG và chiết khấu hoa hồng đại lý. Tuy nhiên, việc sử dụng các công cụ trên lại không theo nguyên tắc cụ thể, thiếu quy định rõ trường hợp được sử dụng công cụ nào và dùng đến đâu. Theo công bố mới đây của Bộ Tài chính, Quỹ BOG hiện chỉ còn khoảng 55 tỷ đồng tại thời điểm chốt số liệu ngày 30/6, giảm hơn 700 tỷ đồng so với đầu năm. Theo các DN kinh doanh xăng dầu, nếu tính đến phương án tăng xả Quỹ BOG để kìm giá xăng thì với số dư ít ỏi 55 tỷ đồng sẽ chẳng thấm vào đâu. Tuy nhiên, lại có nhiều ý kiến, việc công khai Quỹ BOG vẫn chưa đủ,  Bộ Tài chính mới chỉ công khai thu - chi của Quỹ; còn lợi nhuận thu được từ Quỹ hàng năm được dùng vào đâu, ai hưởng thì chưa bao giờ công bố, DN sử dụng Quỹ này như thế nào cũng chưa được lý giải rõ ràng…?

Về mặt nguyên tắc, giá thế giới tăng, tất yếu giá trong nước sẽ phải tăng theo. Tuy nhiên, tăng lên bao nhiêu, lấy giá cơ sở thế nào là điều cần được DN giải thích rõ. Thời gian qua, dư luận vẫn nói nhiều về cách tính giá "tùy biến" của các DN đầu mối và tiêu chí minh bạch vẫn là điều đáng bàn. Thực tế, có 3 - 4 yếu tố cấu thành giá cơ sở, nếu chỉ để hổng một yếu tố thì việc kiểm soát giá sẽ trở nên vô nghĩa. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh chia sẻ, nếu không tạo được thị trường cạnh tranh thì câu chuyện nêu trên luôn xảy ra. Trong bối cảnh như thế, Bộ Tài chính cần giám sát giá xăng như thế nào để hài hòa lợi ích của DN và người dân luôn là chuyện rất khó.

Nên chăng có sự phối hợp hài hòa giữa tăng giá và việc giảm thuế trong bối cảnh hiện nay, tất nhiên vẫn không nên ưu tiên tăng giá. Việc tăng giá là hoàn toàn có thể xảy ra nhưng cần lưu ý xem xét, tận dụng yếu tố thuế để điều hành hợp lý.Chuyên gia kinh tế  Ngô Trí Long.