Giảm ùn tắc và tai nạn giao thông phải giải quyết từ gốc rễ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với quá trình đô thị hóa, Hà Nội đang phải đối mặt với những bất cập trong giao thông. Trong đó rõ nhất là tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí, tiếng ồn.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này do cơ sở hạ tầng yếu, thiếu đồng bộ, ý thức người tham gia giao thông kém. Do đó, để giải quyết tình trạng này cần sự quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền và có sự chung tay hành động của toàn xã hội.

Nâng ý thức, tăng tuyên truyền, mạnh xử phạt

Khi giải quyết bất kỳ vấn đề gì, muốn triệt để phải đi từ gốc rễ, lĩnh vực giao thông cũng vậy. Muốn thay đổi hành vi tham gia giao thông phải xuất phát từ việc làm chuyển biến ý thức của con người. Cụ thể, nâng cao ý thức, nhận thức của cộng đồng về việc chấp hành luật giao thông bằng cách đưa các chương trình giáo dục ý thức tham gia giao thông. Tích cực tuyên truyền về thực trạng ùn tắc, tai nạn giao thông, các chiến lược phát triển giao thông lâu dài của quốc gia, cách thức và quy định để kiểm soát phương tiện tham gia… Đưa những nội dung đó vào nhà trường, tổ dân phố, các cơ quan cùng với hình thức những bài học, bài giảng sinh động, hấp dẫn, giúp tác động tốt hơn đến người dân.

 
Phát triển giao thông công cộng là cần thiết để giảm ùn tắc giao thông.	 Ảnh: Thanh Hải
Phát triển giao thông công cộng là cần thiết để giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: Thanh Hải

Song song với việc nâng cao ý thức người dân, cũng cần ban hành những quy định để quản lý các phương tiện, đồng thời làm cơ sở để xử phạt, tăng sức răn đe. Cần thực hiện nghiêm túc đăng ký xe chính chủ và cấp cho chủ của chiếc xe thẻ phụ dùng trong trường hợp cho mượn. Tức người có thẻ phụ của chủ xe, sẽ được phép sử dụng phương tiện của họ. Xử phạt nặng nếu phát hiện nguồn gốc xe bất minh.

Cùng với đó, nâng cao ý thức, nhận thức của cộng đồng về việc chấp hành luật lệ giao thông. Tăng cường quản lý các vấn đề giao thông, số xe, chủ phương tiện và các thông tin về xe. Tăng phí sử dụng xe máy, ô tô để phản ánh đúng chi phí xã hội. Xử phạt các lỗi vi phạm một cách cương quyết… Đây là những bước đầu tiên trong quá trình tạo ra môi trường giao thông văn minh, hiện đại. Tiếp đó, cần có kế hoạch để kiểm soát những xe không đủ điều kiện an toàn để dần tiến tới loại bỏ. Theo tính toán, thì bước đi đầu, chiến lược ngắn hạn này cần 5 năm để có hiệu quả.

Phát triển giao thông công cộng

Bên cạnh việc nâng cao ý thức người tham gia, tăng mức xử phạt, để giao thông thực sự an toàn, văn minh, phát triển giao thông công cộng là điều hết sức cần thiết và cần được xem là chiến lược phát triển dài hạn 5 - 10 năm.

Nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt, mở thêm tuyến buýt nhanh BRT, tuyến đường sắt đô thị. Khuyến khích người đi xe máy, ô tô sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Kèm theo đó, xây dựng các bãi đỗ xe ở trạm xe buýt hoặc bố trí xe ôm tại những vị trí luôn chuyển giữa các phương tiện công cộng khác, tại các tuyến đi ngắn, địa hình hẹp như một dịch vụ vận tải công cộng chính thống, có luật, quy định cụ thể. Nhà nước kiểm soát giá vé, cấp biển số xe.

Song, để hạn chế TNGT do xe máy gây ra nên khống chế bằng việc cấm chạy trên các tuyến đường cao tốc hoặc trục lớn. Ban hành các quy định thu phí đi vào trung tâm Hà Nội theo ngày, tăng phí đỗ xe máy, ô tô  ở khu vực công sở và khu vực dân cư cũng là một biện pháp hạn chế lưu lượng xe cũng như kích thích phát triển phương tiện giao thông công cộng. Như vậy, TP sẽ thông thoáng hơn, đi lại thuận tiện hơn, hạ tầng giao thông đã cải thiện tốt hơn thì có thể xây dựng thêm đường dành cho xe đạp, tổ chức phong trào "Ngày đi xe đạp"…

Muốn bức tranh giao thông Thủ đô thông thoáng, sạch đẹp thì bất kỳ giải pháp, chiến lược phát triển nào cũng cần được thực hiện đồng bộ. Trong đó, người dân luôn phải có ý thức chấp hành đúng luật, cư xử có văn hóa khi tham gia giao thông.