Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gian nan hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2023 không đạt như kỳ vọng, trong khi, nền kinh tế đang khủng hoảng đa tầng, phục hồi gập ghềnh. Điều này đòi hỏi những giải pháp tăng trưởng cuối năm cần được triển khai quyết liệt hơn nữa.

Đây là nhận định chung của các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra tại sự kiện Đối thoại tháng 7 với chủ đề “Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán” do Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán tổ chức ngày 26/7.

Đường phục hồi gập ghềnh

Chia sẻ tại sự kiện, ông Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết, năm 2023, kinh tế thế giới suy thoái kỹ thuật, cục bộ. Dự báo của Ngân hàng Thế giới đã điều chỉnh tốc độ tăng trưởng năm 2023 xuống còn 2,1-2,4% (thấp hơn mức tăng 3-3,4% của năm 2022); lạm phát (CPI) đang giảm, từ mức 7,6% năm 2022 xuống còn khoảng 5,5% năm 2023.

Các đại biểu tham gia phát biểu tại sự kiện
Các đại biểu tham gia phát biểu tại sự kiện

Theo ông Lực, 4 rủi ro đối với bức tranh tăng trưởng kinh tế thế giới được nhận diện gồm: Xung đột địa chính trị kéo dài và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; Sự đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ, Thụy Sỹ làm tăng rủi ro thị trường tài chính – tiền tệ toàn cầu, rủi ro nợ xấu và vỡ nợ gia tăng; Rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn hiện hữu; Giá cả, lạm phát, lãi suất toàn cầu giảm nhưng còn ở mức cao, rủi ro tài chính – tiền tệ tăng khiến tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu mong manh hơn.

Đối với Việt Nam, kinh tế thế giới suy thoái, cục bộ tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính trong nước. Bên cạnh đó, giải ngân Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, đầu tư công chưa thể có đột phá. Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn (pháp lý, nguồn vốn, nhân sự, chi phí đầu vào và đầu ra/đơn hàng thu hẹp…). Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tín dụng vẫn gặp nhiều thách thức; nợ xấu gia tăng; rủi ro thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản cần thời gian xử lý, lành mạnh hóa.

“Nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang đối diện khủng hoảng đa tầng. Vì vậy, để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5% là khó khả thi. Mức tăng trưởng GDP cả năm 2023 sẽ nằm trong khoảng 5%” – ông Cấn Văn Lực dự báo.

Đồng quan điểm trên, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Chí Quang cho rằng, trong 3 động lực cho tăng trưởng kinh tế, đầu tư công vẫn còn khó khăn, chưa có sự lan tỏa đối với đầu tư tư nhân. Trong khi đó, động lực thứ 2 là xuất khẩu mặc dù ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai nhưng tăng trưởng của xuất nhập khẩu giảm nhanh – dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang “co rút” lại và “miếng bánh” GDP giảm. Động lực thứ 3 là tiêu dùng trong nước, theo ông Quang khi đầu tư giảm, xuất nhập khẩu giảm, tổng cung không tạo ra công ăn việc làm, không thể kích thích tiêu dùng dù chúng ta đã thực hiện nhiều chính sách kích thích nội nhu, kích thích tiêu dùng trong nước.

Phát triển các kênh dẫn vốn an toàn

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm cũng như đạt được mức tăng trưởng hợp lý, các chuyên gia cho rằng, các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế cần tích cực thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng bộ để thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua khó khăn.

Ông Cấn Văn Lực nêu quan điểm, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng cho Việt Nam là đẩy mạnh đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, giải ngân theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng các đầu tầu kinh tế, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phối hợp chính sách hiệu quả (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá và các chính sách vĩ mô khác) nhằm tiếp tục giảm lãi suất, bình ổn tỷ giá, giá hàng hóa thiết yếu và các thị trường tài chính, xây dựng, bất động sản, lao động… Đồng thời, các cơ quan liên quan cần quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là 4 vướng mắc chính: pháp lý và thực thi công vụ; tài chính (cả tiếp cận và năng lực hấp thụ vốn, nghĩa vụ tài chính…); giảm chi phí đầu vào và tìm đầu ra/đơn hàng; giữ chân người lao động.

Còn theo ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam hiện đang ở mức 126%, là mức cao nhất trong các nước đang phát triển. Việc nền kinh tế dựa vào tín dụng ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro với kinh tế vĩ mô, vì vốn ngân hàng là ngắn hạn, trong khi nhu cầu vốn vay trung và dài hạn lại rất lớn. “Quá dựa vào tín dụng để thúc đẩy kinh tế không phải là con đường an toàn nhất” - ông Quang chia sẻ.

Ông Quang cho rằng, bên cạnh tín dụng ngân hàng, cần tập trung phát triển các kênh dẫn vốn an toàn khác như thị trường chứng khoán, cụ thể là thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu doanh nghiệp…

Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho rằng, thị trường chứng khoán phát triển sẽ giúp giảm áp lực cho thị trường tiền tệ, giảm bớt gánh nặng cùng hệ thống ngân hàng về vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp.