Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho học sinh các cấp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quốc hội đã đồng ý với chủ trương đưa các nội dung về Trường Sa, Hoàng Sa vào chương trình giáo dục phổ thông chính khóa.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý để đưa vào chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới nội dung giáo dục đầy đủ về hai quần đảo nêu trên. PGS Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, ĐHSP Hà Nội, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư cho rằng, ngoài chương trình chính khóa nên kết hợp đưa nội dung này vào hoạt động ngoại khóa, đồng thời lựa chọn nội dung, phương pháp dạy phù hợp với từng bậc học.

Nhẹ nhàng, hấp dẫn ở bậc tiểu học

Rất nhiều người có chung quan điểm với PGS Nghiêm Đình Vỳ, bậc tiểu học cần được tích hợp cao kiến thức Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân… Với môn Lịch sử, nên trang bị cho các em kiến thức cơ bản, dễ hiểu, dễ nhớ và hấp dẫn để nắm được khái niệm biển, đảo, vịnh là gì; nên giới thiệu một cách đơn giản Việt Nam có nhiều đảo đẹp như Cồn Cỏ, Lý Sơn, quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Nên tích hợp giữa Địa lý và các môn khác để nói về phong cảnh biển, đảo, tài nguyên thiên nhiên, kèm theo những câu chuyện về các vị vua Việt Nam bảo vệ biển, đảo. Thậm chí, vận dụng ca dao, tục ngữ, hình ảnh để học sinh (HS) hiểu thêm về nội dung này.
Một giờ học về biển đảo của học sinh trường Tiểu học Nam Thành Công, quận Đống Đa. 	Ảnh: Phạm Hùng
Một giờ học về biển đảo của học sinh trường Tiểu học Nam Thành Công, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
Bên cạnh đó, kết hợp ngoại khóa như đố vui bằng tranh để HS chỉ được những địa danh biển, đảo Việt Nam. Gắn với chiến tranh biên giới, các em được giới thiệu về địa lý của 6 tỉnh biên giới phía Bắc, cảnh đẹp thiên nhiên và những tấm gương chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ biên giới.

THCS bài bản, THPT theo chủ đề

Bậc THCS và THPT cần cung cấp cho HS khái niệm, thuật ngữ về chủ quyền biển, đảo, đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, pháp luật về biển; cũng như những tư liệu khẳng định bằng chứng về chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

DDĐôsối với cấp THCS phải dạy kiến thức tương đối bài bản. Đầu tiên nói đến vị trí, vai trò của biển đảo; tiềm năng kinh tế, nhấn mạnh đến Trường Sa và Hoàng Sa. Thứ hai, đề cập đến quá trình hình thành biển, đảo gắn với chủ quyền của Việt Nam, có thể nói về các triều vua đã xác lập chủ quyền biển, đảo. Tiếp đến là cuộc đấu tranh của Nhân dân ta chống lại sự lấn chiếm của Trung Quốc với một số đảo Việt Nam, trong đó nhấn mạnh ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của người dân Việt Nam. Cũng có thể trang bị cho HS 2 luật pháp quốc tế về biển, đảo là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển đảo năm 1982 và Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông và nên cho HS đi học lịch sử ở bảo tàng, các di tích liên quan đến biển, đảo. Bên cạnh đó, những mẩu chuyện về chủ quyền và cuộc đấu tranh bảo vệ biển, đảo Tổ quốc của dân tộc nên cho HS hiểu Đội Bắc Hải và Hải đội Hoàng Sa, Hải quân nhà Nguyễn, trận hải chiến đầu tiên của Hải quân Việt Nam (1964), Trường Sa – khúc bi tráng 14/3,  Mắt thần trên Biển Đông.

Với bậc THPT, nội dung Trường Sa, Hoàng Sa dạy theo chủ đề thay vì học tổng thể. Cần dạy cho HS về pháp luật, về biển, thực trạng tranh chấp Biển Đông, xây dựng và phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển, đảo Việt Nam. Cùng với đó là hoạt động bảo về chủ quyền biển đảo Việt Nam ở biển Đông. Ví dụ, chủ đề về hệ thống biển, đảo Việt Nam gồm tiềm năng biển đảo; bảo vệ chủ quyền; luật pháp về biển đảo, quan điểm của Đảng và Nhà nước về chủ quyền và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Vì HS THPT đã có nhận thức và tư duy, nên có thể dạy chủ đề đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của kẻ thù.

Nội dung về Trường Sa, Hoàng Sa không chỉ được đưa trong sách Lịch sử mà cả ở Địa lý. Nghĩa là 2 môn học này sẽ có những chủ đề chung, nhưng tùy từng chủ đề mà quy định nội dung trong sách Địa lý và Lịch sử. Ví dụ, gắn với Trường Sa, Hoàng Sa, môn Lịch sử nói nhiều đến chủ quyền, còn Địa lý tập trung về tiềm năng kinh tế và địa lý. Cả bậc THCS và THPT đều cần tổ chức các hoạt động ngoại khóa như: Sáng tác thơ, vẽ tranh cổ động, thi tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam, viết thư gửi chiến sĩ nơi đảo xa... Riêng về chiến tranh biên giới, ở môn Lịch sử cấp THCS nên nói rõ sự xâm lược của Trung Quốc và các cuộc chiến đấu của Việt Nam để giành chủ quyền lãnh thổ. Còn ở cấp THPT, chủ đề của chiến tranh biên giới là phản bác những thông tin mà Trung Quốc xuyên tạc.

Bớt nội dung cũ

Khi đưa nội dung Trường Sa, Hoàng Sa và chiến tranh biên giới vào chương trình, chắc chắn lượng kiến thức tăng lên. Vì thế, để giảm tải kiến thức, PGS Nghiêm Đình Vỳ đưa ra phương án: Đối với lịch sử thế giới, tăng cường dạy những nước và khu vực gần, liên quan nhiều đến Việt Nam; giảm bớt kiến thức về những nước xa Việt Nam, dành thời lượng đưa nội dung mới. Một định hướng nữa là chương trình giảm bớt nội dung về chiến tranh, tăng cường dạy về kinh tế và văn hóa, khoa học. Cụ thể là giảm nội dung về các quốc gia cổ đại; khái quát lại những cuộc cách mạng tư sản của Anh, Pháp, Mỹ; giảm các cuộc phát kiến địa lý…

Phương pháp dạy và học cũng cần thay đổi. Ở tiểu học chủ yếu sử dụng những câu chuyện, ở THCS và THPT thực hiện theo hướng phát triển năng lực của HS. Trong khi chưa có chương trình và SGK mới, Bộ GD&ĐT nên đứng ra chủ trì biên soạn tài liệu phục vụ cho việc dạy và học.