"Bất kỳ một phong tục nào, thậm chí một tín ngưỡng hoặc một tôn giáo nào, nhìn trong tiến trình lịch sử, cũng có những giá trị tích cực và những biểu hiện tiêu cực. Là mỹ tục như tặng quà Tết đã nói ở trên, đi vào thực tế cuộc sống, hiển nhiên phát lộ những tiêu cực xã hội, xưa cũng như nay. Một thiết chế văn hóa hợp lý sẽ làm giảm dần được những biểu hiện tiêu cực và hưng khởi được các giá trị tích cực. Một thiết chế truyền thông hợp lý sẽ khuếch trương những mỹ tục, hạn chế được những biến thái xấu xa trong đời sống văn hóa hiện nay. Phật luận dạy ta rằng: Tâm niệm để ở chốn hương hoa thì cơ thể sẽ thơm tho, tinh thần an lạc. Tâm niệm chỉ nhằm nơi uế tạp thì tâm ô nhiễm, tính uất kết, cơ thể héo mòn. Tổng thể nhân loại cũng vậy thôi. Hướng đến những kỳ vọng tốt đẹp để tồn tại đến ngày nay. " - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ "Tục lì xì mừng tuổi đầu năm đã trở thành một phần văn hóa không thể thiếu trong ngày Tết. Lì xì là biểu tượng của sự may mắn, bình an và hạnh phúc, là điều mà bất kỳ ai cũng mong muốn có được vào ngày đầu xuân năm mới. Lì xì đã có từ ngàn năm chứ không phải bây giờ mới có nên không thể bỏ được phong tục vốn có ý nghĩa tốt đẹp này." - Nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - TS Trần Hữu Sơn "Hãy luôn nhớ phong bao lì xì màu đỏ chỉ đơn giản là món quà may mắn đầu năm. Màu đỏ là biểu tượng của may mắn, Như ý - Cát tường - An khang -Thịnh vượng, tất cả đều chứa đựng trong chiếc phong bao lì xì. Đặc biệt, việc dùng bao lì xì còn thể hiện việc không so bì hơn thua, một sự kín đáo nhã nhặn bởi tiền mừng tuổi chỉ là tiền may mắn không quan trọng số lượng. Nếu người lớn giữ được điều này trong tâm niệm thì mỹ tục lì xì luôn luôn là nét đẹp văn hóa còn nguyên giá trị." - Phó trưởng Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền - chuyên gia Văn hóa, TS Nguyễn Thị Hồng |
[Giằng co giữ - bỏ mỹ tục lì xì đầu Xuân] Bài cuối: Để nét đẹp văn hóa ngàn đời không phai màu
Kinhtedothi - Sau khi xuất hiện những biến tướng của tục lì xì, tại các diễn đàn nhiều ý kiến cho rằng cần bỏ mỹ tục lì xì đầu Xuân, để tránh làm hư trẻ nhỏ, làm hại người lớn vì tội hối lộ lãnh đạo.
Song, cứ biến tướng lại cấm hoặc loại bỏ thì bản sắc văn hóa ngàn đời của người Việt sẽ nhạt phai.
Ý nhị trong văn hóa lì xìTheo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, mỹ tục lì xì của người Việt mang nhiều ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Bắt đầu từ thời khắc giao thừa chính thức bước sang năm mới đến khi hết Tết, những người lớn tuổi trong gia đình sẽ phát lì xì mừng tuổi cho con cháu để lấy may, kèm theo là lời chúc làm ăn phát đạt, tấn tới, học hành giỏi giang, ngoan ngoãn… Còn con cháu cũng biếu ông bà, cha mẹ những phong lì xì đỏ thắm để chúc sức khỏe và trường thọ. Ý nghĩa chính không nằm ở “tiền” mà quan trọng là ở thông điệp. Vì thế, tiền lì xì thường là những món tiền nhỏ nhưng gồm cả tiền lẻ và tiền chẵn.
Cha ông ta dạy con cháu cần phải ý nhị trong văn hóa giao tiếp ngay từ việc chuẩn bị lì xì. Người Việt không trực tiếp đưa tiền mừng tuổi cho nhau mà xếp tiền gọn gàng, kín đáo trong những phong bao lì xì đỏ thắm (màu sắc tượng trưng cho sự may mắn) và còn thơm mùi giấy mới. Việc làm này cũng thể hiện sự ý nhị trong văn hóa giao tiếp, ứng xử của người Việt khi không muốn người nhận được lì xì so bì về sự ít nhiều của số tiền tượng trưng mà dẫn đến những điều không vui trong ngày Tết. Bởi theo niềm tin của người Việt cũng như người dân ở các nước châu Á, đầu năm như thế nào thì cả năm sẽ như vậy, nên họ sẽ làm tất cả mọi điều có thể để tránh xui xẻo và những gì không mong muốn.Thế nhưng, ngày nay do tác động của kinh tế thị trường, cách xử lý của người lớn khiến tính giáo dục, ý nghĩa nhân văn trong chiếc bao lì xì đã thay đổi. Nhiều đứa trẻ đã xé bỏ phong bao lì xì ngay trước mặt người mừng tuổi rồi so bì đồng to đồng nhỏ. Không thiếu những đứa trẻ còn lăn ra ăn vạ đòi đồng tiền polyme với mệnh giá cao. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ còn phân tích: Hiện nay, phong tục mừng tuổi có dẫn đến một hệ lụy là tình trạng đổi tiền lẻ, ăn 6, ăn 7, bị cắt giá. Có người đi đổi bằng được tiền 2 đô la, 20.000 đồng, 50.000 đồng nhưng cái đó chỉ là biến dị làm phong phú thêm, không phải tệ nạn.
Nhưng, người ta đưa quà Tết, mượn phong tục mừng tuổi để hối lộ là biến tướng phong tục. Nên nhiều người cho rằng cần bỏ phong tục lì xì ngày Tết. Nhưng ý kiến này không nhận được nhiều sự đồng thuận. Bởi vì, nếu cứ không dạy được thì cấm sẽ là tạo nên tiền lệ không tốt, đánh mất giá trị văn hóa mang đậm bản sắc riêng của người Việt. Thay vì bỏ, nhiều chuyên gia đã đưa ra các giải pháp chấn chỉnh cách ứng xử của người lớn, định hướng giáo dục trẻ nhỏ để làm sao vẻ đẹp của mỹ tục lì xì trở về như nguyên bản ban đầu.Cha mẹ quản lý lì xì thế nào cho phải?Theo các nhà giáo dục học, cha mẹ nên dạy trẻ tiêu tiền cũng như hiểu được giá trị của tiền ngay từ khi trẻ biết cầm những đồng tiền đầu tiên trong đời. Vì nhiều trẻ sau khi nhận được tiền lì xì, đã dùng nó vào những việc vô bổ như chơi điện tử, mua đồ chơi, tiêu phung phí và những đồng tiền lì xì khi đó lại có thể làm hư trẻ.Việc cha mẹ quản lý số tiền mừng tuổi cho trẻ là cần thiết nhưng cần thiết phải có sự thỏa thuận, đồng ý từ trẻ. Cha mẹ phải hướng dẫn trẻ tiêu tiền vào những việc phục vụ cho học tập hoặc những mục đích chính đáng cho trẻ. Qua việc giáo dục trẻ cách tiêu tiền, cha mẹ có thể dạy dỗ con cái biết quý trọng đồng tiền được làm ra từ sức lao động, biết trân trọng những giá trị tinh thần từ phong tục mừng tuổi đầu năm. Chiếc bao lì xì là chuyện nhỏ, nhưng ý nghĩa lớn. Nó chứa rất nhiều thông điệp, nhắn nhủ của người lớn với trẻ em. Tuổi thơ mỗi người đều lưu giữ ấn tượng rất sâu đậm về chiếc phong bao nhỏ xinh ngày Tết này.
Để giữ được nét đẹp của tục lì xì, TS Nguyễn Thị Hồng - chuyên gia Văn hóa, Phó trưởng Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đưa ra giải pháp: “Trước hết người lớn phải nâng cao ý thức, nên nghĩ rằng mừng tuổi cho trẻ em là ý nghĩa biểu tượng thôi. Người lớn cũng cần gieo vào lòng con trẻ rằng, ý nghĩa lớn nhất của Tết Nguyên đán vẫn là dịp để gia đình được sum vầy, đoàn viên và mừng tuổi chỉ là để lấy lộc may mắn đầu năm”. Chuyên gia cũng khuyến cáo, khi lì xì, mọi người chỉ nên cho vào phong bao một số tiền rất nhỏ. Số tiền trong phong bao càng nhiều thì giá trị càng ít. Lì xì nhiều - ít, dày - mỏng không phải là thước đo tình cảm và tôn vinh nhau.
Cha mẹ hãy dạy con không xé phong bao lì xì trước mặt khách vì đây là hành động không đẹp. Đôi lúc sẽ khiến khách cảm thấy khó chịu và xấu hổ. Của cho không quan trọng bằng cách cho, không quan trọng bằng cách biếu nên coi đó là một thuần phong mỹ tục với ý nghĩa là khát vọng cầu may, cầu cho sinh sôi phát triển, cầu cho ngoan ngoãn, cầu cho tốt đẹp,... chứ không phải để mua những giá trị đó. Đưa phong tục trở về với ý nghĩa tốt đẹp nhất của nó, làm sao đó để phong tục này là mỹ tục đừng biến thành hủ tục.Cùng với cây quất, cành đào, hộp mứt Tết và cặp bánh trưng, nếu thiếu tục lì xì, hẳn là ngày Tết vẫn chưa thật trọn vẹn. Bởi Tết với người Việt không chỉ là dịp nghỉ ngơi đón năm mới mà còn là những ước vọng và sự san sẻ hạnh phúc, cùng chúc nhau hướng về tương lai tươi đẹp. Và để chuyển tải những ước vọng trong khoảnh khắc xuân sang Tết đến, để chào đón luồng sinh khí mới mà đất trời ban tặng, cùng là lấy may dịp đầu năm, ngoài những câu chúc ấm áp thân tình, người Việt còn trao nhau phong bao lì xì ngày Tết. Nên chúng ta cần giữ gìn phong tục này như giữ một phong vị ngày Tết.