Giáo dục ý thức bảo vệ rừng cho học sinh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm giáo dục về vai trò, ý nghĩa quan trọng của rừng trong bảo vệ môi trường, Sở NN&PTNT Hà Nội và Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp thực hiện chương trình tuyên truyền quản lý bảo vệ rừng cho học sinh (HS) tại các trường THCS và THPT tại thị xã Sơn Tây.

Tình yêu và trách nhiệm với rừng

Lần đầu tiên tham gia tuyên truyền về quản lý bảo vệ rừng, song thầy và trò trường THCS Trung Hưng, thị xã Sơn Tây hưởng ứng rất nhiệt tình. Hiệu trưởng Hoàng Thị Kim Liên cho biết: Sơn Tây gắn với di tích lịch sử Đền Và tọa lạc trong rừng lim nguyên sinh hàng trăm năm tuổi. Vào dịp Tết Nguyên đán mỗi năm, nhà trường đều phát động phong trào "trồng cây gây rừng" tại đồi lim này.

 
Cô và trò trường THCS Trung Hưng, thị xã Sơn Tây trao đổi kiến thức bảo vệ rừng.
Cô và trò trường THCS Trung Hưng, thị xã Sơn Tây trao đổi kiến thức bảo vệ rừng.
Đặc biệt, 100% HS của trường đã tham gia cuộc thi viết tìm hiểu về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng do Sở NN&PTNT và Sở GD&ĐT phối hợp tổ chức. Tuy cùng một hình thức tự luận nhưng cách thể hiện của mỗi bài viết khác nhau, các em thả sức sáng tạo theo cảm nhận của mình. Vì vậy, nội dung bài viết rất phong phú, có em nhập vai vào nhân vật là cây rừng hoặc muông thú sinh sống trong rừng nói lên những cảm xúc, suy nghĩ của mình. Có em lại là người kể chuyện hoặc viết thư cho người thân, bạn bè. Nội dung câu chuyện có thể là ngợi ca những tấm gương, những việc làm có ích cho rừng, cũng có thể là phê phán những hành động của con người làm tổn hại đến rừng như chặt, đốt, phá rừng... "Hầu hết các bài viết đều đạt chất lượng cao. Điều đáng mừng là bài nào cũng có liên hệ thực tế tại địa phương, đóng góp những ý tưởng, sáng kiến mới để bảo vệ rừng cũng như bảo tồn di tích Đền Và" - Hiệu trưởng Hoàng Thị Kim Liên cho biết thêm.

Em Bùi Quang Đô - HS lớp 9A1 chia sẻ: "Tham gia cuộc thi, chúng em có cơ hội được tìm hiểu và khám phá về rừng, quan sát thực tế, để từ đó thêm yêu rừng và yêu đất nước mình. Rừng là tài sản vô giá. Bảo vệ rừng chính là bảo vệ môi trường sống, góp phần làm đẹp quê hương và Thủ đô thêm xanh, sạch, đẹp".

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Năm 2014, chương trình tuyên truyền quản lý bảo vệ rừng được triển khai tại 10 trường học trên địa bàn thị xã Sơn Tây. Để đảm bảo nội dung tuyên truyền giáo dục đáp ứng yêu cầu của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, sát với thực tiễn và phù hợp với tâm sinh lý HS, các trường đều xây dựng kế hoạch thực hiện bài bản. Cụ thể, tuyên truyền thông qua giờ chào cờ, các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt tập thể, các giờ học trên lớp và ngoại khóa... Ngoài ra, giáo viên và HS còn tích cực tìm hiểu, sưu tầm tài liệu về rừng, tác hại của việc chặt phá, đốt rừng... để phục vụ phát bản tin trên loa truyền thanh của nhà trường với thời lượng 15 phút vào các giờ ra chơi hàng ngày. Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã in 10.000 tờ rơi với hình thức bắt mắt, nội dung cô đọng, dễ hiểu về các quy định cơ bản về quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng để phát cho các trường. Đồng thời, Chi cục còn bố trí dựng panô, cờ phướn tại các trường với những thông điệp: "Đốt rừng như thể đốt nhà, cháy rừng như thể cháy da thịt mình", "Hãy ngăn chặn hành vi phá rừng", "Bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta"...

Đánh giá về hiệu quả của chương trình, ông Nguyễn Thế Đại - Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Sơn Tây cho rằng, tuyên truyền qua hình thức tổ chức thi viết là phương pháp thiết thực đối với lứa tuổi HS. Đây chính là phương pháp rèn luyện kỹ năng sống cho các em, giáo dục ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng cũng như bảo vệ môi trường. Các em HS có kiến thức tốt, am hiểu và chịu khó tìm tòi, học hỏi nên nhiều bài viết có cách thể hiện nội dung rất thuyết phục. Sau cuộc thi, các em sẽ trở thành những tuyên truyền viên "nhí" vận động bạn bè, người thân trong gia đình không vi phạm chặt, đốt, phá rừng, săn bắt động vật hoang dã và tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ rừng tại địa phương.

        
Thành công của chương trình đã góp phần không nhỏ vào công tác quản lý bảo vệ rừng của thị xã Sơn Tây nói riêng và Thủ đô nói chung. Tới đây, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Sở GD&ĐT nhân rộng ra các huyện, thị xã có rừng. Mong rằng, chương trình sẽ tiếp tục lan tỏa đến mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng dân cư cùng chung tay bảo vệ rừng trên địa bàn TP.Phó Giám đốc

Sở NN&PTNT Hà Nội Đào Duy Tâm

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần