Xây dựng trường mầm non xanh- an toàn- hạnh phúc
Ngày 16/8, hơn 2.000 cán bộ quản lý, giáo viên cấp giáo dục mầm non (GDMN) đã cùng tham dự hội nghị tổng kết năm học 2021- 2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Nhìn lại một năm học được coi là “đặc biệt chưa từng có”- với chỉ hơn 1 tháng được đến trường, các cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đã quyết tâm vượt mọi khó khăn, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.
Trong thời gian hơn 7 tháng nghỉ tại nhà, các cơ sở mầm non vẫn tích cực phối hợp, hướng dẫn cha mẹ trẻ thực hiện chế độ vệ sinh, dinh dưỡng khoa học; tổ chức các hoạt động vui chơi, đảm bảo an toàn cho trẻ. Khi dịch bệnh được kiểm soát, số trẻ ra lớp giảm gần 24.000 trẻ so với cùng kỳ năm trước (trẻ 5 tuổi ra lớp vẫn đạt 100%), các cơ sở mầm non thực hiện nghiêm túc việc rà soát, bổ sung hoàn thiện các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.
Với tổng kinh phí cho GDMN là 5.180 tỷ đồng trong năm học 2021- 2022, Hà Nội đã tiến hành kiểm định chất lượng và công nhận 93 trường chuẩn quốc gia. Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội và khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, các cơ sở GDMN được hỗ trợ vay vốn; các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về vốn, đất đai, miễn giảm thuế…. khuyến khích đầu tư phát triển trường mầm non ngoài công lập. Nhờ đó, số lượng trường mầm non ngoài công lập ngày càng phát triển mạnh, trẻ đi học trường, lớp ngoài công lập đạt 28%.
Năm qua, công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi được duy trì, định kỳ hàng năm rà soát, bổ sung thiết bị đảm bảo định mức giáo viên/lớp; tỷ lệ huy động trẻ đến lớp, ăn bán trú và học 2 buổi/ngày đạt 100%. TP tiếp tục thực hiện tuyển sinh trực tuyến với trẻ 5 tuổi, ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi vào các trường mầm non công lập.
Các cơ sở GDMN tích cực thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc đối với trẻ; chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đảm bảo đủ giáo viên theo quy định và đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong hoạt động giảng dạy, chăm sóc trẻ.
Năm học 2022-2023, xác định chủ đề năm học là “Xây dựng trường mầm non xanh- an toàn- hạnh phúc”, toàn cấp học mầm non TP Hà Nội tập trung triển khai 6 nhóm nhiệm vụ, trong đó có việc bảo đảm an toàn về thể chất, tinh thần cho trẻ; tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục; phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên; nâng cao chất lượng thực hiện chương trình GDMN.
Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục
Muốn nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, trình độ giáo viên đóng vai trò nòng cốt. Theo Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm Lê Thị Thúy Hồng, năm học 2021-2022, UBND huyện Gia Lâm đã cấp kinh phí 350 triệu đồng để bồi dưỡng đội ngũ cho cấp học mầm non. Từ đây, Phòng đã xin ý kiến cấp trên, phối hợp với trường Cao đẳng Quốc tế Á châu (AIC) của Singapore xây dựng chương trình học gồm 4 lớp ( mỗi lớp 15 ngày) cho 100 học viên là cán bộ quản lý, tổ trưởng chuyên môn về Chương trình Steam; phối hợp với Học viện Giáo dục tổ chức 3 lớp (mỗi lớp15 ngày) cho 150 cán bộ quản lý và viên cốt cán về Montessori. Nội dung bồi dưỡng được xây dựng trên khảo sát thực trạng đội ngũ, ý của các chuyên gia. Sau tập huấn, 100% các trường mầm non trên địa bàn huyện xây dựng kế hoạch Phát triển giáo dục tiên tiến phù hợp với đặc thù của từng trường. Trong thời gian trẻ nghỉ dịch, Phòng GD&ĐT huyện cũng chỉ đạo triển khai 8 chuyên đề điểm cấp huyện với 16 hoạt động, 100% các trường đã triển khai đại trà tới toàn bộ cán bộ quản lý, giáo viên với 190 chuyên đề cấp cụm và trường.
Để phát triển kỹ năng sử dụng CNTT trong dạy học và chăm sóc trẻ, ngay từ đầu năm học, phòng GD&ĐT quận Long Biên đã phối hợp tổ chức cho 100% giáo viên tập huấn bồi dưỡng kỹ năng thiết kế video, phim hoạt hình, truyện tranh….với 16 modul; qua đó, các giáo viên đã mạnh dạn, tự tin trong việc thiết kế các bài giảng điện tử, video clip hướng dẫn trẻ các hoạt động chăm sóc giáo dục.
Là địa bàn gặp nhiều khó khăn vễ quỹ đất, UBND quận Hoàn Kiếm đã tham mưu với TP để xin chuyển đổi mục đích sử dụng, từ đất cũ của các cơ quan, doanh nghiệp hiện không hoạt động trên địa bàn thành đất để xây dựng trường học. Hay các trụ sở trước đây thuộc các đơn vị của quận đã chuyển địa điểm cũng được quận ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng trường học. Kết quả, quận đã ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng 5 điểm trường mới, xoá 16 điểm lẻ của các trường mầm non.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh: Xác định cấp học mầm non là nền tảng cho sự phát triển toàn diện, bền vững của trẻ ở các cấp học sau, những năm vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội luôn quan tâm tới cấp học này. Đây cũng là cấp học có nhiều đặc thù và khó khăn, đòi hỏi tiếp tục có sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn.
Các đơn vị cần quan tâm thực hiện tốt công tác dân chủ trong trường học, xây dựng văn hóa trường mầm non; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng theo quy định của Luật Giáo dục; thực hiện nghiêm túc công tác quản lý thu - chi bảo đảm nguyên tắc minh bạch, công khai; tiếp tục tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục, nâng tỷ lệ trường chuẩn quốc gia lên 80%- 85%, phấn đấu đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo vào năm 2025...