Trong khi thu ngân sách vẫn còn nhiều khó khăn, câu chuyện kiểm tra, truy thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vẫn cần được triển khai mạnh tay hơn nữa.
Truy thu tiền tỷ
Cục Thuế TP Hồ Chí Minh vừa phát hiện và truy thu 1,5 tỷ đồng tiền thuế từ một cá nhân là chủ một kênh YouTube có thu nhập từ việc đăng clip và kiếm được hơn 19 tỷ đồng từ năm 2016 - 2018.
Ngoài việc truy thu thuế từ hoạt động kinh doanh qua mạng này, từ đầu năm 2019 đến hết tháng 7, cơ quan thuế TP Hồ Chí Minh cũng đã truy thu thuế thu nhập cá nhân của 15 nghệ sĩ với tổng số thuế 15 tỷ đồng. Trong đó, người bị thu nhiều nhất là một đạo diễn với số tiền 2,4 tỷ đồng. Tính chung từ năm 2016 đến nay, cơ quan thuế đã thực hiện truy thu thuế thu nhập cá nhân giới văn nghệ sĩ khoảng 31,4 tỷ đồng.
Các cá nhân bị truy thu hàng tỷ đồng này thuộc đối tượng đã kê khai thuế nhưng chưa đủ do chỉ mới tạm khấu trừ trước 10%. Do đó, theo quy định thì cuối năm cá nhân phải tổng hợp thu nhập để thực hiện quyết toán tại cơ quan thuế.
Theo đại diện cơ quan thuế, thu thuế với thương mại điện tử cũng như giới văn nghệ sĩ hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Với văn nghệ sĩ, họ thường không sử dụng tên thật, mà dùng nghệ danh. “Đặc thù văn nghệ sĩ biểu diễn rất nhiều nơi ở các tỉnh, thành và không có nơi cư trú cố định. Do đó, việc thu thập dữ liệu và việc tiếp cận được rất khó, mất nhiều thời gian. Với văn nghệ sĩ chưa được cấp mã số thuế, việc kiểm tra còn khó khăn hơn nhiều”- thông tin từ Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết.
Thu thuế TNCN với các cá nhân kinh doanh qua kênh thương mại điện tử, khó nhất là việc xác định doanh thu qua quản lý dòng tiền và nắm chắc được các giao dịch qua ngân hàng.
Mạnh tay và chung tay
Theo các chuyên gia kinh tế, để quản lý tốt hơn việc thu thuế TNCN, đặc biệt với các lĩnh vực khó như bán hàng trực tuyến, hoạt động biểu diễn của các nghệ sĩ… cơ quan thuế cần các giải pháp mạnh tay hơn.
Cơ quan thuế được phép công khai thông tin người nộp thuế trong các trường hợp trốn thuế, chây ì nộp thuế, vi phạm các quy định về thuế. Công khai danh tính người nộp thuế là một trong những biện pháp cưỡng chế thuế khá hiệu quả, đặc biệt đối với người nổi tiếng, coi trọng danh tiếng.
Ngoài ra, sự chung tay phối hợp giữa các cơ quan chức năng cũng là giải pháp hiệu quả trong thu thuế TNCN. Đại diện Vụ Chính sách thuế - Tổng cục Thuế cho rằng, quan trọng nhất là sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước để truy xuất dòng tiền thu nhập bất thường của các cá nhân, DN qua các mạng xã hội trên.
Tất cả các ví điện tử, hay thẻ visa, thẻ master... đều phải thông qua Ngân hàng Nhà nước cấp phép mới được hoạt động. Các dòng tiền thanh toán đều được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp, cơ chế để các tập đoàn đa quốc gia như Google, Facebook phối hợp cung cấp thông tin giao dịch, các dòng tiền chi trả cho cơ quan thuế, từ đó mới xem xét được kênh tiếp cận để truy thu hiệu quả. Ngoài ra, cũng cần cả sự vào cuộc của Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ TTT&TT để giám sát, quản lý thu thuế thương mại điện tử hiệu quả.
Nhiều ý kiến cho rằng, nên tăng mức phạt với các cá nhân “quên” thực hiện nghĩa vụ thuế, thậm chí kiến nghị xử lý hình sự theo các quy định của pháp luật. Trên thế giới, đã có nhiều trường hợp cá nhân, trong đó có các nghệ sĩ bị điều tra, thậm chí ngồi tù vì hành vi trốn thuế.
"Việc nêu tên người trốn thuế, né thuế rộng rãi như quy định là điều cần thiết nhằm mang tính răn đe lớn. Từ đó, cũng góp phần làm giảm số người có hành vi gian lận, trốn thuế như thời gian qua." - Luật sư Trương Thanh Đức |