Gian nan việc học luân phiên

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, dù đã nỗ lực mở rộng, xây dựng thêm nhiều trường, lớp, nhưng Hà Nội hiện vẫn còn khá nhiều trường, nhất là cấp tiểu học, học sinh (HS) phải nghỉ học luân phiên (nghỉ ngày thường, học thứ Bảy).

Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến nếp học hành thường nhật của trẻ và cả phụ huynh.
Ngày nghỉ lại... đi học
Khảo sát cho thấy, khá nhiều trường tiểu học của Hà Nội phải cho HS nghỉ học luân phiên những ngày thường và đi học vào thứ Bảy vì thiếu chỗ học như: Tiểu học Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng), Nguyễn Bá Ngọc (quận Ba Đình), Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), Lê Lợi, Phú La và Nguyễn Du (quận Hà Đông)... “Đi làm cả tuần, chỉ mong ngày cuối tuần được nghỉ ngơi, nhưng thứ Bảy mấy tháng nay, vợ chồng tôi phải dậy sớm cho con ăn, đưa con đến trường. Nhà trường giải thích vì thiếu phòng học, đang xây thêm phòng học mới” – đó là lời than phiền của một phụ huynh trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông). Còn khi trẻ nghỉ vào ngày thường trong tuần, bố mẹ lại đau đầu lo chuyện gửi con để đi làm.
Mặc dù diện tích không quá chật hẹp, nhưng vì sĩ số HS tăng lên mỗi năm, nên trường Tiểu học Nguyễn Du vẫn phải cho HS nghỉ học luân phiên và tổ chức dạy học ngày thứ Bảy. Cô Lê Thị Đồng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sĩ số năm học 2016 – 2017 tăng từ 37 lớp lên 41 lớp, với hơn 2.200 HS của 5 khối. Bình thường trường đã thiếu 12 phòng học, năm nay tăng thêm 4 lớp, nên thiếu tới 16 phòng. Trong đó, có 12 phòng học được trường cấp 2 cho mượn, số lớp còn lại trường phải cho HS nghỉ luân phiên và đi học ngày thứ Bảy. Với những phòng học nhờ, trường đã đầu tư mành che, lưới chắn... bảo đảm an toàn cho HS. “Do dân số cơ học tăng đột biến, việc HS phải học luân phiên là bất khả kháng. Trường đã phá các phòng học cũ, đang xây mới thêm các phòng học để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh. Nhà trường thường xuyên kiểm tra, đốc thúc bên thi công, dự kiến đến tháng 5/2017, các con sẽ được về học tại trường. Rất mong phụ huynh chia sẻ những khó khăn với nhà trường. HS vất vả một năm để về sau các con sẽ có môi trường học tập sạch, đẹp” – cô Đồng chia sẻ.
Tương tự, trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (quận Ba Đình) có hơn 470 HS chia làm 11 lớp, từ khối 1 đến khối 5, nhưng trường chỉ có 10 phòng học nên phải bố trí cho 5 lớp khối 4 và 5 học tập, nghỉ học luân phiên. Lãnh đạo nhà trường cho biết, trường có dự án xây mới tại số 50 Liễu Giai (quận Ba Đình), nhưng đến nay chưa thực hiện được vì còn vướng mắc trong khâu GPMB. Vì vậy, nhà trường vẫn phải cho HS học tại số 18, ngõ 294 Đội Cấn và trong đình làng Kim Mã Thượng.
Dân số cơ học tăng đột biến
Không chỉ các quận nội thành “đất chật người đông”, mà tình trạng HS phải học luân phiên còn diễn ra ở một số khu vực ven đô, địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh. Tính đến tháng 12/2015, dân số tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai là 32.600 người nhưng đến cuối tháng 6/2016 đã tăng lên 52.282 người. Mặc dù số lượng dân số cơ học tăng nhanh nhưng đến nay, trên địa bàn phường Hoàng Liệt chỉ có duy nhất một trường tiểu học ở khu đô thị Tây Nam thuộc bán đảo Linh Đàm với 30 phòng học. Số lượng trẻ đến độ tuổi đi học rất lớn, nên nhà trường phải báo cáo với các cấp lãnh đạo cho phép sử dụng các phòng chức năng thành phòng học. Nhờ thế đến nay, trường Tiểu học Hoàng Liệt có 40 phòng học. Tuy nhiên, trên thực tế, trường hiện có 2.238 HS chia làm 48 lớp học, nên để bảo đảm chỗ học cho tất cả HS, nhà trường phải bố trí 8 lớp học, nghỉ học luân phiên.
Quận Hà Đông ngoài trường Tiểu học Nguyễn Du, còn Tiểu học Lê Lợi, Tiểu học Phú La cũng phải cho HS nghỉ học luân phiên. Chia sẻ xung quanh vấn đề này, bà Phạm Lệ Hằng – Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho biết: “Thiếu trường, lớp là trăn trở của lãnh đạo Phòng cũng như UBND quận. Đây là nhu cầu cấp thiết, do đó, UBND quận đã rà soát và quyết định đầu tư xây mới thêm 2 trường tiểu học Kiến Hưng và Dương Nội. Dự kiến hoàn thành trong năm 2017, đưa trường vào hoạt động đáp ứng nhu cầu tăng dân số cơ học ở các khu đô thị”.
Trước thực trạng HS nghỉ học ngày thường, đi học ngày nghỉ, ông Nguyễn Văn Quý - Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT cho biết, dân cư tại một số địa bàn ở Hà Nội có số trẻ đến tuổi đi học đông, trong khi trường, lớp không phát triển kịp, nên một số trường tiểu học đã tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu cho phép và phải cho HS học luân phiên. Từ nhiều năm nay, Sở đã chủ động tham mưu với TP chỉ đạo các quận, huyện ưu tiên dành quỹ đất xây trường học. TP đã chỉ đạo các khu chung cư, đô thị mới buộc phải có quy hoạch xây dựng trường học. Ngoài ra, TP cũng đã chỉ đạo các quận, huyện tìm quỹ đất để xây trường và có phương án cải tạo, nâng cấp trường lớp, bảo đảm cho HS tiểu học học 2 buổi/ngày, không phải học luân phiên. Tuy nhiên, đây vẫn là một bài toán nan giải.