Gian nan “dẹp loạn” xuất bản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường xuất bản “loạn nhịp” dễ đến cả chục năm nay, song chưa bao giờ các vi phạm lại nối tiếp nhau, lại “vô lối” và trầm trọng như thời gian gần đây.

Nhà quản lý cứ ra sức đuổi theo vi phạm để xử phạt, nhưng dường như càng đuổi càng nhận ra “không đủ sức” trong hành trình “dẹp loạn” đầy gian nan này.

Như muối bỏ bể

Lần ra quyết định xử phạt mới đây nhất là ngày 13/1/2015, 4 đơn vị là Công ty TNHH MTV Galaxy, Nhà sách Lao động, Nhà xuất bản (NXB) Hồng Đức, Công ty CP In Hà Nội đã bị Cục Xuất bản, In và Phát hành (gọi tắt là Cục Xuất bản) “tuýt còi”. Trước đó 4 ngày (9/1), 2 đơn vị (Công ty Thiên Khai và Công ty In bao bì Mỹ Quyên) cũng phải nhận hình thức xử phạt hành chính của Cục Xuất bản… Có thể nói là chưa bao giờ các NXB, các đơn vị in ấn, phát hành bị nhà quản lý “hỏi thăm” liên tục và mạnh tay như vậy.

 
Độc giả tham khảo sách tại Ngày hội sách Việt Nam. Ảnh:  Nguyễn Quỳnh
Độc giả tham khảo sách tại Ngày hội sách Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Năm 2013 đã được gọi là năm “đỉnh điểm” của vi phạm trong lĩnh vực xuất bản, song con số 224 xuất bản phẩm bị Cục Xuất bản xử phạt đã bị “phá kỷ lục” ngay từ khi năm 2014 chưa kết thúc. Bởi chỉ tính đến ngày 19/11/2014, đã có 306 xuất bản phẩm vi phạm bị xử lý, trong đó Cục Xuất bản “ra tay” với 284 xuất bản phẩm, còn lại 22 cuốn sách do các NXB tự xử lý, báo cáo. Liền sau đó là “khởi hành” cuộc thanh tra các NXB để dư luận liên tục bất ngờ trước con số 399 vụ vi phạm lớn, nhỏ trong năm 2014 và những quyết định xử phạt mạnh tay của nhà quản lý. Nặng nhất là quyết định xử phạt đối với NXB Thời đại vì có sai phạm trong việc xuất bản 55 cuốn sách, ấn phẩm với tổng số tiền phạt lên tới 968 triệu đồng - mức phạt kỷ lục trong lĩnh vực xuất bản từ trước tới nay. Hơn thế, Cục Xuất bản còn đề nghị tạm dừng hoạt động của NXB Thời đại và NXB Văn hóa – Thông tin.

Tuy nhiên, chính những người trong ngành cũng thừa nhận, “tuýt còi” nhiều như vậy, song “chẳng thấm vào đâu” so với tình trạng “loạn xuất bản” hiện tại. Trong một cuộc gặp gỡ báo chí, bà Mai Thị Hương – Trưởng phòng Quản lý Xuất bản của Cục Xuất bản cho biết, hàng năm, Cục nhận từ 28.000 - 30.000 đầu sách với khoảng 300 triệu bản để thẩm định. Ngoài phân cấp cho các cơ quan ở địa phương, Sở TT&TT - nơi quản lý hoạt động xuất bản trên địa bàn, Cục còn duy trì tổ cộng tác viên 12 người là các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, các giám đốc NXB, những người từng làm công tác quản lý, làm việc mỗi tuần 2 ngày để đọc và thẩm định các cuốn sách gửi về Cục. Song việc đọc hậu kiểm không đạt được mức 50%, số sách tồn lại rất nhiều nên không thể tránh khỏi sai sót. Vi phạm thì “muôn hình vạn trạng”, ngoài nội dung còn là về minh họa, bản quyền, giấy phép, đăng ký nội dung… Có những lỗi phản cảm tới mức khó chấp nhận như cuốn sách luật có minh họa bìa in hình diễn viên hài Công Lý, cuốn Từ điển Tiếng Việt của Vũ Chất… Mà tất cả vi phạm đều nằm trong góc liên kết xuất bản – góc chiếm tới 90% thị phần xuất bản hiện nay. Nghĩa là, dù các nhà quản lý có “căng mình” ra thì những lỗi “bắt” được trong lĩnh vực xuất bản vẫn chỉ như… muối bỏ bể.

Chỉ vì “đói ăn vụng…”?

Đối diện với các vi phạm, rồi mổ xẻ các sai phạm, người ta nhận ra không ít lý do khiến thị trường xuất bản “loạn nhịp”. Nào là trình độ biên tập viên NXB kém, nào là khâu hậu kiểm không chặt... có người còn đổ tại liên kết xuất bản. Song đi đến tận cùng vấn đề, những người trong ngành “giải mã”: Bản thân liên kết xuất bản không có lỗi, thậm chí còn tạo cơ hội xã hội hóa nhằm tạo sự đa dạng cho ngành xuất bản. Chỉ là do hoạt động xuất bản thua lỗ, các NXB không thể nuôi nổi mình nên đã “núp bóng” liên kết để làm liều.

Một biên tập viên của NXB chia sẻ, đa phần các NXB hiện nay sống dựa vào liên kết, nên cố gắng giảm bớt các khâu kiểm duyệt như một cách để thu hút nhiều đối tượng liên kết – chỉ như vậy mới mang lại doanh thu. Thực tế đã cho thấy, có những NXB cả năm không tự làm nổi một cuốn sách, thả nổi cho các đơn vị liên kết tự tung tự tác. Nói như Cục trưởng Cục Xuất bản Chu Văn Hòa: “Lâu nay, một số NXB núp bóng liên kết, nhưng thực ra là bán giấy phép lấy tiền và không thèm nhìn mặt “con đẻ” của mình, cho nên nhiều giám đốc NXB khi bị phát hiện sai phạm mới tá hỏa”. Như là cuốn “Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” – sản phẩm liên kết giữa NXB Lao động – Xã hội và Nhà sách Lao động, mà Giám đốc Nguyễn Hoàng Cầm thừa nhận: “Nhà sách làm, NXB chỉ duyệt và cấp phép”. Sách được in vào khoảng tháng 3, tháng 4, nhưng đến tháng 7, NXB mới phát hiện sai sót và cho thu hồi. Nhưng chỉ trong vài tháng “chưa phát hiện” đó, nhà sách đã kịp đưa cuốn sách với bìa in hình ảnh phản cảm ra thị trường. Và trong việc thả nổi liên kết này, lỗi còn ở khâu giám sát, kiểm tra hoạt động của các NXB lâu nay lỏng lẻo, nên mạnh đơn vị nào, đơn vị ấy tìm đường “kiếm ăn”. Thêm vào đó, quy trình xử lý hiện nay chưa có khả năng “răn đe” để các NXB hết làm liều. Với một cuốn sách bị phát hiện sai phạm, NXB chỉ bị yêu cầu giải trình, đình chỉ phát hành cuốn sách, chịu trách nhiệm thu hồi, tự xử lý các ấn phẩm thu hồi rồi… báo cáo nhà quản lý. Nặng hơn thì bị xử phạt hành chính, còn bị đình chỉ hoạt động thì cực ít. Thế nên, nếu doanh thu vẫn có, người ta chẳng nề hà vi phạm.

Nói về vấn đề này, ông Hòa cho rằng: Có hơn 30.000 đầu sách mỗi năm, 300 triệu bản sách/năm phần lớn là nhờ sách liên kết, không thể phủ nhận vai trò của liên kết xuất bản. Việc cần làm là nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước để liên kết lành mạnh đúng như bản chất của nó. Thanh, kiểm tra là một giải pháp quan trọng, nhưng không phải là liều thuốc tiên. Giải pháp quan trọng hơn là xây dựng những NXB đủ tiềm lực để chịu trách nhiệm của mình. Nghĩa là chỉ khi các NXB không “đói ăn vụng, túng làm liều” thì thị trường xuất bản mới hết “loạn nhịp”.