Gian nan nghề Thừa phát lại

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù được thừa nhận là một nghề mới trong xã hội, được pháp luật bảo vệ và bảo đảm thực hiện, thế nhưng trên thực tế, những người hành nghề Thừa phát lại (TPL) gặp phải nhiều khó khăn, vất vả khi thực hiện nhiệm vụ.

Ít việc, khó khăn trong tổ chức thi hành án
Do tồn tại nhiều vướng mắc nên số việc xác minh điều kiện thi hành án (THA) và trực tiếp tổ chức THA mà các văn phòng (VP) TPL hiện nay nhận được còn rất ít, thậm chí có VP chưa thực hiện được vụ việc nào. Thực tế này chưa tương xứng với tiềm năng mà đội ngũ TPL có thể mang lại: Khi muốn điều tra, xác minh tài sản của người phải THA, thậm chí trong trường hợp tổ chức THA, người dân có thể lựa chọn TPL với mức chi phí trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên. Có thể nói, việc tổ chức THA của VP TPL đã tạo một bước tiến mới trong hoạt động pháp lý khi giúp người dân có thêm lựa chọn. Điều này góp phần tăng tính dân chủ, chủ động trong Nhân dân, phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Theo đại diện các VP TPL, vì người dân còn xa lạ đối với thẩm quyền tổ chức THA của TPL, cùng với tâm lý tin tưởng cơ quan Nhà nước hơn nên họ có xu hướng chọn cơ quan THA. Do đó, lượng việc THA mà các VP nhận được còn rất ít, hầu hết là các việc khó khăn, phức tạp. Chủ yếu người dân thấy Chấp hành viên làm việc thiếu nhiệt tình, tốn thời gian thì mới mời TPL.

Văn phòng Thừa phát lại Hà Đông kiểm tra hồ sơ trước khi tống đạt văn bản. Ảnh: Văn Trọng

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, TPL Bùi Trọng Hào - Trưởng VP TPL quận Hà Đông chia sẻ, TPL chưa nhận được sự phối hợp tích cực, kịp thời từ nhiều cơ quan liên quan. Các cơ quan trả lời xác minh rất chậm, gây khó khăn trong việc xác minh trả lời kết quả cho đương sự, ảnh hưởng tới tiến độ THA. Ngoài ra, nhiều cán bộ cấp xã, phường, tổ dân phố từ chối, không cung cấp yêu cầu xác minh của TPL. Do đó, phải gửi lại tài liệu, hẹn thời gian đến làm việc sau, nhiều vụ việc cán bộ phải đi lại nhiều lần mà chưa chắc có kết quả. Trong khi đó, chưa có chế tài yêu cầu các cơ quan này phối hợp, cung cấp thông tin cho TPL.
Đồng quan điểm, Trưởng VP TPL quận Ba Đình Nguyễn Văn Lạng cho rằng, trong 4 công việc được giao cho TPL, THA là công việc khó nhất, cũng bởi pháp luật còn quy định chung chung, chưa rõ ràng. Theo quy định của pháp luật THA, khi trực tiếp tổ chức THA, TPL có quyền như Chấp hành viên, nhưng các cơ quan, tổ chức không phải ai cũng biết điều này. Họ cho rằng, Chấp hành viên là người Nhà nước, họ có quyền sử dụng quyền của Nhà nước để tổ chức THA; còn TPL là người hoạt động tự do, không phải người Nhà nước. Dù được Nhà nước chọn và bổ nhiệm, giao quyền để làm nhưng người dân không biết TPL có được sử dụng quyền lực của Nhà nước để tổ chức THA hay không. Thực tế, một số cơ quan khi đụng chạm đến việc TPL tổ chức THA, ra các quyết định khấu trừ tiền, ra các quyết định thu hồi…, họ cho rằng TPL không phải người Nhà nước nên họ không có trách nhiệm thực hiện theo các quyết định của TPL. Ngoài ra, khi THA, phần lớn các vụ việc phải tổ chức cưỡng chế, phải sử dụng quyền lực Nhà nước, rất nhiều cơ quan đặt vấn đề, tại sao buộc họ thực hiện yêu cầu của TPL? Do đó, việc phối hợp còn gặp khó khăn. Hiện, các VP TPL đang đề nghị có quy chế phối hợp để thực hiện tốt hơn.
Từ khi thành lập đến nay, hơn 2 năm qua, VP TPL quận Ba Đình đã thực hiện 6 vụ THA, trong đó có những việc vẫn đang phải tiếp tục thực hiện. Theo Trưởng VP TPL quận Ba Đình Nguyễn Văn Lạng, công việc THA đòi hỏi phải có quy trình, từng giai đoạn, từng việc thực hiện. Cụ thể như kê biên, bán đấu giá một ngôi nhà phải có trình tự. Có ngôi nhà quá trình thực hiện từ lúc kê biên đến khi bán xong hơn một năm. Bởi kê biên xong phải định giá, định giá thông báo rồi tổ chức bán đấu giá, nếu không có người tham gia đấu giá, lại phải làm thủ tục thông báo giảm giá, rồi lại tiếp tục thông báo tổ chức bán đấu giá; có việc phải thực hiện quy trình đến 5 lần mới bán xong ngôi nhà. Trong khi mỗi lần thông báo tổ chức bán đấu giá phải thực hiện thời gian tối thiểu trong 2 tháng. “Trong quá trình thực hiện các vụ THA, VP đã thu được cho bên THA hơn 10 tỷ đồng. Tới đây, VP tiếp tục bán đấu giá 1 ngôi nhà, dự kiến thu hơn 10 tỷ đồng” – ông Lạng cho biết.
Gian nan tống đạt văn bản
Trong 4 chức năng của TPL, thì tống đạt văn bản cũng là công việc khó khăn, vất vả không kém THA. Các VP TPL đều coi đây là công việc nhằm hỗ trợ cho Tòa án và Cơ quan THA chứ không mang tính chất sinh lời. Chức năng tống đạt của VP TPL do Thư ký nghiệp vụ tiến hành đã góp phần giảm tải công việc cho đội ngũ Thư ký Tòa án và các cơ quan THA dân sự.
Trưởng VP TPL quận Hà Đông Bùi Trọng Hào cho biết, tính từ khi thành lập, tháng 4/2014 đến hết tháng 11/2016, VP TPL quận Hà Đông đã tống đạt được tổng số 11.614 văn bản các loại; trong đó có 8.155 văn bản của Tòa án và 3.459 văn bản của Cơ quan THA dân sự. Nhìn chung, các cơ quan như UBND, công an xã, phường, thị trấn, cán bộ khu phố trên địa bàn quận, nơi VP đặt trụ sở đã phối hợp, tạo điều kiện để đơn vị hoàn thành công việc của mình. Tuy nhiên, cán bộ ở các địa bàn khác vẫn chưa nhiệt tình hợp tác, giúp đỡ VP TPL. Việc này gây trở ngại rất lớn, đặc biệt đối với văn bản có thời gian gấp.
TPL còn gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo thời hạn tống đạt bởi sự sai sót về họ tên, địa chỉ, nhầm lẫn nội dung văn bản được tống đạt. Ví dụ, trong trường hợp đương sự được tống đạt văn bản là công ty thuê trụ sở tại nhà cao tầng, sau đó chuyển đi nơi khác, khi tống đạt văn bản đến địa chỉ cũ, Ban quản lý tòa nhà không hợp tác hỗ trợ và cũng không có tổ dân phố nào phụ trách theo dõi nên không xin được xác nhận của Tổ trưởng Tổ dân phố, dẫn đến UBND xã, phường không xác nhận biên bản trong trường hợp tống đạt không thành. Bên cạnh đó, thái độ không hợp tác, thậm chí là chống đối, đe dọa của đương sự cũng gây nên nhiều khó khăn khi tống đạt văn bản. Nhiều trường hợp, Thư ký nghiệp vụ gọi điện báo trước để xin gặp nhưng đương sự tìm cách từ chối. Đến tận nơi thì đương sự không có mặt tại địa chỉ cư trú hoặc vắng nhà với lý do, dẫn đến có trường hợp TPL phải trả lại văn bản cho Tòa án hoặc Cơ quan THADS.
Thời gian gần đây, các cơ quan Tòa án và THA đều tạm dừng việc chuyển giao văn bản cho các VP để tống đạt, chờ chủ trương. Đây cũng là bài toán khó cho các VP khi không biết có nên duy trì đội ngũ cán bộ này hay không, duy trì như thế nào để đến khi tiếp tục nhiệm vụ thì đáp ứng được ngay, bởi phần lớn các VP TPL đã xây dựng được đội ngũ thư ký đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu công việc.
Theo quy định, TPL được thực hiện 4 nhóm công việc chính: Tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan THA dân sự; Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; Xác minh điều kiện THA theo yêu cầu của đương sự; Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. TPL do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm và cấp thẻ hành nghề.

Do gặp nhiều khó khăn trong công tác THA, trong năm 2016, VP TPL quận Hà Đông không thụ lý thêm vụ việc phải THA. TPL chưa được trao quyền tương xứng với Chấp hành viên; cùng một việc giống nhau nhưng lại trao quyền khác nhau. Thậm chí, có những cơ quan, tổ chức không hợp tác, ngân hàng từ chối xác minh khi TPL tổ chức THA. Cụ thể, khi VP tiếp nhận vụ việc THA với số tiền 450 triệu đồng. Qua xác minh, VP được biết trong tài khoản của họ có số tiền trên 13 tỷ đồng, nhưng ngân hàng ở địa chỉ 36 Hoàng Cầu (quận Đống Đa) từ chối xác minh, không hợp tác nên cơ quan TPL không có quyền phong tỏa, khấu trừ tài khoản.
Trưởng VP TPL quận Hà Đông  Bùi Trọng Hào

Để nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động, các VP TPL đều mong muốn Quốc hội sớm ban hành Luật về TPL, trước mắt là sửa đổi các nghị định cho phù hợp, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho Chế định TPL khi đã được chính thức đi vào hoạt động từ 1/1/2016. Ngoài ra, cần có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn để đưa các hoạt động của TPL tiếp cận với người dân một cách dễ dàng và giúp TPL thực hiện thuận lợi các chức năng được giao.
Trưởng VP TPL quận Ba Đình  Nguyễn Văn Lạng