Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ: Thiếu công cụ định chuẩn

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, hiện cả nước có hơn 200.000 người mắc chứng tự kỷ. Con số này vẫn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới, đặc biệt là ở trẻ em.

 Dạy cho trẻ tự kỷ.
Nhiều bất cập

Trước sự việc cô giáo buộc dây vào người, “treo” bé 4 tuổi ở cửa sổ xảy ra mới đây tại trường Mầm non B Trực Đại (huyện Trực Ninh, Nam Định) do bé bị tự kỷ thể tăng động, rối loạn hành vi ở mức độ nặng đã gióng lên hồi chuông cho sự giáo dục hòa nhập đối với nhóm trẻ này ở nước ta.

Điều đáng nói, ở Việt Nam, việc chẩn đoán tự kỷ, tỷ lệ sai khá nhiều. Theo TS Trần Thành Nam - trường Đại học Giáo dục (ĐHQGHN), thành viên của Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam (VAPE), dấu hiệu đặc trưng để nhận biết tự kỷ gồm có suy yếu đáng kể về quan hệ xã hội, giao tiếp, trong đó có cả ngôn ngữ biểu đạt và hiểu ngôn ngữ, hay sở thích của trẻ bị thu hẹp. Nếu chỉ có khó khăn ngôn ngữ thì không phải là tự kỷ, chỉ là suy yếu ngôn ngữ thực dụng. Còn chỉ khó khăn về ngôn ngữ và suy yếu mối quan hệ xã hội là dạng tự kỷ không điển hình. “Ở các nước có các bộ công cụ trắc nghiệm được chuẩn hóa để hỗ trợ chẩn đoán nhưng Việt Nam không đủ công cụ định chuẩn. Đặc biệt, người sử dụng không được đào tạo và không hiểu kỹ thuật nhưng vẫn tiến hành và đưa ra kết luận” - TS Trần Thành Nam chia sẻ.

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho những trẻ thiếu may mắn trong xã hội, trong Luật Giáo dục quy định, trẻ khuyết tật được quyền giáo dục hòa nhập, nhưng cần phải có thầy cô giáo có kỹ năng về hòa nhập, có cơ sở trường lớp để hòa nhập. Tuy nhiên, trong Luật Người khuyết tật năm 2010 không phân loại trẻ tự kỷ là người khuyết tật. Thậm chí, đáng lo ngại hơn là trẻ bị khuyết tật bình thường bị phán ngay là tự kỷ, còn trẻ tự kỷ thật vì không có chính sách cụ thể nên không được hưởng các chế độ của trẻ khuyết tật. Theo cô Nông Thị Thuyền - giáo viên Trung tâm giáo dục chuyên biệt Tâm Thành Nhân, dạy trẻ tự kỷ không có một phương pháp nào nhất định, mà phải tùy cơ ứng biến.
Đổi mới và trách nhiệm

Một thực tế đáng lo ngại khác, hiện chưa có một quy chuẩn riêng nào cho trẻ tự kỷ, dẫn đến nhiều thiệt thòi cho trẻ em. Giám đốc Trung tâm giáo dục chuyên biệt Tâm Thành Nhân Đỗ Hồng Thượng cho rằng, yếu tố kỳ thị của cộng đồng và sự ngại ngùng của phụ huynh có con mắc tự kỷ gây khó cho việc giáo dục hòa nhập cho trẻ.

Đồng tình với nhận định này, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH) Nguyễn Trọng An cho rằng, quyền học tập của trẻ tự kỷ ở nước ta "có vấn đề". Dù đã có Trung tâm giáo dục đặc biệt, nhưng những thầy cô không được đào tạo bài bản, ngành giáo dục cũng chưa có quy chuẩn, trường chuẩn, hướng dẫn chuẩn để giáo dục trẻ tự kỷ. "Dù giáo viên không được đào tạo chuyên biệt về tự kỷ, nhưng lại tự mở ra các trung tâm để chăm sóc trẻ tự kỷ. Vậy nên không thể đáp ứng được việc giáo dục trẻ tự kỷ nói riêng và trẻ khuyết tật nói chung theo đúng chính sách của Nhà nước” - ông An bày tỏ.

Vì vậy, ông An cho rằng, cần có sự đổi mới và trách nhiệm của từng ngành. Về phía ngành lao động, phân loại cụ thể về trẻ tự kỷ và có những chính sách, chế độ để trẻ tự kỷ được hưởng. Đối với ngành y tế, phải có các khoa chẩn đoán, điều trị, hướng dẫn có tính “thị phạm” về bệnh tự kỷ cho các tỉnh, thành thực hiện. Còn ngành giáo dục cũng cần có các trường giáo dục hòa nhập và giáo dục chuyên biệt.