Những cuộc tranh cãi thì không bao giờ có hồi kết, dù nó đang đẩy cơ quan quản lý vào thế khó xử. Vấn đề được đặt ra lúc này là tại sao vẫn còn xảy ra tình trạng gian lận tuổi dù không ít đội bóng và cầu thủ đã phải trả giá đắt.
Hồ sơ gốc làm muộn
Khi tố cáo cầu thủ Hà Nội FC gian lận 2 tuổi ở giải U15 quốc gia thì ban lãnh đạo FLC Thanh Hóa đã đưa ra bản sao giấy khai sinh chứng minh các cầu thủ này sinh năm 2000 chứ không phải 2002 như giấy tờ nộp lên Ban tổ chức giải. Vậy nhưng, cũng ngay sau đó, ban lãnh đạo Hà Nội FC cũng trưng ra bản giấy khai sinh gốc là cầu thủ của mình sinh năm 2002. Cùng với đó, gia đình của cầu thủ cũng khẳng định, sự khác biệt về 2 bản giấy khai sinh là do họ nôn nóng muốn con được tham dự giải U11 quốc gia khi mới 9 tuổi. Khi thấy con quá bé, bị FLC Thanh Hóa loại thì họ quyết định “trả lại tuổi thật cho con” và tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm cơ hội chơi bóng đá. Giấy tờ của FLC Thanh Hóa cũng không sai. Giấy tờ mà Hà Nội FC có cũng đúng bởi nó là bản gốc. Chỉ có điều, bản gốc giấy khai sinh được làm năm 2015 khi các cầu thủ đã 15 tuổi. Hơn thế nữa, chẳng có đội bóng nào cấm một cầu thủ 9 tuổi tham dự giải đấu của cầu thủ 11 tuổi nếu thực sự có tài năng.
Nhiều người nói rằng, Hà Nội FC đã dính vận hạn bởi sự cố tình của phụ huynh cầu thủ. Bản thân các HLV đào tạo trẻ của đội bóng này cũng bức xúc bởi để xảy ra sự cố như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến thương hiệu của lò đào tạo Hà Nội FC. Hơn thế, trong bối cảnh hiện tại, thật dại dột nếu đi gian lận tuổi cầu thủ, bởi nó không chỉ làm tổn hại đến hình ảnh mà còn khiến công tác chuyên môn gặp vấn đề. Nhưng, có một điều mà Hà Nội FC hay bất cứ đội bóng nào khác thường xuyên gặp phải là phải đối diện với nỗ lực gian dối của các bậc phụ huynh. Vì muốn con trúng tuyển, họ sẵn sàng sửa hồ sơ và tiến hành “cải lão hoàn đồng” cho các cầu thủ. Gặp phải trường hợp này, đội bóng cũng chỉ là nạn nhân bởi họ không đủ năng lực để kiểm tra hồ sơ gốc vốn có thể sửa bất cứ lúc nào ở nhiều tỉnh lẻ.
Và sự tiếp tay của các ông thầy
Cách đây vài năm, một vị trưởng ban tổ chức giải ở sân chơi bóng đá trẻ đã nổi đóa với một HLV tên tuổi vì “bị lừa”. Sự nóng giận lớn đến mức nếu không có sự can thiệp, ông đã đánh HLV bởi phát hiện ra sự gian lận tuổi của một số cầu thủ trong đội bóng. Đội bóng đó bị loại khỏi giải nhưng bất ngờ, ban tổ chức giải bị tố ngược bởi hồ sơ của cầu thủ là đúng. Người ta lập luận rằng, giấy tờ được xác nhận bởi các cơ quan chức năng là cơ sở cao nhất và cuối cùng để làm căn cứ tính tuổi cầu thủ. Tất nhiên là vụ việc đó chẳng đi đến đâu và thiệt nhất chính là giải đấu và thương hiệu của đội bóng.
Có một thực tế là nhiều đội bóng đã phản ứng rất dữ dội với tình trạng gian lận tuổi. Họ không muốn bỏ thời gian và tiền bạc đào tạo những cầu thủ thuộc diện “cải lão hoàn đồng”. Tuy nhiên, lãnh đạo dù có tuyên bố hùng hồn nhưng lại ở rất xa, còn những người thực hiện là các HLV vốn chịu áp lực lớn về thành tích. Bởi, thành tích đi liền với tiền bạc cùng cơ hội tiến thân nếu đội bóng do mình dẫn dắt có danh hiệu. Và, còn một thực tế khác là không ai hiểu cầu thủ, các bậc phụ huynh bằng chính những ông thầy. Một khi họ muốn làm sạch, làm trung thực thì những trường hợp gian lận khó lòng lọt qua. Thế nhưng, không phải lúc nào các ông thầy cũng đủ sự chuyên nghiệp để nói không với tình trạng gian lận bởi nó có thể mang đến quyền lợi cho mình.