Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm tiền thuế đất giúp doanh nghiệp bất động sản bớt áp lực về tài chính

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Cộng đồng DN và đông đảo người dân đang đặc biệt quan tâm về đề xuất giảm tiền thuế đất năm 2024 của Bộ Tài chính. Trước sự phục hồi “ì ạch” của DN BĐS, các chuyên gia cho rằng chính sách này sẽ giúp DN giảm bớt những áp lực tài chính.

Đề xuất phương án giảm thuế

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, nhằm hỗ trợ cộng đồng DN và người dân đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3 (bão Yagi). Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về giảm tiền thuế đất năm 2024 và đang xin ý kiến đóng góp trước khi chính thức trình Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, Bộ Tài chính đã đưa ra 2 phương án giảm thuế, gồm: giảm 15% hoặc 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2024 cho tổ chức, đơn vị, DN, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Đặc biệt, quy định này áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất không thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê đất, và trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Bộ Tài chính lý giải rằng, với việc áp dụng mức giảm như vậy sẽ không có nhiều ảnh hưởng nhiều đến số lượng thu ngân sách của Nhà nước, bởi tổng số tiền giảm tương ứng từ 2.000 – 4.000 tỷ đồng, bằng khoảng 0,13 – 0,26% tổng thu ngân sách 1 năm và giảm 4,5 – 9% tổng số thu ngân sách tư đất 1 năm. Trong khi đó, tình hình thu ngân sách Nhà nước từ đang rất khả quan, riêng 6 tháng đầu năm 2024, cả nước đã thu được 60,4% dự toán, vượt 16,42% so với cùng kỳ.

DN BĐS vẫn đang cần thêm những chính sách về tài chính để phục hồi.
DN BĐS vẫn đang cần thêm những chính sách về tài chính để phục hồi.

“Trước tình hình khó khăn chung của cộng đồng DN trong giai đoạn hiện nay, mức giảm như vậy có tác động rất lớn, tác động tích cực đến việc phục hồi, phát triển sản xuất của DN. Riêng đối với DN BĐS, chính sách này còn giúp cho DN giảm tải áp lực về tài chính trước bối cảnh thanh khoản của thị trường vẫn ở mức thấp, DN đứng trước áp lực về trả nợ, lãi ngân hàng, trái phiếu; trong khi các khoản vay từ ngân hàng vẫn đang bị siết chặt” – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp nhìn nhận.

Cần thêm chính sách ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo đại diện Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA), chính sách giảm tiền thuế đất cho năm 2024 được Bộ Tài chính đề xuất là rất thiết thực trong giai đoạn hiện nay, khi cộng đồng DN vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi. Đặc biệt, trước tình hình thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm 2024 đến này có nhiều tín hiệu tích cực, trong 7 tháng năm 2024 đã thu được 72,65% dự toán, vượt 19,09% so với cùng kỳ; riêng tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước đã đạt đến 91,63% dự toán, thì việc giảm tiền thuế đất như vậy không làm ảnh hưởng đến việc cân đối thu – chi tài chính của Nhà nước.

Tuy nhiên, HoREA cho rằng cùng với việc thực hiện chính sách về giảm thuế nói chung cho cộng đồng DN, Bộ Tài chính nên quan tâm hơn đến những DN nhỏ và vừa liên quan đến quy định về thuế thu nhập cá nhân, để khuyến khích các DN BĐS nhỏ và vừa có thêm động lực phát triển; đồng thời cũng khuyến khích DN tham gia vào các hoạt động thiện nguyện, như hỗ trợ y tế, giáo dục, phòng chống dịch bệnh, thiên tai bão lũ, ngập lụt... như nội dung quy định tại dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân mà Bộ Tài Chính đang lấy ý kiến góp ý.

“Nhóm DN nhỏ và vừa hàng năm góp khoảng 40% GDP, 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước và sử dụng hơn 50% lực lượng lao động. Vì vậy chúng tôi đề nghị Bộ Tài chính áp dụng mức thuế thu nhập cá nhân đối với DN có doanh thu từ 50 - 300 tỷ đồng mỗi năm là 18% hoặc thấp hơn thì càng tốt, góp phần giảm gánh nặng thuế cho DN, giúp DN có thêm điều kiện phục hồi, tăng trưởng trở lại và tạo sự đồng bộ với các chính sách hỗ trợ khác đang được áp dụng” – Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu kiến nghị.