Khu vực DN đóng góp trên 70% nguồn lực thu ngân sách Nhà nước, thu hút 7,4 triệu lao động. Những con số đó nói lên sự đóng góp lớn lao của cộng đồng DN cho sự nghiệp phát triển của nước nhà.
Sản xuất linh kiện xe máy tại Công ty TNHH TS Việt Nam. Ảnh: Huy Hùng
Những chiến sỹ rất đáng được tôn vinh
Hiện các doanh nhân Việt Nam đang ngày càng tích cực hơn khi tham gia vào tiến trình hội nhập kinh tế một cách bài bản có hệ thống. Đồng thời là lực lượng quan trọng để thực hiện chiến lược về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo và là kênh tham mưu quan trọng trong xây dựng đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Do đó, trước bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới còn gặp phải nhiều khó khăn thách thức, việc tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ doanh nhân phát triển lớn mạnh, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, sự phát triển nhanh, bền vững, độc lập, tự chủ của nền kinh tế là hết sức cần thiết. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, sự ra đời của Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH là sự động viên khích lệ lớn lao, tạo thêm niềm tin và sức mạnh cho cộng đồng DN Việt Nam tiếp tục trụ vững, vượt qua khó khăn, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo tinh thần Nghị quyết này, kể từ đây, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có một Nghị quyết của Đảng xác định rõ vai trò, vị trí và định hướng phát triển, cùng với giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức đóng vai trò quan trọng trong khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Doanh nghiệp TP Hà Nội cho rằng: Nghị quyết số 09 của Bộ chính trị đã xác định rõ vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân và mối liên kết, hợp tác, đoàn kết với công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh doanh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, việc các DN nâng cao bản lĩnh, sáng tạo, nhanh nhạy, quyết đoán trên thương trường cần được cộng đồng DN vận dụng tối đa. Cụ thể, ông Sơn kiến nghị cần phải hoàn thiện cơ chế về mô hình tổ chức của hiệp hội ngành hàng để giúp cho DN có những thông tin cập nhật về chính sách của Nhà nước, tăng cường liên kết khối. Đồng thời, nên áp dụng việc thu thuế đất theo từng năm cho DN, hỗ trợ DN nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận vốn hơn.
Đánh thức tiềm năng dám nghĩ, dám làm
Tuy nhiên, ngoài những mặt được, cộng đồng DN vẫn còn tồn tại những hạn chế như hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh, năng suất lao động thấp... Do đó trong phương hướng hành động sắp tới, cộng đồng doanh nhân Việt cần tập chung vào 3 mũi đột phá là: Đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo.
Do đó, trong hoạt động kinh tế, đội ngũ doanh nhân muốn tồn tại và phát triển cần phải có bản sắc riêng. Doanh nhân cũng chính là những người lính trên mặt trận kinh tế, có quyết tâm, ý chí của người lính để thực hiện tốt nhiệm vụ xã hội giao phó, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều quan trọng là làm sao có thể đánh thức được tiềm năng sáng tạo, tư duy dám nghĩ, dám làm của những người lính trong thời bình - những doanh nhân Việt.
Ông Nguyễn Việt Đức Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Giấy Việt Nam: Mong được hỗ trợ để hàng Việt “sống” ngay trên “sân nhà” Khủng hoảng kinh tế, nhu cầu thị trường sụt giảm mạnh... gây nên sự cạnh tranh gay gắt giữa các sản phẩm trong và ngoài nước, không chỉ trong ngành giấy. Do đó, cùng với những chính sách tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn ưu đãi, có cơ chế đặc thù cho những dự án trọng điểm, điều DN Việt Nam mong nhất bây giờ là Nhà nước có giải pháp tăng cường khuyến khích sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước. Ông Phí Ngọc Trịnh Phó Tổng giám đốc Công ty CP may Hồ Gươm: Cơ quan làm chính sách cần “nghĩ” nhiều hơn cho doanh nghiệp Cùng với khó khăn chung của nền kinh tế, những năm gần đây, cộng đồng DN phải trải qua một thời kỳ vô cùng nhiều thử thách. Nhất là những DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu như dệt may lại càng khó khăn. Trong bối cảnh đầy thách thức đó, DN rất mong Nhà nước, các cơ quan làm chính sách mỗi khi có chủ trương mới nên có những động thái "xa" hơn, "nghĩ" nhiều hơn cho DN. Chẳng hạn, cần tăng thời gian gia hạn nộp thuế TNDN, nộp bảo hiểm xã hội..., mới có đủ thời gian cho DN phục hồi, hay cần ưu đãi hơn cho những ngành hàng đặc thù sử dụng nhiều lao động. Thùy Linh ghi |