Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gian nan chờ nước sạch

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khu đất đấu giá - khu Thiện, thôn Yên Vĩnh, xã Kim Chung (Hoài Đức) đã đón người dân về ở nhiều năm nay nhưng hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa đồng bộ khiến người dân phải sống khổ sở trong cảnh thiếu đèn đường, nước sạch. Đặc biệt còn có phản ánh người dân phải chi "ngoài luồng" mới được cấp nước sạch sinh hoạt đến gia đình.

 Đồng hồ nước tại các hộ dân được cho là đã chịu chi tiền ngoài.
Vòi vĩnh, làm khó người dân?

Phản ánh đến Kinh tế & Đô thị, anh Vũ Trung Kiên, trú tại lô 33, Khu Thiện, thôn Yên Vĩnh, xã Kim Chung cho hay, gia đình anh mua được lô đất thông qua đấu giá, đã được cấp sổ đỏ và dọn về sinh sống từ năm 2017. Nhưng từ đó tới nay, gia đình anh vẫn phải dùng nước giếng khoan với chất lượng kém. “Nước giếng bơm lên đã có màu ngà, để lâu thì đóng váng” - anh Kiên mô tả.

Tương tự, khoảng 30 hộ dân trong khu đất đấu giá trên cũng phải chịu cảnh thiếu nước sạch, thiếu đèn đường trong hơn một năm qua. Trong khi đó, đường ống nước sạch chỉ cách ranh giới khu đất có… 12m. Theo phản ánh của người dân, họ đã kiến nghị với địa phương cho lắp đặt nguồn nước sạch từ đơn vị cung cấp trong khu vực là Công ty CP Nước sạch Tây Hà Nội. Tháng 6/2018, các hộ gia đình cũng đã được Công ty Nước sạch Tây Hà Nội ký hợp đồng lắp đặt, thu số tiền là 4.200.000 đồng theo thỏa thuận lắp đặt. Thế nhưng, sau nhiều lần lỡ hẹn, đến nay còn 9 hộ gia đình dù đã đóng tiền song chưa được cung cấp nước sạch sinh hoạt.

Anh Trần Duy Nhất - một cư dân tại khu Thiện cho hay: “Chúng tôi có gọi đến Công ty Tây Hà Nội để thắc mắc, được nhân viên trực điện thoại gợi ý, muốn sớm có nước sạch thì trả chi phí ngoài”. Ông Vũ Quang Điền, có nhà tại lô 58, khu Thiện thông tin thêm, nhiều nhà đã chi từ 1.000.000 - 1.500.000 đồng cho đơn vị thi công nên có nước sạch dùng từ rất lâu. 9 hộ đến nay chưa có nước đều là các hộ không chịu chi thêm. “Lúc đầu họ nói 1.000.000 đồng/nhà, chúng tôi từ chối. Nhưng vì khổ quá, không chịu nổi, tôi lại phải gọi họ xin được lắp. Lúc này họ nói phải 5 triệu đồng/nhà mới lắp (!)” - ông Điền kể.

Dấu hỏi về năng lực và trách nhiệm

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị về vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty CP Nước sạch Tây Hà Nội Nguyễn Đình Hà cho hay: “Chúng tôi cũng đã nghe nhiều phản ánh của người dân về việc bị đòi chi tiền ngoài để lắp đặt đường nước, nhưng chưa có bằng cứ gì”. Ông Nguyễn Đình Hà chia sẻ, hiện đơn vị đang cung cấp nước sạch cho 14 xã, thị trấn của huyện Hoài Đức với khoảng 23.000 khách hàng. Thế nhưng đơn vị chỉ có 35 nhân sự, không có bộ phận kỹ thuật thi công lắp đặt đường ống nước và phải thuê 10 nhà thầu thi công bên ngoài. Nhà thầu thi công lắp đặt đường ống nước khu vực thôn Yên Vĩnh là Công ty CP VIG Việt Nam.

Vị lãnh đạo Công ty CP Nước sạch Tây Hà Nội lý giải, do khu Thiện chưa có hạ tầng kỹ thuật nên chưa thể lắp đặt được đường ống nước đến từng hộ gia đình. “Chúng tôi đã linh hoạt lắp đặt cho một số hộ theo đề nghị của cư dân, như vậy là trái với nguyên tắc nhưng cũng là để phục vụ người dân” - ông Hà thừa nhận. Nhưng trước câu hỏi: Vì sao lại chỉ linh hoạt cho một số hộ, còn một số khác thì không, ông Hà không lý giải được.

Trong khi đó, người dân khu vực khẳng định, cán bộ, nhân viên của đơn vị thi công đã đến từng nhà chủ động đề nghị chi tiền ngoài để lắp đặt đường ống nước sạch và phải tối thiểu 2 nhà cùng làm mới nhận lắp. Liệu chủ trương phủ sóng nước sạch đến 100% khu vực nông thôn của TP Hà Nội có đang bị lợi dụng để tư lợi? Và vì sao khu đất đấu giá - khu Thiện, thôn Yên Vĩnh, xã Kim Chung đến nay vẫn chưa có hạ tầng kỹ thuật? Những câu hỏi này rất cần chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trả lời.