Giáo dục ngoại thành Hà Nội: Nỗ lực để bứt phá

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian năm qua, ngành giáo dục Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đều khắp. Minh chứng cho điều đó là tốp trường có điểm cao tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 có sự góp mặt của nhiều ngôi trường thuộc ngoại thành.

Học sinh THPT huyện Mê Linh trong giờ học chính khóa. Ảnh: Phạm Hùng  
Học sinh THPT huyện Mê Linh trong giờ học chính khóa. Ảnh: Phạm Hùng  

Hàng chục trường ngoại thành đạt điểm tốp đầu

Khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố tốp trường có điểm trung bình bài thi tốt nghiệp THPT cao nhất của 9 môn thi, một điều rất đáng mừng là trong bảng tổng kết năm nay xuất hiện nhiều trường thuộc khu vực ngoại thành. Cụ thể: THPT THPT Đa Phúc, huyện Sóc Sơn (đứng thứ 2 trung bình điểm Văn cao nhất với 7,81 điểm); THPT Sóc Sơn (đứng thứ 6 trường có điểm Văn cao nhất với 7,71 điểm).

Trung bình điểm Vật lý cao nhất xuất hiện 5 trường ngoại thành (trừ trường THPT Sơn Tây), đó là: THPT Quốc Oai (7,58 điểm - đứng thứ 2); THPT Sóc Sơn (7,58 điểm - đứng thứ 3); THPT Mỹ Đức B (7,40 điểm - đứng thứ 7); THPT Đồng Quan, huyện Phú Xuyên (7,38 điểm - đứng thứ 8); THPT Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì (7,34 điểm - đứng thứ 10).

Với môn Hóa học, trường THPT Đại Cường, Ứng Hòa (7,27 điểm - đứng thứ 2); THPT Tự Lập, huyện Mê Linh (7,15 điểm - đứng thứ 6); THPT Tân Dân, huyện Phú Xuyên (7,12 điểm - đứng thứ 7); THPT Ứng Hòa A (7,12 điểm - đứng thứ 8); THPT Quang Minh, huyện Mê Linh (7,10 - đứng thứ 9). Với môn Sinh học, trường THPT Hữu nghị 80, thị xã Sơn Tây đạt 5,16 điểm - đứng thứ 10. Với môn Lịch sử, trường THPT Yên Viên, huyện Gia Lâm đạt 7,75 điểm - đứng thứ 9...

Không chỉ vậy, thủ khoa duy nhất có điểm tuyệt đối ở khối A00 kiêm thủ khoa toàn quốc của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là em Nguyễn Ngọc Lễ - học sinh trường THPT Quốc Oai. Ở nhiều trường ngoại thành Hà Nội còn có học sinh đạt á khoa của các tổ hợp, nhiều em đạt điểm xét tuyển từ 29 điểm trở lên; tỷ lệ học sinh đạt điểm 9, 10 cũng rất lớn. Điều đó là minh chứng cho chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn của các trường THPT thuộc ngoại thành đã có bước nâng cao rõ rệt.

Chú trọng nâng cao chất lượng

Điều đáng nói là các trường THPT kể trên đa phần có điểm đầu vào thuộc tốp dưới với điểm chuẩn trong phạm vi từ 20 - 30 điểm (trừ THPT Sóc Sơn, Đa Phúc, Ngọc Hồi, Yên Viên). Để điểm đầu vào tốp dưới hoặc tốp giữa, sau 3 năm đào tạo cho ra đời những học sinh có điểm đầu ra tốp đầu là hành trình vất vả, nỗ lực và quyết tâm của ngành giáo dục nói chung, của các nhà trường nói riêng.

Với trường THPT Đa Phúc, huyện Sóc Sơn, đây là năm thứ 3 liên tiếp trường nằm trong tốp trường có điểm môn Ngữ văn cao nhất Hà Nội trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong đó năm 2021, điểm trung bình Ngữ văn của trường là 7,668 - xếp vị trí thứ 9; năm 2020, trường đứng thứ 4 toàn TP cũng ở môn Ngữ văn với điểm trung bình 7,7. Không chỉ môn Ngữ văn, phổ điểm các môn thi khác của nhà trường tại kỳ thi cũng rất tốt.

Có được kết quả này một phần do Tổ Ngữ văn của trường THPT Đa Phúc là tập thể đoàn kết, thường xuyên trao đổi trau dồi kiến thức, cập nhật cách dạy, cách truyền đạt mới phù hợp để học tiếp thu bài nhanh, nhớ lâu và có cảm nhận chân thành, sâu sắc qua từng tác phẩm, từng vấn đề.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Hiệu trưởng trường THPT Mỹ Đức B Vũ Trí Thức cho biết, tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, trường THPT Mỹ Đức B có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 99,8%. Đây là kết quả rất đáng khích lệ đối với trường thuộc “vùng trũng” của TP Hà Nội. Đặc biệt, với môn Vật lý, trường có điểm cao vượt trội so với các trường THPT khác khi điểm trung bình môn học này là 7,40 - đứng thứ 7 toàn TP.

Những năm qua, hệ thống cơ sở vật chất các trường học được đầu tư xây dựng, cơ bản từng bước kiên cố; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được tăng cường, phát triển cả về số lượng và chất lượng; công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và chức danh nghề nghiệp được chú trọng... Đây là những yếu tố góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của Thủ đô nói chung và cũng là động lực để các trường học tiếp tục phát huy, đạt thành tích cao hơn nữa trong thời gian tới.

 

Trong quá trình học trực tuyến do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, công tác dạy và học luôn được duy trì nền nếp, phân công thầy cô kèm cặp học sinh không kể thời gian. Khi học sinh trở lại trường, các tổ chuyên môn tích cực xây dựng chuyên đề và có kế hoạch hỗ trợ tối đa cho học sinh.

Hiệu trưởng trường THPT Mỹ Đức B Vũ Trí Thức

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần