Gian nan phát triển nông nghiệp hữu cơ

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sản xuất hữu cơ là hướng phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, giảm thiểu tác động đến môi trường và tạo ra sản phẩm sạch, an toàn. Tuy nhiên, để thành công với nông nghiệp hữu cơ, các nông trại đã phải rất kiên trì, vượt qua hàng loạt khó khăn, gian nan.

Đây là thông tin tại buổi tọa đàm “Phát triển nông nghiệp hữu cơ – Hướng đi hiệu quả bền vững” do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với Công ty TNHH thương mại và đầu tư Việt Liên tổ chức ngày 2/3. Tham dự  có các chuyên gia, nhà quản lý, nông dân tiêu biểu của huyện Gia Lâm. Tại đây, các đại biểu đã thảo luận về các khó khăn, vướng mắc và tìm ra các giải pháp để phát triển nông nghiệp hữu cơ hiệu quả hơn.

Các chuyên gia, nhà quản lý giải đáp câu hỏi của nông dân tại tọa đàm. Ảnh: Ngọc Ánh
Các chuyên gia, nhà quản lý giải đáp câu hỏi của nông dân tại tọa đàm. Ảnh: Ngọc Ánh

Từ những nông trại "ngược dòng" đầu tiên

Chia sẻ về chặng đường lập nghiệp đầy gian nan với nông nghiệp hữu cơ (NNHC), Phó Giám đốc Công ty TNHH thương mại và đầu tư Việt Liên Nguyễn Thanh Phương cho biết, Tuệ Viên bắt tay vào sản xuất NNHC từ năm 2008, thời điểm đó được coi là “cá bơi ngược dòng”. Theo bà Phương, lợi ích của NNHC không chỉ đơn thuần sản xuất sản phẩm để bán mà còn nâng tầm vai trò của người nông dân, góp phần quan trọng vào cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường. Sau 10 năm kiên trì xây dựng nông trại hữu cơ Tuệ Viên với diện tích 2ha, năm 2018, nông trại đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ của Việt Nam (TCVN 11041).

Ruộng rau hữu cơ tại nông trại hữu cơ Tuệ Viên (phường Cự Khối, quận Long Biên). Ảnh: Ngọc Ánh 
Ruộng rau hữu cơ tại nông trại hữu cơ Tuệ Viên (phường Cự Khối, quận Long Biên). Ảnh: Ngọc Ánh 

Hiện nông trại đầu tư sản xuất, phát triển thị trường nhiều loại sản phẩm hữu cơ như: Rau, củ, quả tươi; sản phẩm chăm sóc cá nhân, chăm sóc gia đình, thực phẩm, đồ uống tự nhiên, an toàn có nguồn gốc thảo mộc; sản xuất phân bón hữu cơ, chế phẩm cải tạo đất, chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học... Các sản phẩm này đều được người tiêu dùng đón nhận, ưa chuộng và đang là mặt hàng bán chạy, uy tín tại nhiều siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch.

Nhận định về lợi ích của NNHC, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho rằng, phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ là quá trình dài, đòi hỏi sự kiên trì, tối thiểu từ 3 - 5 năm mới cho thu hoạch, nhưng hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần so với sản phẩm nông nghiệp thông thường, đồng thời tạo môi trường sống trong lành, bảo vệ sức khỏe cho người dân, góp phần cân bằng hệ sinh thái. Tiềm năng về phát triển NNHC của Hà Nội là rất lớn, cả về nguồn lực tự nhiên cũng như trình độ sản xuất ngày càng cao của nông dân Thủ đô.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, trong 10 năm trở lại đây, các mô hình sản xuất NNHC trên địa bàn Thành phố có những bước phát triển nhất định. Trung bình mỗi năm các mô hình cung ứng cho thị trường hàng trăm tấn sản phẩm NNHC. Đáng chú ý, một số sản phẩm NNHC (rau, lúa, bưởi…) của các đơn vị, DN đã có chỗ đứng trên thị trường, tiêu biểu như: Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (Đan Phượng), trang trại Hoa Viên (Thạch Thất), HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân (Sóc Sơn), nông trại hữu cơ Tuệ Viên (Long Biên), HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (Chương Mỹ)…

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Ngọc Ánh
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Ngọc Ánh

Hướng đến phát triển bền vững

Mặc dù hiệu quả đã được khẳng định, nhưng trên thực tế quy mô sản xuất NNHC của Hà Nội còn hạn chế. Đến nay, diện tích trồng trọt hữu cơ của TP mới đạt hơn 2.000ha; diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ là 10,1ha. Trong chăn nuôi, Hà Nội chưa có sản phẩm hữu cơ đúng nghĩa, mới chỉ có các đơn vị thực hiện chăn nuôi chuyển đổi hữu cơ với tổng đàn khoảng hơn 14.000 con (lợn, gà, bò…).

Đáng nói, có một số dự án, mô hình sản xuất NNHC dù được đầu tư triển khai, song hiệu quả không như mong đợi. Theo Trưởng phòng Trồng trọt – Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Mai Minh Hương, các mô hình NNHC khó nhân rộng bởi nhiều lý do, trong đó có sự thiếu kiên trì của bà con nông dân và nút thắt là phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm NNHC chưa được quan tâm đúng mức.

 

Tại tọa đàm, chuyên gia, nhà quản lý đã phổ biến, trao đổi, giải đáp cho các chủ trang trại, nông dân về những nội dung liên quan đến NNHC như: Quy định về tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ; tiêu chí đánh giá sản phẩm hữu cơ; yêu cầu cần thiết chuyển đổi từ sản xuất truyền thống, VietGAP sang sản xuất hữu cơ; phát triển thị trường, kết nối tiêu thụ cho sản phẩm hữu cơ; các chính sách hỗ trợ của Nhà nước thúc đẩy phát triển NNHC.

Nhằm thúc đẩy phát triển NNHC mang lại giá trị cao, phát triển bền vững, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tham mưu và trình UBND Thành phố phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, mỗi năm Hà Nội sẽ mở rộng sản xuất ít nhất 300 - 500ha cây trồng theo hướng hữu cơ; đến năm 2025 tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1 - 2% tổng sản phẩm chăn nuôi, diện tích thủy sản chuyển đổi hữu cơ đạt khoảng 70ha... Về định hướng lâu dài, sản xuất hữu cơ của nông nghiệp Hà Nội sẽ gắn với du lịch sinh thái và sản xuất hữu cơ ứng dụng công nghệ cao.

Trước đó, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND, trong đó có hỗ trợ vùng sản xuất tập trung, sản xuất NNHC. Trong đó có cả phát triển NNHC ứng dụng công nghệ cao đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại.

Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ phát triển NNHC được áp dụng hiệu quả thông qua việc triển khai thực hiện nhiều mô hình khuyến nông trong những năm gần đây. Theo bà Vũ Thị Hương, các hộ sản xuất tham gia mô hình khuyến nông về sản xuất NNHC được hỗ trợ 100% về chi phí cấp giấy chứng nhận NNHC và đào tạo, tập huấn sản xuất NNHC; hỗ trợ 50% kinh phí mua giống, vật tư thiết yếu thực hiện mô hình; hỗ trợ 50% kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm, tuần lễ quảng bá, giới thiệu sản phẩm…

Ngoài ra, từ nguồn ngân sách thông qua Quỹ Khuyến nông Thành phố, hàng năm, Trung tâm Khuyến nông giải ngân trên dưới 50 tỷ đồng cho các chủ trang trại, hợp tác xã vay vốn phát triển sản xuất, trong đó có sản xuất NNHC.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần