"Ông bà, cha mẹ dạy con, dạy cháu từ những bữa cơm gia đình, dạy từ dáng ngồi, cái tay cầm đũa, cách lùa miếng cơm… Thế mà cuộc sống ngày hôm nay cứ lôi chúng ta đi, không cho những người trong gia đình được ăn cơm với nhau thường xuyên. Mà không ăn cơm thì việc gì phải nổi lửa bếp, không nổi lửa bếp thì gia đình sẽ ngày càng lạnh đi, lửa bếp lạnh kéo dài sẽ dẫn đến “lạnh lửa lòng” và gia đình cũng dễ dàng tan vỡ hơn bao giờ hết. " - Thạc sĩ Hoa Hữu Vân Mô hình gia đình đã biến đổi "Nếu như trước đây, ở Việt Nam chỉ thường thấy mô hình gia đình thông thường (có bố mẹ/cùng là người Việt/có hôn thú…), thì ngày nay, mô hình gia đình Việt đã có nhiều biến đổi. Có thể kể đến các mô hình gia đình như: Gia đình truyền thống (gia đình 3 thế hệ trở lên cùng chung sống, tam - tứ đại đồng đường); gia đình hạt nhân (bố mẹ và con cái); gia đình không có con; gia đình ly hôn (bố và mẹ mỗi người nuôi một hay vài con); gia đình đa huyết thống (gia đình có con riêng của chồng, của vợ và con chung); gia đình đa chủng tộc (bố hoặc mẹ là người nước ngoài); gia đình bố/mẹ đơn thân; gia đình đồng tính nam, đồng tính nữ… một trong những đặc điểm của gia đình truyền thống như tam - tứ đại đồng đường đang dần chuyển sang kiểu gia đình hạt nhân chiếm khoảng 70% cơ số gia đình Việt. Tình trạng ly hôn, bạo lực trong gia đình hạt nhân có xu hướng gia tăng, tiềm ẩn nhiều hệ lụy khó lường. Theo khảo sát của iSEE, gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với một số vấn đề như xung đột, bất hòa giữa các thành viên trong gia đình (27,5%), ngoại tình (16%), nợ quá khả năng chi trả (9,9%) và các vấn đề khác gây lo ngại." - Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa, PGS.TS Đỗ Ngọc Anh Có định kiến về gia đình phi truyền thống "Nhiều người Việt Nam cho đến nay vẫn duy trì quan niệm gia đình toàn vẹn, hạnh phúc là gia đình có đầy đủ cha mẹ, con cái. Chính quan niệm về sự toàn vẹn của gia đình như vậy đã khiến xã hội xuất hiện những định kiến về gia đình “phi truyền thống” là bất hạnh hoặc lệch lạc. Tuy nhiên, trước thời đại 4.0 chúng ta nên có khảo sát, đánh giá chuyên sâu về cấu trúc gia đình, thực trạng các mối quan hệ trong gia đình và sự biến đổi những giá trị văn hóa, vấn đề chăm sóc người cao tuổi, giáo dục con trẻ, vấn nạn bạo lực… trong gia đình hiện nay để có cơ sở trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần trong gia đình Việt Nam…" - TS Phạm Quỳnh Phương - Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam (Hoàng Lan ghi) |
Giằng co giữ gìn văn hóa gia đình thời 4.0
Kinhtedothi - Thời đại 4.0, gia đình sum vầy có còn tồn tại? Câu hỏi này là nỗi niềm lo lắng của rất nhiều người có trong mình chút gì hoài cổ. Người trẻ muốn hướng đến sự văn minh, phá vỡ đi những nền tảng được coi là cốt yếu của gia đình truyền thống.
Nhưng kết quả đạt được lại là những tâm tư hiện lên trên nét mặt của người mẹ già hoặc những dòng tâm sự đầy nỗi lòng của đứa con. Giằng co giữa tư tưởng cũ và mới trong việc xây dựng văn hóa gia đình đang trở thành vấn đề trong giới trẻ hiện nay.
Mong mua được 1/2 ngày của mẹ
Trong dòng thư gửi mẹ của bé Bảo Hân (Hà Nội) xuất hiện trong triển lãm về Ngày hội gia đình vừa diễn ra tại Hà Nội đã khiến nhiều người làm cha làm mẹ giật mình. Bé Bảo Hân viết rằng: “Mẹ thân mến! Con biết mẹ rất bận và mệt mỏi với công việc hiện tại, nhưng con mong số tiền ít ỏi này sẽ mua được 1/2 ngày của cha mẹ để ở nhà với con, dẫn con đi công viên nước. Con rất mong cha mẹ đồng ý”.
Thạc sĩ Hoa Hữu Vân - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTT&DL), đưa ra kết quả một điều tra xã hội: Có tới 63% số cha mẹ trong một ngày không chơi với con (dưới 9 tuổi) 30 phút. Trong khi giai đoạn quan trọng nhất của con người, giai đoạn hình thành nhân cách của con trẻ là từ 0 - 9 tuổi, vậy mà rất nhiều ông bố, bà mẹ cứ mải mê với cơm - áo - gạo - tiền, danh lợi, guồng quay của sự thăng tiến. Nhưng khi đọc được những dòng tâm sự của Bảo Hân, và chắc chắn là suy nghĩ của hàng triệu đứa trẻ đang sống trong thời đại 4.0, thử hỏi hàng triệu người mẹ, người vợ có giật mình vì chuyện này không?
Bởi vậy mới nói, dù tự hào, dù suy tôn những người phụ nữ “cống hiến hết mình” nhưng chúng ta cũng cần phải tỉnh táo trước hậu quả của nó. Những người cha lấy công danh làm trọng cũng cần dành một khoảng trống cho gia đình, để sau tất cả nỗi vất vả của cuộc sống đều có nơi để trở về, đó là gia đình.
“Chúng ta vẫn cho rằng, mình là người tử tế, nhưng sự tử tế đó có từ đâu? Nói cách khác, đạo làm người của chúng ta bắt đầu từ đâu? Nhân cách, thân thể, thần thái có từ đâu? Đơn giản lắm, nó có từ… bữa cơm gia đình. Các cụ có câu nói rất hay: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Ông bà, cha mẹ dạy con, dạy cháu từ những bữa cơm gia đình, dạy từ dáng ngồi, cái tay cầm đũa, cách lùa miếng cơm…
Thế mà cuộc sống ngày hôm nay cứ lôi chúng ta đi, không cho những người trong gia đình được ăn cơm với nhau thường xuyên. Mà không ăn cơm thì việc gì phải nổi lửa bếp, không nổi lửa bếp thì gia đình sẽ ngày càng lạnh đi, lửa bếp lạnh kéo dài sẽ dẫn đến “lạnh lửa lòng” và gia đình cũng dễ dàng tan vỡ hơn bao giờ hết” - thạc sĩ Hoa Hữu Vân phân tích.
Áp lực trên đôi vai phụ nữ
Phân tích về các nguyên nhân tan vỡ gia đình, TS Hồ Bất Khuất đã đưa ra một thống kê đáng ngạc nhiên: Nguyên nhân cao nhất của tan vỡ gia đình là “vợ nói quá nhiều”. TS Khuất lý giải, đây là đặc điểm giới tính của phụ nữ, là cách để phụ nữ giải tỏa mọi áp lực của cuộc sống. Ngược lại, đàn ông lại không biết cách giải tỏa này vì được dạy từ bé là phải “ít nói, không được khóc”. Chính vì vậy, tâm lý của đàn ông có cô vợ “lắm điều” sẽ ngày càng nặng nề và đến một lúc không chịu đựng được nữa thì gia đình sẽ tan vỡ.
Mặt khác, lý do chủ yếu khiến phụ nữ nói nhiều lại bắt nguồn từ chính phụ nữ. Đó là chị em dành quá nhiều thời gian cho công việc. Áp lực từ cuộc sống hiện đại ngày càng lớn sẽ “ép chặt” thần kinh yếu đuối của chị em, cách giải tỏa tốt nhất là… về nói với chồng. Mà ông chồng thì “sợ” phải nghe đủ thứ chuyện trên đời mà vợ đưa về. Cứ thế, giữa vợ chồng khoảng cách ngày càng lớn, gần gụi nhau ngày càng ít.
Các chuyên gia cho rằng, một trong những điều khá đáng buồn là chúng ta rất chuộng hình thức. Điều này “xâm nhập” vào cả việc tôn vinh phụ nữ. Thực tế chỉ ra rằng, chúng ta nói rất hay về bình đẳng giới, ca ngợi phụ nữ không kém gì đàn ông trong việc học hành, quản lý, lãnh đạo nhưng lại không trao cho họ thực quyền.
“Cứ nhìn vào tỷ lệ phụ nữ làm lãnh đạo sẽ thấy ngay thôi, họ thường chỉ chiếm 1/4. Thử kể ra có bao nhiêu phụ nữ là Bí thư, Chủ tịch tỉnh trong 63 tỉnh, thành của ta? Không quá 1/5! Do vậy, có thể nói, việc chúng ta tôn vinh phụ nữ vẫn nặng về hình thức. Tôi nghĩ, muốn có thực chất, chúng ta còn phải đấu tranh nhiều, thông qua tuyên truyền giáo dục và giám sát trên thực tế” - TS Hồ Bất Khuất phân tích.
Văn hóa gia đình còn cần ở thời hội nhập?
Hiện nay đang có các luồng ý kiến trong thời kỳ giao lưu và hội nhập, Việt Nam có nhất thiết phải bảo thủ giữ những quan niệm về văn hóa gia đình thời cha ông. Ngoài quan niệm về gia đình tứ đại đồng đường mới là hạnh phúc đã thay đổi, thì rất nhiều lối sống trong gia đình đang được nhiều bạn trẻ mong muốn thay đổi, để cho rằng hướng đến sự văn minh. Ở nhiều nước trên thế giới, cha mẹ chỉ có trách nhiệm đối với con cái trước 18 tuổi. Sau 18 tuổi, con cái phải tự lo liệu mọi thứ, từ công ăn việc làm đến chỗ ở.
Trong trường hợp con cái cứ “ở lỳ” trong nhà bố mẹ, họ có thể bị kiện ra tòa. Điều này liệu có nên áp dụng ở Việt Nam? TS Hoa Hữu Vân thì đưa ra lời khuyên: “Dân tộc nào cũng có truyền thống và bản sắc văn hóa riêng của mình. Chính vì vậy, khi lĩnh hội (không phải tiếp nhận) những cái hay, cái đẹp trong truyền thống của các dân tộc khác, chúng ta phải tỉnh táo xem xét những gì phù hợp, những gì không. Cho đến lúc này người Việt chưa thể tiếp nhận cách sống hết trách nhiệm với con cái sau 18 tuổi”.
Cho dù công nghệ có rút ngắn khoảng cách, công nghệ hỗ trợ tăng năng suất lao động nhưng không thể vì công nghệ hay sự hội nhập mà nền tảng văn hóa gia dình bị lung lay. TS Hồ Bất Khuất cho biết, có rất nhiều cách để mọi người hiểu rằng, văn hóa gia đình vô cùng quan trọng trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão.
Tuy nhiên, cơ sở để các cách đó thành công là sự tự nhận thức của mỗi người. Thứ nhất, những người trưởng thành phải hiểu rằng, tránh lạm dụng công nghệ trong sinh hoạt đời thường. Thứ hai, phải làm cho mọi người hiểu rằng, nhìn thấy nhau trên mạng, nghe tiếng nhau qua điện thoại không thể thay thế được những cuộc gặp trực tiếp, nhìn vào mắt nhau và nói những lời yêu thương. Thứ ba, dù hàng ngày chúng ta vẫn biết tình hình sức khỏe, công việc của nhau thông qua điện thoại nhưng việc duy trì bữa cơm tối có tất cả các thành viên gia đình là rất đáng quý.
Cái gốc của văn hóa gia đình là sự yêu thương và chăm sóc lẫn nhau, muốn cho nhau được vui vẻ, hạnh phúc. Dùng cái “gốc” này để nhân rộng ra cộng đồng, chắc chắn chúng ta sẽ có được những tác động tích cực cho sự phát triển chung của xã hội.