Gian nan đòi nợ bảo hiểm xã hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng chây ì, nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) kéo dài đang có chiều hướng gia tăng...

Kinhtedothi - Tình trạng chây ì, nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) kéo dài đang có chiều hướng gia tăng, là một trong những nguyên nhân chính gây mất cân đối thu - chi, vỡ Quỹ BHXH. Vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất, Luật BHXH (sửa đổi) cần điều chỉnh những bất cập và trao quyền thanh tra, xử phạt cho cơ quan BHXH.

Bất lực trong xử lý

Bà Nguyễn Thị Minh - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam xác nhận, nợ đóng bảo hiểm y tế, BHXH và bảo hiểm thất nghiệp tính đến hết tháng 3/2014 lên đến 11.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều đơn vị nợ đọng kéo dài gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Ông Trần Đình Liệu - Trưởng ban Thu, BHXH Việt Nam cho biết, tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH như trốn đóng, nợ đóng đang diễn ra khá phức tạp. Hiện cả nước có trên 500.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập, nhưng trên thực tế có khoảng trên 300.000 DN đang hoạt động, trong đó chỉ có 150.000 DN tham gia đóng BHXH. 
Tập đoàn Mai Linh là một trong những doanh nghiệp nợ đọng BHXH lớn nhất TP Hồ Chí Minh.      Ảnh:  Mạnh Dũng
Tập đoàn Mai Linh là một trong những doanh nghiệp nợ đọng BHXH lớn nhất TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Dũng
Đơn cử, với gần 90 tỷ đồng nợ BHXH, Tập đoàn Taxi Mai Linh đang là một trong những DN nợ BHXH lớn nhất TP Hồ Chí Minh, trong khi hàng tháng, DN này vẫn trích trừ tiền lương của người lao động với lý do để đóng BHXH. Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Công ty CP Xây dựng và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc nợ BHXH đã 74 tháng. Năm nào, BHXH tỉnh cũng đi kiện nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được vì giám đốc công ty không chịu trình diện tại tòa, trong khi không có chế tài để xử lý.

Trao quyền thanh tra 

Theo bà Huyền, ngành BHXH gần như không có công cụ pháp lý trong tay để "đòi nợ" DN: Cán bộ BHXH chỉ có quyền lập biên bản nên DN không sợ, mặc nhiên chây ì. Trong khi ngành LĐTB&XH hiện có khoảng 500 cán bộ thanh tra, ngành y tế có khoảng 300 cán bộ thực hiện chức năng thanh tra trên nhiều lĩnh vực, trong đó, thanh tra về BHXH chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nên không thể xử lý hết đầu việc. Vì vậy, có ý kiến đề nghị trao cho cơ quan BHXH quyền thanh tra và xử phạt các trường hợp vi phạm pháp luật về đóng, hưởng BHXH. Theo phân tích của bà Minh, BHXH là cơ quan trực tiếp tiếp cận với việc thu, chi nên sẽ nắm sát tình hình đóng bảo BHXH của các DN nên nếu trao cho BHXH chức năng thanh tra thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề bất cập. 

Ở góc độ khác, ông Liệu nhìn nhận, sau 7 năm thực hiện, Luật BHXH đã bộc lộ quá nhiều bất cập. Để khắc phục cần xác định thế nào là DN thực sự khó khăn, bổ sung cho ngành BHXH một số quyền giống như nhiều nước trên thế giới đã làm. Ngoài ra, việc DN trốn đóng, chậm đóng BHXH phải bị coi là hành vi hình sự. Bên cạnh đó, lãi suất chậm nộp thấp hơn lãi suất ngân hàng cũng là lý do khiến nhiều DN lợi dụng, nên cần có quy định lãi suất này phải cao gấp đôi lãi suất ngân hàng.
 
"Tại nhiều nước như Pháp, Mỹ, Hàn Quốc…, ngành BHXH được trao quyền thanh tra tất cả DN đang hoạt động, có thể yêu cầu tòa án cưỡng chế DN trốn đóng BHXH, tịch thu tài sản và yêu cầu DN phá sản để tịch thu tài sản của DN đó." -  Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân-Trưởng ban Tài chính - Kế toán, BHXH Việt Nam