Giáo dục nước nhà phát triển cả về lượng và chất

Trần Oanh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cả một di sản quý báu đối với ngành giáo dục, vì thế phải triệt để tận dụng và khai thác, nhất là đối với giáo dục Hà Nội. GS.TS Hoàng Chí Bảo – Chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư đã chia sẻ với Kinh tế & Đô thị nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Người.

Một giờ học của cô và trò trường THCS Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Ảnh: Thanh Hải
Nhiều thành tựu tự hào
Là người có hơn 40 năm nghiên cứu về cuộc đời, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS có thể cho biết những tư tưởng về giáo dục đã được Bác Hồ thể hiện trong Di chúc như thế nào?

- 50 năm đã trôi qua, những tư tưởng trong Di chúc của Hồ Chủ Tịch vẫn sáng mãi với thời gian. Trong Di chúc, Bác Hồ căn dặn giáo dục truyền thống của dân tộc, cách mạng, của Đảng cho mọi thế hệ, nhất là thanh thiếu niên và nhi đồng. Bác cũng căn dặn giáo dục đạo đức cách mạng (cần, kiệm, liêm, chính) cho thanh niên. Người đặt công tác bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ ở tầm chiến lược, là việc làm quan trọng và cần thiết...

Trong bản Di chúc, Bác chủ tính đổi mới giáo dục. Ngành giáo dục phải chú trọng đào tạo thế hệ trẻ có đủ phẩm chất vừa hồng vừa chuyên (đạo đức, tài năng); trở thành lớp người chủ chốt để xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Bác còn gợi ý tìm tòi mô hình nhà trường, hình thức tổ chức dạy học cho phù hợp sau chiến tranh. Theo đó, xây dựng những nhà trường nửa ngày học, nửa ngày lao động sản xuất, tức gắn lý luận với thực tiễn, gắn giáo dục với lao động sản xuất. Đó là nguyên tắc nền tảng của giáo dục theo chủ nghĩa Mác.

Thực hiện lời dạy của Bác, 50 năm qua ngành giáo dục nước nhà đã đạt được những thành tựu như thế nào?

- Cùng với những nỗ lực chung của toàn Đảng, toàn dân, nửa thế kỷ qua, ngành giáo dục ra sức thực hiện làm theo Di chúc của Bác ở tất cả cấp học ngành học trong toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân. Vì vậy, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, giáo dục vẫn phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, từ bậc mầm non đến tiểu học, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học để có tiềm lực cho xã hội phát triển.

Giáo dục trong thời kỳ 33 năm đổi mới, nhất là từ khi T.Ư Đảng có nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đã đạt được những kết quả hết sức khả quan. Ngành giáo dục đã đổi mới về nhận thức, mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục, cơ cấu các nhà trường trong hệ thống quốc dân. Trong các nhà trường vừa phát triển cân đối các ngành học phổ thông vừa chú trọng mở rộng giáo dục đại học để đào tạo nhân tài. Đặc biệt coi trọng giáo dục dạy nghề bằng việc phát triển các trường trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng nghề để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho đất nước.

Cùng với đó là đổi mới chương trình, sách giáo khoa trong tất cả các cấp học, ngành học. Và nhất là đổi mới, nâng cao chất lượng nhà giáo mầm non, giáo viên phổ thông cho tới giảng viên đại học. Ngành giáo dục cũng rất chú trọng đến giáo dục lập trường, quan điểm chính trị, đạo đức cách mạng, sự gương mẫu cho đội ngũ nhà giáo. Cũng như thực hiện quy chế dân chủ trong trường học giữa thầy với trò, phương thức quản lý giáo dục, đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo (thi, kiểm tra, đánh giá) theo hướng ngày càng hiện đại hơn.

Thời kỳ hội nhập, Nhà nước mở rộng quan hệ hợp tác với nước ngoài, thực hiện chủ trương xây dựng các trường đại học danh tiếng ngang tầm khu vực và thế giới. Đã có rất nhiều tấm gương ưu tú trong cả thầy và trò, đặc biệt là học sinh giỏi quốc gia và quốc tế của Việt Nam rất đáng tự hào...
Giờ thực hành của sinh viên trường Cao đẳng nghề Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Đổi mới phải từ mục tiêu

Theo giáo sư, trong việc thực hiện Di chúc của Người, ngành giáo dục còn có những khiếm khuyết gì?

- Đúng là bên cạnh những thành tựu về giáo dục rất đáng tự hào, cũng có không ít những hạn chế, khuyết điểm cần ra sức sửa chữa để xứng đáng hơn với Bác. Vẫn còn những nhận thức không đúng về giáo dục, kể cả có khuynh hướng thương mại giáo dục như mua bằng, bán bằng, gian lận thi cử. Những tiêu cực này không chỉ làm suy giảm chất lượng mà còn băng hoại về đạo đức, tình thầy – trò, phụ huynh với thầy cô không còn như trước.

Đến nay vẫn còn tình trạng học vì bằng cấp, thi cử, háo danh, hư danh. Không ít người chạy theo bằng cấp mà coi thường giáo dục dạy nghề, làm thợ. Giáo dục trong nhà trường vẫn thiên về dạy chữ mà chưa coi trọng đúng mức dạy làm người và nghề. Một vấn đề rất nhức nhối gây bức xúc xã hội là nạn bạo lực học đường, gia tăng tình trạng thầy cô trừng phạt học trò, xâm hại tình dục trẻ em... Tuy rằng, đây chỉ là những hiện tượng cá biệt nhưng lại làm tổn thương đến danh dự nhà giáo. Nhược điểm này cũng bộc lộ sự yếu kém trong quản lý giáo dục. Và, gần đây nhất, nạn gian lận trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 lại rơi vào con em các quan chức khiến cho dư luận xã hội càng bức xúc, mất niềm tin.

Một khuyến điểm nữa, khi tiến hành đổi mới giáo dục đã có việc sao chép máy móc, giáo điều những mô hình của nước ngoài không phù hợp với Việt Nam. Dẫn đến phải thu hồi sách giáo khoa vì dạy học sinh lòng dũng cảm đi trên thủy tinh. Sự đổi mới không có chuẩn mực, xoành xoạch dẫn đến nhà trường mất tính ổn định, biến học trò thành vật thí nghiệm. Đáng nhẽ, phải đổi mới từ mục tiêu, nhà giáo, chất lượng dạy học trong nhà trường. Các trường sư phạm phải là mắt xích để đổi mới nhưng lại cứ loay hoay đổi mới thi cử. Những khuyết điểm, nhược điểm đó đã làm cho giáo dục một phần mất đi uy tín và bị ảnh hưởng trong xã hội.

Để thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian tới, ngành giáo dục cần tập trung vào giải pháp gì, thưa giáo sư?

- Muốn giáo dục có sự đổi mới, trước hết ta phải chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế. T.Ư đã ra nghị quyết đúng đắn về phát triển căn bản và toàn diện giáo dục nhưng sự chỉ đạo thực hiện của cấp ủy các địa phương không sát sao. Cộng với hạn chế về chất lượng nhà giáo và đội ngũ quản lý; vẫn có tiêu cực trong các nhà trường đã cản trở một nền giáo dục phát triển. Cũng có một phần nguyên nhân khách quan do cơ chế thị trường, hội nhập mở cửa, mặt trái tác động vào. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm đảo lộn nhiều giá trị, thói quen của nhà trường không đáp ứng kịp.

Để tiếp tục triển khai thực hiện Di chúc của Bác, chúng ta phải làm bằng các việc cụ thể. Theo đó, tiếp tục tuyên truyền, giảng dạy về tư tưởng, đạo đức của Bác trong các nhà trường cho tất cả các học sinh từ bậc mầm non đến sinh viên đại học. Nội dung phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng, cụ thể là kể những câu chuyện xúc động cho các cháu bé, dạy lý tưởng bằng các tác phẩm của Bác cho thanh, thiếu niên... Cùng với việc chống khuynh hướng “bệnh thành tích”, ngành giáo dục chú trọng lấy các điển hình từ trường học, lớp học, thầy cô giáo, học trò để giáo dục bằng tấm gương, sự gương mẫu sẽ quý hơn 100 bài văn diễn giải xuông.

Nhà trường phải là môi trường văn hóa, thực sự là nơi có giáo dục về tình thương, đạo đức, lẽ phải. Các cấp học tiếp tục thực hiện “Năm điều Bác Hồ dạy” nhưng riêng đối với thiếu nhi thì nhấn mạnh tình yêu thương ông bà, cha mẹ, anh em để khi lớn lên có sự giác ngộ biết yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần