Gian nan chống “giặc” lửa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản của tổ chức, cá nhân. Hơn thế, có những vụ hỏa hoạn, tuy quy mô nhỏ nhưng đã cướp đi sinh mạng của nhiều người, để lại nỗi đau với người thân, gia đình nạn nhân và nhiều hậu quả đau lòng khác.

Qua các vụ cháy gần đây cho thấy, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đang gặp phải những khó khăn, bất cập cần khắc phục.

Những vụ hỏa hoạn gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian gần đây như vụ cháy tại Zone 9 ngày 19/11/2013 (địa chỉ số 9 Trần Thánh Tông, Hà Nội) khiến 6 người tử vong; ngày 19/2 vụ cháy lớn xảy ra tại Công ty CP Len Hà Đông trên đường 430 phường Vạn Phúc (Hà Đông) thiêu rụi khoảng 3.000m2, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng; ngày 15/4, tại Khu công nghiệp Vĩnh Hưng, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai lại xảy ra một vụ cháy lớn tại Công ty Diana, ước tính thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng. Đặc biệt, mới đây, ngày 3/5, tại quán karaoke Nhật Thực số 4b ngõ 43, phố Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội đã xảy ra vụ cháy khiến 5 người tử vong…
Vụ cháy tại Công ty Len Hà Đông xảy ra ngày 19/2.     Ảnh: Đạt Lê
Vụ cháy tại Công ty Len Hà Đông xảy ra ngày 19/2. Ảnh: Đạt Lê
 
Theo Đại tá Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, qua thực nghiệm cho thấy thời gian dễ xử lý đám cháy nhanh nhất, hiệu quả nhất là trong vòng 5 phút trở lại, vượt quá thời gian này, tốc độ đám cháy phát triển rất nhanh. Nếu ngoài 10 phút, công tác PCCC càng khó khăn. Chính vì vậy, nhiều nước thường dựa trên tiêu chí thời gian từ khi nhận được tin báo cháy cho đến khi lực lượng chuyên trách PCCC đến để bố trí đơn vị cơ sở theo cự ly hoạt động.

Tuy nhiên, Đại tá Trần Văn Sơn thừa nhận, thời gian "vàng" trong PCCC là 5 phút kể từ khi nhận được tin báo cháy nhưng không phải lúc nào lực lượng cảnh sát PCCC cũng thực hiện được điều này. Bởi, ở nước ta, hiện, quy định bán kính hoạt động của đội chữa cháy khu vực là 3km, đội trung tâm 5km. Như vậy, nếu tính theo diện tích của TP phải có 100 đội khu vực, 50 đội trung tâm, nhưng hiện tại chỉ có tất cả 18 đội chữa cháy. Đặc biệt, tại các huyện ngoại thành, quãng đường di chuyển thường xa, có những huyện chưa có đội PCCC, thời gian di chuyển kéo dài, nên việc dập tắt đám cháy gặp khó. Trong nội đô, do ảnh hưởng của những đặc thù hạ tầng giao thông Thủ đô như đường nhỏ, hẹp, nhiều ngõ ngách, tình trạng xe máy, xe đạp để trên vỉa hè khá phổ biến, ý thức của người tham gia giao thông kém gây tắc đường… khiến cho lực lượng PCCC gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận đám cháy.  

Đại tá Nguyễn Văn Sơn cho rằng, để khắc phục những bất cập nói trên không chỉ "ngày một, ngày hai" mà cần các biện pháp đồng bộ, lâu dài. Vì vậy, trước mắt, để hỗ trợ cho công tác PCCC, mục tiêu trọng tâm là xây dựng được phong trào PCCC toàn dân, để hỗ trợ cho lực lượng chuyên trách tăng cường hiệu quả PCCC. Gần đây, Sở Cảnh sát PCCC đã thực hiện ký cam kết hợp tác với Mặt trận Tổ quốc và sắp tới là các sở, ban ngành trên toàn TP trong việc tuyên truyền và giám sát việc thực hiện các quy định PCCC tại nhà trường, các cơ sở kinh doanh và công trình xây dựng. Đồng thời, chủ động tham gia huấn luyện, cấp chứng chỉ cho các lực lượng PCCC tại chỗ, lực lượng dân phòng cơ sở và tiến hành bồi dưỡng lại hàng năm cũng như kiểm tra, cấp mới chứng chỉ...

Rõ ràng, công tác PCCC ở Hà Nội đang gặp phải những khó khăn cần có thời gian để khắc phục. Tuy nhiên, trước mắt, lực lượng PCCC cũng phải tích cực để xử lý nhanh nhất trước các thông tin báo cháy và mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong công tác PCCC. 

 
Theo số liệu thống kê của Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, mặc dù số vụ cháy đã giảm dần qua từng năm nhưng tình hình cháy, nổ tại các khu dân cư, hộ gia đình vẫn rất phức tạp, số vụ cháy luôn ở mức cao. Năm 2012, cả TP xảy ra 197 vụ cháy, trong đó 36% là xảy ra tại nhà dân. Năm 2013, toàn TP xảy ra 161 vụ cháy và 1/3 trong số đó (33%) xảy ra tại các hộ gia đình. Các con số này cho thấy tình hình cháy, nổ tại các khu dân cư vẫn rất đáng lưu tâm.