Tại hội thảo “Một số vấn đề về việc làm và tiếp cận chính sách liên qua đến lao động PCT ở Việt Nam”, hôm nay 6/10, bà Trịnh Thu Nga – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dân số, lao động, việc làm thuộc Viện Khoa học lao động & xã hội cung cấp thêm thông tin: Những người đang tham gia BHXHTN cho rằng thời gian đóng BHXHTN quá dài; tuổi nghỉ hưu 60 đối với nam và 55 với nữ là cao; chế độ hưởng BHXHTN ít hơn so với BHXH bắt buộc (BHXHBB). Cụ thể, trong khi đối tượng tham gia BHXHTN chỉ được hưu trí và tử tuất thì người đóng BHXHBB có thêm các chế độ ngắn hạn (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp).
So sánh với bảo hiểm thương mại, BHXHTN còn thiếu linh hoạt và chưa tạo điều kiện để người lao động tiếp cận dễ dàng cũng là một lý do khiến lao động PCT ít tham gia.
Có hơn 35% lao động PCT chưa tham gia BHXHTN rất muốn được đóng để sau này có lương hưu. Tuy nhiên, họ mong muốn giảm thời gian đóng, Nhà nước tăng mức hỗ trợ, giảm mức đóng tối thiểu hoặc mức hưởng và có thêm các chế độ ngắn hạn của BHXHTN như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động,... Một điều người lao động hết sức mong muốn, đó là thông tin tư vấn đóng BHXHTN phải rõ ràng, cụ thể và đổi mới thủ tục đóng-hưởng thuận lợi, linh hoạt như bảo hiểm thương mại.
Chia sẻ về thực trạng tham gia BHXHTN của lao động PCT tại địa phương, bà Vũ Thị Hà - Phó Chủ tịch UBND phường Văn Quán, quận Hà Đông cho biết: Phường lồng ghép tuyên truyền BHXHTN với chính sách lao động việc làm và bảo hiểm y tế (BHYT) trong các buổi họp của hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên... Tuy nhiên, cho đến nay, hiệu quả khai thác đối tượng tham gia BHXHTN chưa cao so với BHYT.
Có 3 nguyên nhân dẫn đến ít người tham gia BHXHTN được bà Hà chỉ ra và đề nghị. Cán bộ công chức phường không có chuyên môn về BHXHTN, vì thế cần được bồi dưỡng về lĩnh vực này để việc tuyên truyền và khai thác tốt hơn. Lực lượng cán bộ phường còn mỏng nên rất cần được bổ sung để công tác quản lý nói chung và thực hiện các chức năng chuyên môn được tốt và hiệu quả hơn...
Và, để mở rộng độ bao phủ của BHXHTN và BHYT tự nguyện, bà Hà đề nghị vận động và tuyên truyền sâu rộng hơn nữa tới các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn phường về tầm quan trọng của hai chính sách này. Đặc biệt là sự phối kết hợp và vào cuộc của các ban, ngành, doàn thể, tổ dân phố, sự ủng hộ tích cực của tầng lớp Nhân dân trên địa bàn để phấn đấu số người tham gia BHYT, BHXHTN ngày càng cao.
Trong khi ấy, Tổ chức ILO khuyến nghị chính sách BHXHTN cần được phân nhóm đối tượng dể lựa chọn hình thức tuyên truyền hiệu quả hơn. Việt Nam nên nghiên cứu bổ sung các chế độ của BHXHTN đầy đủ như BHXHBB, bao gồm thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tử tuất hàng tháng... Đồng thời giảm số năm đóng (có thể tối thiểu 15 năm), trong đó phân theo nhóm tuổi và ngành nghề. Như vậy, với những lao động tuổi trung niên từ 40 trở nên vẫn có thể tham gia BHXHTN để đạt hiệu quả nhất. Đối với những người làm nghề nặng nhọc, độc hại, có thể xem xét số năm đóng BHXHTN ít hơn.
Cùng với việc mở rộng hệ thống mạng lưới thu BHXHTN qua bưu điện, ngân hàng (e-banking), ILO nhấn mạnh thực hiện thí điểm giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXHTN trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương... để cải thiện tình hình.