Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảng viên có diện tích làm việc 10 m2: Sinh viên “gánh” khoản đóng

Lưu Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Thông tư của Bộ GD&ĐT quy định diện tích làm việc của GS là 24 m2, PGS 18 m2, giảng viên (GV) chính và GV 10 m2. Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định như vậy gây lãng phí.

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Dự thảo Thông tư quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực GD&ĐT.
Thông tư này áp dụng đối với các đại học (ĐH), học viện, trường ĐH, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, trường cao đẳng sư phạm, trường trung cấp sư phạm, trường cao đẳng có nhóm ngành đào tạo giáo viên (gọi là cơ sở đào tạo) trong hệ thống giáo dục quốc dân và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan. Dự thảo lấy ý kiến đến ngày 30/11.
Quy định giảng viên phải có phòng làm việc rộng 10m2 được cho là lãng phí. Ảnh: Reatimes
Về Dự thảo, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT Phạm Hùng Anh - đơn vị chủ trì soạn thảo cho biết: Để sử dụng có hiệu quả diện tích, ngân sách Nhà nước đối với trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước, cơ sở hoạt động sự nghiệp, Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực GD&ĐT thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ theo quy định tại Điều 9 của Nghị định 152/2017/NĐ-CP.
Đây là lần đầu có quy định về nội dung này và áp dụng đối với các đơn vị công lập gồm ĐH, học viện, trường ĐH, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, trường CĐ sư phạm, trường trung cấp sư phạm, trường CĐ có nhóm ngành đào tạo giáo viên và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Với diện tích làm việc, Dự thảo quy định: Mỗi GS cần có diện tích 24 m2, mỗi PGS cần có diện tích làm việc 18 m2, mỗi GV chính, GV cần có diện tích làm việc 10 m2. Trong 20 phòng học cần có 1 phòng nghỉ cho GV. Diện tích chuyên dùng là 3 m2/GV, với diện tích không nhỏ hơn 24 m2/phòng.
Trước băn khoăn của dư luận về nội dung này, ông Phạm Hùng Anh khẳng định, Dự thảo nhằm mục tiêu hạn chế việc sử dụng Ngân sách Nhà nước để xây dựng cơ sở vật chất trường học vượt quá khả năng nhà trường sử dụng đến.
Cụ thể, các cơ sở đào tạo căn cứ quy định tại Thông tư này xây dựng tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng, xin ý kiến cơ quan cấp trên trực tiếp trước khi ban hành. Trường hợp nhà trường muốn mở rộng cơ sở vật chất, Nhà nước sẽ căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng của nhà trường đã được phê duyệt; Nếu còn thiếu diện tích thì mới xem xét để đầu tư tiếp, còn không thiếu thì dừng đầu tư.
Theo ông Hùng Anh, nếu Dự thảo không xác định diện tích như vậy thì khi trường muốn lập dự án đầu tư, trong dự án đó muốn có diện tích cho các GS, GV có nơi làm việc như trên thì chắc chắn sẽ không được phê duyệt. Bên cạnh đó, việc quy định diện tích làm việc cho GS, PGS, GV là cần thiết.
Theo lãnh đạo nhiều trường ĐH, Dự thảo này khó đi vào thực tế, gây lãng phí. Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH FPT TS Lê Trường Tùng cho rằng, quy định này không hợp lý. Nếu quy định được triển khai, sinh viên sẽ phải chịu chi phí đầu tư xây dựng, nghĩa là học phí sẽ tăng.
Lãnh đạo một trường ĐH trên địa bàn Thủ đô cũng cho biết, các khoản đẩu tư tài chính xây dựng các phòng làm việc sẽ đưa vào các khoản thu của sinh viên, rất thiệt thòi. “Tôi nghĩ thay việc xây phòng làm việc cho GS, PGS, GV thì nên đầu tư vào các phòng thí nghiệm, nghiên cứu tốt hơn rất nhiều” - vị lãnh đạo này cho hay.