Giảm tiêu chuẩn sẽ tạo cơ hội cho gas giả

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh gas, Bộ Công Thương đã đưa ra dự thảo thay thế Nghị định 107/2009 /NĐ-CP về kinh doanh gas.

Kiểm tra vỏ bình ga trước khi nạp tại Petro gas. 	Ảnh: Hoài Nam
Kiểm tra vỏ bình ga trước khi nạp tại Petro gas. Ảnh: Hoài Nam
Đặc biệt, trong dự thảo, Bộ Công Thương đã giảm tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh đầu mối mặt hàng này. Điều này đang khiến nhiều người quan tâm do lo ngại công tác quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn, giảm các điều kiện kinh doanh liệu có làm gia tăng tình trạng nhập lậu, sản xuất gas giả, mất an toàn cháy nổ…?

Liên tục phát hiện vi phạm

Trước ý kiến của các DN kinh doanh gas, đại diện Bộ Công Thương đã có những lý giải: Nghị định 107/2009/NĐ-CP quy định DN kinh doanh gas đầu mối phải có 300.000 bình gas và trạm sang chiết mới đủ điều kiện tham gia thị trường nhưng do nhu cầu sử dụng gas của người dân chưa cao nên trung bình mỗi tháng, các DN chỉ phải cung ứng ra thị trường khoảng 50.000 bình; việc yêu cầu phải có 300.000 vỏ bình gas sẽ khiến DN tăng thêm chi phí tài chính, lãi vay ngân hàng khiến giá thành tăng. Ngoài ra, việc hạ chuẩn kinh doanh còn tạo điều kiện cho các DN vừa và nhỏ tại vùng sâu, vùng xa có thể sản xuất, phân phối, từ đó tạo ra thị trường cạnh tranh về giá cả, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. “Chẳng hạn, dân số tỉnh Hà Giang hiện chưa tới 1 triệu người, nếu yêu cầu DN kinh doanh gas phải có 300.000 bình gas là quá dư thừa, vì vậy, việc hạ chuẩn kinh doanh là điều cần thiết” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả cho thấy, thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tục phát hiện cơ sở sản xuất gas giả hoặc chiếm đoạt vỏ bình gas. Cụ thể, ngày 16/5, Công an thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) tiến hành kiểm tra chi nhánh Công ty TNHH Dầu khí Thanh Hóa (tại thị xã Hoàng Mai), phát hiện cơ sở này đang tàng trữ trái phép 10.300 vỏ bình gas giá trị trên 2,5 tỷ đồng của 16 hãng khác nhau. Đây không phải là lần đầu tiên lực lượng chức năng phát hiện DN sang, chiết gas giả hoặc cạnh tranh không lành mạnh. Ngày 11/5, quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Long An đã phát hiện Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Hà Linh sang chiết gas trái phép mang thương hiệu Saigon Petro, Gia Đình gas, VT gas, Total gas. Trước đó, Đội QLTT số 17, Chi cục QLTT Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh gas của Công ty TNHH Năng lượng Đất Việt (huyện Phú Xuyên) phát hiện DN sản xuất 3.000 bình gas giả nhãn hiệu Hồng Hà, Venus, Total, Shell...

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Theo ông Chu Xuân Kiên - Chi Cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sang, chiết gas trái phép là do mức giá chênh lệch khá lớn, từ 80.000 - 100.000 đồng/bình khi bán lẻ ra thị trường. Trong khi tình trạng sản xuất gas nhái nhãn mác diễn ra tràn lan thì việc xử lý vi phạm chủ yếu mới chỉ dừng ở xử phạt hành chính. Thực tế cho thấy, mặc dù gas là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nhưng việc đăng ký kinh doanh quá dễ dàng. Hiện, việc cấp phép kinh doanh gas do sở Công Thương các địa phương cấp nhưng không quy định đơn vị nào cấp giấy đủ điều kiện cho các thương nhân đầu mối. Điều này dẫn đến tình trạng trên thị trường có gần 100 DN kinh doanh gas tự xưng là DN đầu mối nhưng không có ai kiểm tra những DN này có đủ điều kiện hay không.

Mặc dù lực lượng chức năng liên tục phát hiện DN sang chiết gas giả, nhái nhãn mác nhưng trong dự thảo thay thế Nghị định 107/2009 /NĐ-CP về kinh doanh gas, Bộ Công Thương đã hạ chuẩn điều kiện kinh doanh đầu mối gas. Cụ thể, DN có tối thiểu 100.000 - 150.000 vỏ bình gas sẽ đủ điều kiện là DN đầu mối phân phối (quy định hiện hành là 300.000 vỏ bình gas). Nếu quy định này được áp dụng sẽ khuyến khích một số lượng lớn DN nhỏ tham gia kinh doanh gas. Điều này rất có thể làm rối loạn thị trường, tạo điều kiện cho gas giả phát triển.

Bà Lê Thị Anh Mẫn - Phó Tổng Giám đốc Saigon Petro phân tích: Mặc dù chi phí đầu tư cho vỏ bình gas lớn nhưng hiện trên thị trường có đến 20 triệu vỏ bình gas chưa quản lý được. Vì vậy, quy định trong dự thảo là hạ chuẩn điều kiện kinh doanh sẽ có nhiều DN tham gia, thị trường bị chia nhỏ khiến tình trạng chiếm dụng vỏ bình, hoán đổi sang chiết gas giả sẽ tăng mạnh. Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Trọng Hữu - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cũng cho rằng: Việc hạ chuẩn điều kiện kinh doanh chẳng khác nào hợp thức hóa cho các DN không đủ điều kiện được hoạt động.

Mặc dù theo lý giải của Bộ Công Thương, hạ chuẩn kinh doanh gas nhằm mục đích xây dựng thị trường cạnh tranh lành mạnh, nhưng số liệu của Hiệp hội Gas Việt Nam cho thấy, hiện có đến 80 DN kinh doanh gas đầu mối. Nếu Bộ Công Thương hạ chuẩn sẽ khiến số DN này tăng mạnh, chủ yếu là DN nhỏ và vừa, dễ dẫn đến tình trạng manh mún khiến thị trường không phát triển ổn định, chất lượng gas cung ứng ra thị trường không đảm bảo, tình trạng sản xuất gas nhái nhãn mác lộng hành, mất an toàn phòng chống cháy nổ… 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần