Giành thế chủ động trong sản xuất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tìm nguồn nguyên liệu đang là bài toán mà nhiều doanh nghiệp sản xuất đang tích cực tìm lời giải nhằm giành thế chủ động trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh giá cả thị trường thế giới biến động.

Mặc dù sản xuất ngành da giày đã có dấu hiệu hồi phục nhưng việc bị động với nguồn nguyên liệu để sản xuất đang là rào cản đối với quá trình chuyển đổi sang sản xuất toàn diện của ngành da giày bởi hiện nay ngành này vẫn đang phải nhập khẩu hơn 80% nguyên liệu.

Không những thế, da giày xuất khẩu do Việt Nam sản xuất phần lớn đều thông qua đối tác thứ 3, hoạt động kinh doanh trực tiếp còn rất hạn chế và phụ thuộc nhiều vào nước ngoài về vốn, kỹ thuật, nguyên phụ liệu và thị trường.

Để nâng cao tính cạnh tranh, theo nhiều chuyên gia, ngành da giày Việt Nam cần chủ động trong sản xuất, từ đó giành thế chủ động trong kinh doanh xuất khẩu.

Theo Bộ Công Thương, trong tháng 1 năm nay, ngành da giày là một trong số ít ngành công nghiệp nhẹ giữ ổn định được sản lượng sản xuất và tốc độ tăng trưởng. Sản phẩm giày dép, ủng giả da đạt 5,3 triệu đôi, tăng 64,6%, sản phẩm giầy thể thao tăng 28,3% so với cùng kỳ.

Để chủ động nguồn nguyên phụ liệu cho sản xuất, ngoài việc thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường nội địa, ngành đang tiếp tục tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu từ thị trường Nam Mỹ, nghiên cứu hợp tác đầu tư sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu da giầy với các nước có tiềm năng như Ấn Độ, Brazil... phục vụ cho mục tiêu, chiến lược phát triển trong những năm tiếp theo.

Ngành giấy hiện đang gặp khó khăn do phải cạnh tranh gay gắt với nguyên liệu và sản phẩm giấy nhập khẩu. Phần lớn doanh nghiệp mất thế chủ động về sản xuất bột giấy và phụ thuộc vào nguyên liệu bột giấy nhập khẩu trong khi giá bột giấy thế giới luôn biến động.

TS. Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, hiện nguồn nguyên liệu bột giấy trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu của các nhà máy, phần còn lại phải nhập khẩu. Trong đó, các sản phẩm giấy do Việt Nam sản xuất chủ yếu là giấy in, giấy viết cuộn nhằm cung ứng cho các đơn vị in ấn và gia công chế biến giấy. Còn sản phẩm giấy photocopy, giấy ram, tập vở… chỉ chiếm một lượng nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường giấy in, riêng sản phẩm giấy Bãi Bằng của Giấy Việt Nam chiếm khoảng 40% thị trường Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, một trong những khâu quan trọng quyết định sự thành bại của ngành giấy là nguyên liệu, vì vậy ngành giấy đã triển khai xây dựng và sẽ sớm đưa vào hoạt động nhà máy bột giấy Phương Nam (dự kiến khởi động vào năm 2012), nhà máy bột và giấy An Hoà, nhà máy giấy và bột giấy Thanh Hoá, mở rộng nhà máy giấy Bãi Bằng giai đoạn 2… nhằm thay chủ động nguyên liệu bột giấy trong nước.

Nguyên liệu cũng là thách thức lớn đối với ngành thủy sản năm 2012. Với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, quy hoạch thiếu tổng thể giữa doanh nghiệp chế biến và cở sở nuôi trồng hải sản, cũng như sự đánh bắt thiếu tổ chức là những nguyên nhân chính khiến nguy cơ thiếu nguyên liệu càng cao hơn.

Để chủ động nguồn nguyên liệu trong nuôi trồng thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chú trọng tới việc tổ chức lại nghề nuôi theo các hình thức câu lạc bộ, hội, HTX kiểu mới ở tất cả các vùng nuôi tập trung. Thực hiện liên kết trên cơ sở áp dụng giải pháp cả gói bao gồm: Áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, xây dựng và quản lý thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, thành lập các hội quy mô vùng hoặc cả nước theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực… Với thuỷ sản khai thác từ biển, sẽ tăng cường đầu tư về công nghệ bảo quản sau thu hoạch nhằm tăng giá trị và chất lượng nguyên liệu, phấn đấu đưa tỷ lệ nguyên liệu từ khai thác vào chế biến, xuất khẩu đạt 25 - 30%. Bên cạnh đó, quan tâm đến nhập khẩu nguyên liệu với cơ cấu thích hợp phục vụ chế biến, tái xuất, đáp ứng yêu cầu cơ cấu sản phẩm của thị trường.

Việc chủ động sản xuất một phần nguyên liệu cung ứng cho nhu cầu sản xuất toàn ngành đang là tham vọng của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) trong chiến lược vươn lên tốp đầu xuất khẩu trên thế giới.

Trong vòng 2 năm gần đây, Vinatex đã triển khai hàng loạt dự án sản xuất nguyên liệu cho ngành dệt may thay thế nhập khẩu. Một dự án trồng bông vải theo mô hình trang trại thay thế phương thức trồng bông phân tán trong các hộ dân đã được triển khai thí điểm và cho kết quản khả quan.

Vinatex cũng gấp rút triển khai các dự án sản xuất xơ visco, chủ yếu từ nguồn nguyên liệu là bột gỗ bạch đàn và keo lai tai tượng, vốn đang được trồng nhiều ở Việt Nam. Với dự án đầu tư nhà máy có công suất 120 tấn/năm, Việt Nam đã có thể chủ động khoảng 30% nhu cầu nguyên liệu sản xuất các mặt hàng vải pha visco để tạo các loại thời trang yêu cầu rủ, mát, mềm mại và bóng hơn. Dự án này sẽ phát triển khoảng 5.000 ha vùng trồng cây nguyên liệu, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc và tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.