Giáo dục Thủ đô năm 2020 - 2021: Tiếp tục khẳng định vị thế đầu tàu

Hà An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 2020 là năm đầu tiên cả nước và Thủ đô áp dụng sách giáo khoa (SGK) lớp 1 cho chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới; lần đầu tiên trong lịch sử, kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức trong bối cảnh vừa đảm bảo phòng dịch bệnh, vừa an toàn, nghiêm túc…

Giữa nhiều biến động, Hà Nội vẫn là nơi duy trì được chuỗi thành tích cao, đi đầu cả nước về chất lượng giáo dục. 
Nhanh chóng thích ứng với tình hình mới

Nhằm thích ứng trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, theo ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở đã tổ chức 3 phương thức dạy học gồm: Học trên truyền hình, học trực tuyến và học trên phần mềm học và thi trực tuyến Hanoi Study, thu hút từ 98 - 100% học sinh tham gia.

Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, đặc biệt trong đổi mới phương pháp dạy và học gắn với việc xây dựng trường học điện tử, tuyển sinh đầu cấp, chương trình giáo dục, công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học sinh; đẩy mạnh việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính; công tác truyền thông về GD&ĐT…
Một buổi giảng dạy trực tuyến trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Chiến Công
Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Hà Nội là địa phương có số điểm 10 nhiều nhất cả nước với 416 điểm 10; số lượng điểm 9 trở lên các môn thi là 28.550 điểm. Không tính thí sinh tự do, tỷ lệ tốt nghiệp toàn TP là 99,17%, tăng 2,99% so với năm 2019.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Để có được kết quả trên chính là nhờ TP Hà Nội đã rất chủ động, linh hoạt để vừa đảm bảo phòng chống dịch an toàn cho học sinh vừa đảm bảo việc học tập thông qua học trên truyền hình cũng như học trực tuyến.

Tiếp tục duy trì chuỗi thành tích cao

Những năm qua, Hà Nội liên tục dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng giải thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; chất lượng giải từng bước được nâng lên. Từ 10 giải và huy chương trong các kỳ thi Olympic quốc tế, 138 giải kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia (với 8 giải Nhất) trong năm học 2013 - 2014, đến năm học 2019 - 2020, học sinh Hà Nội đạt thành tích xuất sắc với tổng số 338 giải và huy chương quốc tế (trong đó, 88 Huy chương Vàng, 105 Huy chương Bạc, 111 Huy chương Đồng và 34 Khuyến khích), tiếp tục dẫn đầu cả nước trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia với 144 giải (với 15 giải Nhất) và 4 đề tài tham dự thi quốc gia (VISEF) đạt thành tích cao (2 giải Nhất, 1 Nhì và 1 Ba).
Đặc biệt, trong các kỳ thi quốc tế năm 2019, học sinh Hà Nội tham gia đoàn Việt Nam lần đầu tiên đạt điểm tuyệt đối phần thi thực hành Olympic Hóa học quốc tế (IChO), 1 học sinh đạt điểm cao nhất thế giới trong kỳ thi Olympic Thiên văn học và Vật lý thiên văn (IOAA), học sinh Hà Nội đại diện học sinh Việt Nam dự thi Kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế dành cho học sinh dưới 13 tuổi đã đoạt giải nhất toàn đoàn (15 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc và 07 Huy chương Đồng). Những kết quả này khẳng định vị thế của giáo dục Thủ đô qua các kỳ thi trên trường quốc tế.

Ngành GD&ĐT đã chủ động mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế. Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc - Chứng chỉ A Level tại trường THPT Chu Văn An từ năm học 2017 - 2018. Năm học 2018 - 2019, Hà Nội tiếp tục mở rộng mô hình này tại 7 trường THCS, THPT công lập trên địa bàn TP.

Việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia (CQG) được coi là điểm nhấn ấn tượng của ngành GD&ĐT Thủ đô. Năm 2019, tỷ lệ trường đạt CQG toàn TP là 58,8%, trong đó công lập là 71,6%. So với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2015 - 2020 là có từ 65 -70% số trường công lập đạt CQG thì kết thúc năm 2019, ngành GD&ĐT đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra trước thời hạn 1 năm.

Đáp ứng tốt chương trình mới, sách mới

Năm học 2020, Hà Nội cùng cả nước bước vào năm đầu tiên thực hiện chương trình mới (chương trình GDPT 2018), SGK lớp 1 mới. Ông Phạm Xuân Tiến- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Công tác chuẩn bị, triển khai Chương trình GDPT năm học 2020 - 2021 tại Hà Nội được thực hiện nghiêm túc. Các địa phương, nhà trường đã trang bị cơ bản đủ trang thiết bị dạy học cho học sinh lớp 1. Trong quá trình triển khai, những ngày đầu dù có những địa phương còn gặp khó khăn, có những băn khoăn hiện hữu về sách mới, nhưng nhờ chuẩn bị tốt về đội ngũ, về phương pháp, về tâm thế đổi mới đã giúp thầy và trò Hà Nội nhanh chóng bắt nhịp với chương trình mới và có điều chỉnh phù hợp.

Giáo dục Thủ đô cũng chú trọng rèn người, luyện đức cho học sinh. Năm học 2019 - 2020 là năm học thứ 8 thực hiện có chất lượng việc giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh” cho học sinh toàn TP, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, tăng tỷ lệ xếp loại hạnh kiểm khá, tốt hằng năm đối với học sinh Hà Nội, giảm tối đa các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường.

Hà Nội là địa phương đầu tiên và duy nhất trong cả nước tính đến thời điểm hiện nay, đăng cai tổ chức các kỳ thi quốc tế, đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác hội nhập như: Kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng HOMC, Kỳ thi quốc tế Toán và Khoa học dành cho học sinh dưới 13 tuổi IMSO.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần