Giảng viên RMIT: Việt Nam thể hiện tính linh hoạt và tinh thần cộng đồng cao trong ứng phó đại dịch Covid-19

Đỗ Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiến sĩ Greeni Maheshwari - giảng viên Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT chia sẻ với Báo Kinh tế & Đô thị về những thách thức và mục tiêu đặt ra của chính phủ Việt Nam, trong nỗ lực thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế xã hội.

 Tiến sĩ Greeni Maheshwari. Ảnh: RMIT
Bà đánh giá thế nào về nỗ lực của Chính phủ và người dân Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu kép, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay?
Hơn bao giờ hết, Việt Nam đã thể hiện tính linh hoạt và tinh thần cộng đồng cao trong việc ứng phó với làn sóng đại dịch lần này.
Chỉ trong thời gian ngắn, Chính phủ đã huy động được đông đảo nhân viên y tế và lực lượng quân đội, công an để hỗ trợ các tâm dịch. Hỗ trợ thiết yếu đã được chuyển đến kịp thời cho các đối tượng cần giúp đỡ, đặc biệt là những người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương. Cộng đồng cũng đã nỗ lực quyên góp ủng hộ quỹ vaccine phòng chống Covid-19 của Chính phủ.
Ưu tiên số một hiện nay của Việt Nam chắc chắn là chiến đấu với đại dịch, nhưng phát triển kinh tế vẫn là một ưu tiên hàng đầu. Chính phủ và doanh nghiệp đang cùng triển khai những mô hình mới để duy trì sản xuất tại các nhà máy, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng, và phân bổ các gói hỗ trợ một cách hiệu quả.
Đây không phải là lần đầu Việt Nam phải đối mặt với những thách thức, vậy bà nhận thấy yếu tố quan trọng để Việt Nam vượt qua đại dịch lần này là gì? 
Theo tôi, truyền thông minh bạch và hiệu quả là yếu tố then chốt giúp Việt Nam thành công trong 3 đợt dịch trước, và cũng đóng vai trò quan trọng trong đợt dịch này.
Là người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam, gia đình tôi cảm thấy an toàn trong đại dịch vì chúng tôi luôn nhận được thông tin, hướng dẫn chi tiết và cập nhật. Chính phủ cũng nỗ lực kiểm soát tình hình bằng nhiều biện pháp, từ tiêm chủng toàn dân đến hỗ trợ những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.
Việt Nam là quê hương thứ hai của gia đình tôi trong 15 năm qua. Chúng tôi đã chứng kiến đất nước này vượt qua mọi trở ngại ập đến, từ dịch cúm gia cầm năm 2016, đến đợt lũ lụt lịch sử năm 2020, rồi 3 đợt dịch Covid-19 trước. Tôi hy vọng rằng đợt dịch lần thứ 4 này cũng sẽ sớm qua.
Bà đánh giá thế nào về khả năng hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng trong những năm tới của Việt Nam?
Xét về mục tiêu ngắn hạn, Việt Nam nên tập trung vào tạo việc làm, tiếp cận các dự án lâu dài, triển khai những gói kích thích kinh tế, và đảm bảo phúc lợi người lao động trong ngắn hạn.
Thách thức lớn nhất đối với việc đạt được mục tiêu tăng trưởng đến năm 2025 là làm thế nào để lên kế hoạch phục hồi nền kinh tế sau Covid-19. Chính phủ cần tìm cách bảo vệ người dân và nền kinh tế khỏi cú sốc từ đại dịch, và có thể sẽ cần điều chỉnh một số sáng kiến hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ. Những thách thức khác cần khắc phục liên quan tới cơ sở hạ tầng, thủ tục đăng ký kinh doanh, dân số già và đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.
Trong dài hạn, Việt Nam cần tiếp tục phát triển nguồn nhân lực để có lực lượng lao động kỹ năng cao, đồng thời thúc đẩy phát triển công nghiệp, tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới, tập trung vào đổi mới sáng tạo và tiến bộ công nghệ.
Việt Nam nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp vì các doanh nghiệp vừa và nhỏ chính là nguồn tạo việc làm chính của nền kinh tế. Điều này sẽ tạo ra một hệ sinh thái giúp đẩy mạnh tính đổi mới và tinh thần kinh doanh trong nền kinh tế đang phát triển nhanh như Việt Nam.
Nhìn chung, điều quan trọng là Việt Nam cần xây dựng kế hoạch nâng cao khả năng chống chịu với các cú sốc trong tương lai. Trong đó, kế hoạch này cần đưa ra các hành động cụ thể để xây dựng năng lực cho nền kinh tế - xã hội nhằm đối phó với bất kỳ cú sốc nào từ bên ngoài, như đại dịch Covid-19 hiện nay hay bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác trong tương lai.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần