Gian nan phát triển giao thông nông thôn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi đăng tải loạt bài: “Gian nan phát triển giao thông nông thôn”, báo Kinh tế & Đô thị đã nhận được những ý kiến phản hồi, đóng góp rất quý báu của các cơ quan chức năng TP Hà Nội.

Đảm bảo hiệu quả đầu tư  

Tập trung hoàn thành các hạng mục dang dở

Gian nan phát triển giao thông nông thôn - Ảnh 1Nhấn mạnh đến tính cấp thiết của việc đảm bảo tính hiệu quả trong quá trình đầu tư, xây dựng và đưa vào sử dụng hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT), Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho rằng, hiện nay, những khó khăn lớn nhất trong việc phát triển hệ thống GTNT là công tác GPMB và kinh phí đầu tư. Cùng với đó, tại một số quận, huyện do công tác tuyên truyền đến người dân chưa làm tốt, chưa đạt hiệu quả cao từ khâu vận động người dân hiến đất, hợp tác với chính quyền trong GPMB, dẫn đến việc chậm trễ thi công, ảnh hưởng kết cấu chung của toàn hệ thống. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí dành cho giao thông nói chung vẫn còn hạn hẹp nên quá trình phân bổ, đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn.           

Theo ông Tuấn, UBND TP, các huyện, Sở GTVT cùng các ban, ngành chức năng vẫn đang nỗ lực xây dựng mạng lưới GTNT. Với phương châm làm đến đâu gọn đến đấy, thời gian tới, Sở sẽ đầu tư theo hướng không dàn trải mà tập trung hoàn thành dứt điểm các hạng mục còn dang dở trước, đưa vào sử dụng ngay, phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương của Nhân dân. Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng đã có văn bản cụ thể gửi các huyện, xã hướng dẫn quy trình vận hành, duy tu, bảo trì hạ tầng. Sở sẽ cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ UBND các huyện, xã trong quá trình tuyên truyền và vận động người dân xây dựng ý thức tham gia giao thông, cùng góp công sức bảo vệ công trình GTNT, huy động mọi nguồn lực của TP và Nhân dân vào việc duy tu, bảo trì để đảm bảo hạ tầng đầu tư mang lại kết quả thiết thực, lâu dài, bền vững. “Sau 5 năm đầu tư, xây dựng, mạng lưới GTNT đã phát triển và mang lại những hiệu quả thiết thực vô cùng to lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Để tiếp tục duy trì và phát triển thành quả đó, các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn của Hà Nội cần làm tốt hơn nữa vai trò của mình, cùng với Nhân dân TP đưa “Chiến lược phát triển GTNT” sớm ngày về đích” - ông Tuấn nói.      

Xác định cách làm riêng phù hợp          

Gian nan phát triển giao thông nông thôn - Ảnh 2Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, huyện đã xác định cách làm riêng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để thực hiện các nội dung của Chương trình 02-CTr/TU, Quyết định 16/QĐ-UBND của UBND TP trong việc khuyến khích phát triển, xây dựng hạ tầng GTNT. UBND huyện đã lên "khung" cho việc xây dựng mỗi tuyến đường giao thông hết khoảng bao nhiêu lượng cát, sỏi, xi măng. Trên cơ sở đó, giới thiệu DN vào cung ứng vật liệu trước cho các xã, người dân đóng vai trò giám sát quá trình thực hiện. Đồng thời có sự phân công nhiệm vụ, trách nhiệm rõ ràng, huyện thực hiện các tuyến đường liên xã; xã thực hiện các tuyến đường liên thôn; đường ngõ xóm do Nhân dân trực tiếp tham gia đóng góp ngày công lao động thực hiện. Nhờ đó, trong 4 năm qua, Đan Phượng đã hoàn thành cơ bản việc bê tông hóa 100% các tuyến đường xóm, ngõ, xây dựng được 6 tuyến đường liên xã dài 12,8km, 19,73km đường trục thôn, 136,7km đường ngõ xóm và 80,6km đường trục chính nội đồng. Tổng kinh phí thực hiện xây dựng đường GTNT hơn 450 tỷ đồng, trong đó ngân sách hơn 320 tỷ đồng, Nhân dân đóng góp gần 130 tỷ đồng. Chính cách làm này đã giúp loại bỏ nhiều khâu trung gian, gián tiếp nên giảm được tới 50% chi phí thực hiện.

Tuyên truyền, vận động về “quyền làm chủ” của người dân

Gian nan phát triển giao thông nông thôn - Ảnh 3Ông Lê Tuấn Tú - Trưởng phòng Quản lý đô thị (QLĐT) huyện Thường Tín chia sẻ, ban đầu, việc vận động người dân góp công, góp của làm đường GTNT cũng rất khó khăn, hầu hết các xã đều không dám nhận chỉ tiêu, sợ không hoàn thành. Phòng QLĐT huyện phải tổ chức lực lượng, trước tiên phổ biến cho các cán bộ xã về đường hướng, rồi cùng cán bộ xã đi vào trong dân để giải thích, vận động. Đề án 02 của UBND huyện Thường Tín về xây dựng GTNT được phổ biến đến mức không chỉ 100% cán bộ mà đa số người dân cũng nắm được. Hiểu được phương thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, hoàn thành lại giao cho dân quyền làm chủ quản lý nên bà con rất nhiệt tình ủng hộ Đề án. Nhiều nơi, cán bộ QLĐT đi khảo sát kiểm tra trước khi trình UBND huyện Thường Tín phê duyệt đầu tư các tuyến đường có khi Nhân dân xin làm, xin đóng góp theo hình thức xã hội hóa mà không được, do nguồn vốn đối ứng của ngân sách huyện có hạn, chỉ mới ưu tiên những đường đất hoặc đường cũ đã quá xuống cấp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần