Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giao lưu điển hình tiên tiến tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc: Lan tỏa niềm cảm hứng về tinh thần thi đua hăng say lao động, sáng tạo

Linh Nguyễn - Thủy Tiên (ảnh: Thanh Hải)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Trong khuôn khổ chương trình Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X tại Hà Nội hôm nay (10/12) đã diễn ra buổi giao lưu rất xúc động giữa các điển hình tiên tiến, đại diện Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân - những bông hoa đẹp nhất tiêu biểu cho hàng nghìn bông hoa đẹp, những người yêu nước nhất tụ hội trong ngày hội vui của cả nước.

Đó là những điển hình tiên tiến nhất trong các phong trào thi đua giai đoạn 2016-2020, những con người Việt Nam có thành tích nổi bật và đóng góp to lớn cho xã hội, mang đến một niềm cảm hứng lớn cho tất cả người dân cả nước tiếp tục thi đua hăng say lao động, sáng tạo. Tiêu biểu là kỹ sư nông nghiệp Hồ Quang Cua, "anh hùng của đồng ruộng", "cha đẻ" của giống gạo ngon nhất, nhì thế giới ST25; là "kỹ sư chân đất" Nguyễn Văn Rô; cô giáo Hà Ánh Phượng - top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu... Đó cũng là em Ngô Quý Đăng, học sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, đoạt Huy chương Vàng thi Olympic toán quốc tế năm 2020 của đội tuyển Việt Nam; Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư - nơi tuyến đầu chống Covid-19, đã không quản ngại khó khăn, góp phần đưa nước ta trở thành điểm sáng trong công tác ngăn ngừa, phòng chống Covid-19…

 Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thanh Mẫn tặng hoa chúc mừng các cá nhân điển hình tiên tiến

Lắng nghe câu chuyện của các điển hình tiên tiến, khán giả vô cùng xúc động khi được biết suốt hơn 40 năm qua, kỹ sư nông nghiệp Hồ Quang Cua đã đặt dấu chân mình trên biết bao cánh đồng để tìm ra những ưu việt của cây lúa dòng ST (Sóc Trăng) quê hương mình, rồi nghiên cứu ra những giống gạo mới vừa thơm ngon lại vừa thích ứng được với "biến đổi khí hậu"… "Kỹ sư chân đất" Nguyễn Văn Rô dù chưa học hết lớp 5 nhưng bằng kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình đi làm thuê ở các tiệm cơ khí, sự ham học hỏi, đặc biệt nỗi trăn trở khi thấy người dân địa phương thiếu thốn phương tiện cải tạo đất nuôi trồng thủy sản thì đã chế tạo ra 5 loại máy cày, trục đất phù hợp với điều kiện ở địa phương, được bà con tin dùng vì vừa đảm bảo năng suất vừa không gây ô nhiễm môi trường. 

Hay đó là bông hoa giản dị - cô giáo 9x Hà Ánh Phượng đã từ bỏ công việc với mức lương cả nghìn đô la Mỹ ở thành phố để trở về quê hương, một huyện miền núi, dạy học, mở ra những lớp học tiếng Anh không biên giới cho các trẻ em miền núi. Đó còn là tấm gương xúc động của "chiến sĩ thi đua" Lê Văn Quyết (48 tuổi), Chủ tịch xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình cùng cậu cháu ngoại mới 14 tuổi nhịn đói, bất chấp hiểm nguy rình rập, đã dầm mình trong nước lũ cuồn cuộn suốt 2 ngày để cứu hơn trăm người dân được an toàn, trong khi bản thân gia đình mình cũng đang gặp nạn.

 Em Ngô Quý Đăng, học sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ tại buổi Giao lưu

Giao lưu với khán giả, Đại tá Mai Hoàng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) chia sẻ về những hiểm nguy mà anh cùng đồng đội phải đối mặt trên mặt trận phòng, chống ma túy. Dù công việc vô vàn sự gian nan, và đôi khi nhiều cám dỗ nhưng anh luôn giữ bản lĩnh, ý chí của mình, nêu gương tinh thần vì Nhân dân phục vụ. “Khi nhận những tấm Huân, Huy chương là vinh dự lớn, nhưng hãy xếp sang một bên để tiếp tục thi đua để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để xứng đáng là anh hùng trong lòng Nhân dân”, Đại tá Mai Hoàng nói. Ông Võ Văn Bình (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) - người đã cứu sống hàng trăm người dân nhưng luôn từ chối hiện vật cảm ơn từ người dân cũng mộc mạc chia sẻ: “Trong bão lũ tôi chỉ biết giúp bà con, muốn làm việc thiện để họ trở lại cuộc sống bình thường”.

Còn em Ngô Quý Đăng, học sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội - gương mặt tiêu biểu của thế hệ trẻ Việt Nam tham dự Đại hội thì bày tỏ, em đam mê môn  Toán từ nhỏ và sẽ tiếp tục theo đuổi đam mê của mình để được nghiên cứu các công trình khoa học liên quan Toán học, ứng dụng vào các ngành công nghệ thông tin, mang những thành tựu về cho đất nước và hơn nữa là truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai.

 Hình ảnh xúc động của cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi cùng bố mẹ tại Đại hội

Đặc biệt, ngay tại Hội trường Đại hội, ê kíp bác sĩ đã phẫu thuật thành công ca tách rời cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi cũng có mặt. Câu chuyện về những bác sĩ thực hiện ca mổ được mang tới Đại hội đã gây nhiều xúc động cho người dự Đại hội. Cùng với câu chuyện này, Trúc Nhi, Diệu Nhi lẫm chẫm bước trên những bậc thềm trong hội trường trong cái nắm tay của cha mẹ khiến cả hội trường và cả những người xem trực tiếp trên truyền hình đều phải trao dâng niềm xúc động. Đại diện cho ê kíp, Giáo sư, bác sĩ Trần Đông A chia sẻ về những tiến bộ của Y học Việt Nam, đồng thời khẳng định những thành công đưa nước ta lên bản đồ y khoa thế giới chính là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là ý chí, quyết tâm, khát vọng và sự dũng cảm của chính những cá nhân, gia đình các cháu bé được phẫu thuật… Cả hội trường vỡ òa niềm vui khi hai bé Trúc Nhi, Diệu Nhi xuất hiện vui tươi, khỏe mạnh, chập chững những bước đi đầu tiên bên bố mẹ, đánh dấu một quá trình phát triển như bao đứa trẻ bình thường khác. 

Tại buổi giao lưu, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thanh Mẫn đã trang trọng tặng hoa chúc mừng 12 cá nhân là các điển hình tiên tiến, đại diện “Anh hùng Lao động”, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” dự Đại hội.