Giản tiện ngày Tết

Đỗ Quỳnh Như
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách thức ăn Tết thế nào không quan trọng. Tết còn là sự tự do. Nhà nghèo ăn Tết theo cách nhà nghèo.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhà giàu ăn Tết theo cách nhà giàu. Người bận rộn ăn Tết có thể qua loa; các bác sĩ, bộ đội, công an... có thể đón Tết ngay nơi làm việc; các bạn trẻ gần đây lại thích Tết là phải đi du lịch và ăn Tết ở một nơi xa... Tất cả đều không có một văn bản hay quy định nào bắt buộc. Nhưng làm thế nào để giản tiện ngày Tết?

Tết không bày vẽ: Một năm kinh tế khó khăn khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh chạy ăn từng bữa. Vậy nên, có nhất thiết phải bày vẽ mâm cao cỗ đầy cho mấy ngày Tết hay không? Nhiều nhà năm nào cũng cỗ bàn suốt Tết, trong khi ăn chẳng mấy, nên thức ăn thừa cứ để lưu ngày này qua ngày khác, thậm chí phải đổ đi vì hỏng.

Năm nay, khi không còn quá dư dả để sắm Tết, có lẽ lại là điều kiện thích hợp để bỏ bớt những hình thức mang tính bày vẽ đó đi. Mua vừa đủ ăn, cỗ bàn thắp hương gia tiên theo kiểu tượng trưng, lòng thành là chính, có lẽ là sự lựa chọn hợp lý nhất vào thời điểm này.

Tết không chúc tụng: Chúc Tết vốn là một nét văn hóa đẹp từ lâu đời của người Việt. Tuy nhiên, theo thời gian, nhịp sống hiện đại dường như biến hoạt động này trở nên kiểu cách, thương mại hóa. Giờ đây, người ta đến nhà nhau như một nhiệm vụ thay vì thực tâm muốn tới chúc Tết. Có những người cả năm không gặp, không qua lại, nhưng Tết cứ phải đến nhà hỏi thăm nhau, nếu không sẽ bị quở trách. Đến nói vài ba câu chuyện phiếm, hỏi đôi ba câu lấy lệ, thậm chí khiếm nhã, đâu có làm nên một cái Tết đẹp?

Tết bây giờ còn là dịp để người ta biếu xén, mừng tuổi nhau thật hoành tráng để lấy oai. Nói vui, mấy ngày Tết như một cuộc trao đổi tiền tệ giữa người này với người khác. Ngày trước bỏ phong bao lì xì chỉ 5.000 - 10.000 đồng lấy may, nhưng giờ cứ phải cả trăm, thậm chí chục triệu đồng mới không bị đánh giá. Ý nghĩa đẹp của phong tục mừng tuổi đầu năm cũng chẳng còn mấy nữa. Vậy tại sao, nhân một năm kinh tế khó khăn, chúng ta không quay trở lại với những gì thuộc về bản chất của văn hóa, phong tục thay vì mãi chạy theo xu thế thị trường?

Về mặt hình thức, tất cả những gì tiêu cực, vi phạm pháp luật, mất an ninh trật tự xã hội, hủ tục, lãng phí, tốn kém, đặc biệt là biếu xén quà cáp mang ý đồ hối lộ... phải loại bỏ dần. Nhà ít tiền, ít của không nên cố sắm Tết, lễ lạt cho bằng người ta mà phải hành động theo điều kiện và hoàn cảnh của mình. Cần nhất là đẩy mạnh việc tuyên truyền để mọi người lựa chọn một cái Tết tự do theo nhu cầu của mình.

Về kinh tế, nghỉ Tết dài hay ngắn sẽ tùy thuộc vào các chính sách của quốc gia, của các tổ chức kinh tế. Nếu có những chính sách mà tất cả đều thấy cái lợi trong đó, thì người ta sẵn sàng ăn Tết ngắn lại, hoặc ăn Tết dài ra sao cho phù hợp với hoàn cảnh lao động mà không làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Đó là ứng xử hết sức mềm dẻo.

Đặc biệt, để lưu giữ những giá trị truyền thống, phải đảm bảo làm tốt 4 công việc: Thấu hiểu - bảo tồn - phát triển - quảng bá. Nghĩa là phải đẩy mạnh nghiên cứu để thấu hiểu ý nghĩa và giá trị của Tết cổ truyền, giữ nguyên nếp Tết nhưng trong sự giản tiện để Tết là để vui.