Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh: Để học sinh thêm yêu Hà Nội

Phạm Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã 6 năm kể từ khi Sở GD&ĐT Hà Nội triển khai giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh (HS) Hà Nội” trong nhà trường. Thông qua mỗi tiết học, mỗi câu chuyện, cách yêu thương, tình đoàn kết và cách cảm nghĩ về Hà Nội của HS đã có nhiều thay đổi.

 Tiết học “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” của trường Tiểu học Bế Văn Đàn.
Học yêu thương, chia sẻ
Bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho HS Hà Nội” chính thức đưa vào giảng dạy từ năm 2012. Hầu hết các trường trên địa bàn Hà Nội coi đây như bộ tài liệu chính thống cho phương pháp định hướng nhân cách và thay đổi đạo đức, lối sống cho HS. Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thu Trang – giáo viên Trường THCS Dương Xá (Gia Lâm), sau khoảng thời gian thực hiện bộ tài liệu trên, trường đã có những thay đổi tích cực trong sinh hoạt và giảng dạy.
“Có thể thấy rõ, bộ tài liệu đã giúp ứng xử của HS ngày một tốt hơn. Các em đã tích cực hơn trong lao động, vệ sinh trường lớp, đoàn kết, biết yêu thương nhau, trò chuyện lịch sự và cùng nhau rèn luyện đạo đức thông qua những giờ học. Vừa qua, nhà trường có em Nguyễn Khánh Linh đoạt giải Ba cuộc thi "Viết về nếp sống thanh lịch văn minh" cấp TP. Các giáo viên xuất sắc cũng được vinh danh trong các giải thưởng của TP trong việc lồng ghép chuyên đề “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho HS Hà Nội” trong các môn học như cô Nguyễn Thị Minh Hoa, cô Nguyễn Thu Trang” – cô Nguyễn Thu Trang cho biết.

Tại nhiều trường đã áp dụng nhiều cách làm hay mới, cụ thể và có tính thực tế cao, qua đó, tạo cho HS cảm giác hào hứng khi bước vào tiết học này. Điển hình là cách làm của cô giáo Thu Hà - trường THCS Gia Thụy (Long Biên), thông qua giờ dạy đã hướng dẫn HS hát bài “Hà Nội 12 mùa hoa” của nhạc sĩ Giáng Son để giúp các em thêm yêu Hà Nội. Cũng trong các tiết học, cô đã khai thác những đoạn phim nói về Hà Nội như: “Em bé Hà Nội”, “Người Hà Nội”... Đặc biệt hơn, trong các tiết học, HS trường THCS Gia Thụy còn được hóa thân thành các diễn viên trong các tiểu phẩm có lồng ghép các nội dung ứng xử văn minh, thanh lịch, để mỗi HS có thể học và làm theo.

Khắc phục “bệnh” học nhưng không làm

Không thể phủ nhận những thành công của bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho HS Hà Nội” mang lại khi đã làm thay đổi rõ rệt thái độ và cách ứng xử trong tâm lý của HS Thủ đô. Tuy nhiên, cũng không thể không nhắc tới những hạn chế dẫn đến việc chất lượng các giờ học không cao, HS khó tiếp thu, học nhưng không làm.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, khối lượng kiến thức trong tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho HS Hà Nội” vẫn còn dài. Các câu chuyện trong tài liệu vẫn chưa sinh động, phổ quát và cũng chưa có tính điển hình. Ví dụ như bài giao tiếp với thầy cô giáo lấy bối cảnh bể bơi trong khi thực tế rất ít hoặc hầu như không có tình huống về vấn đề này. Ngoài ra, một số vấn đề mới hiện nay cũng chưa được cập nhật trong tài liệu như: Giao tiếp qua điện thoại, ứng xử trên xe bus, nơi công cộng hay trên các trang mạng xã hội…

Không chỉ vậy, tại Hội nghị đánh giá quá trình triển khai giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho HS Hà Nội” giai đoạn 2012 – 2013 đến 2017 – 2018 diễn ra mới đây tại Hà Nội, hầu hết đại biểu và giáo viên có mặt đều đưa ra những bất cập còn tồn tại khi triển khai giảng dạy, cụ thể: Trong bộ tài liệu vẫn còn một số nội dung đề cập phiến diện, như trong “Bài quan tâm đến người lao động”, các đại biểu đều cho rằng, nếu chỉ được đề cập như trong giáo trình thì dễ dẫn đến việc HS chỉ nghĩ tới việc lao động chân tay chứ không phải lao động trí óc…
Theo lời chia sẻ của cô Phạm Thị Hải Vân - Phó Hiệu trưởng trường THCS Gia Thụy (Long Biên) thì hầu hết giáo viên hiện nay chỉ được dạy bằng kinh nghiệm, chưa được tập huấn thường xuyên. Ngoài ra, vì thời gian cho các tiết dạy cũng được lồng ghép vào các tiết học khác nên chưa đủ 45 phút cho một môn học.

Mục đích của việc đưa bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho HS Hà Nội” vào giảng dạy là để hầu hết các thầy các cô sẽ là tấm gương tốt cho HS và để có lớp trẻ tương lai biết cảm xúc, biết yêu bề sâu văn hóa Hà Nội. Giáo dục văn minh thanh lịch cho HS sẽ còn cả chặng đường dài, cần sự điều chỉnh để đạt được mục đích người sống ở Hà Nội thêm yêu Hà Nội.