Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giao lưu tọa đàm trực tuyến “Những quy định mới của Bộ luật Dân sự”

Kinh Tế Đô Thị
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 22/12, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức buổi giao lưu tọa đàm trực tuyến “Những quy định mới của Bộ luật Dân sự”.

Hiện nay, các khách mời đã có mặt để tham gia buổi giao lưu –tư vấn pháp luật trực tuyến với độc giả của báo Kinh tế & Đô thị online với chủ đề: “Những quy định mới của Bộ luật Dân sự”.

 Các khách mời tham gia buổi giao lưu tọa đàm trực tuyến.

KHÁCH MỜI THAM DỰ
  • Giao lưu tọa đàm trực tuyến “Những quy định mới của Bộ luật Dân sự” - Ảnh 2

    Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội

    LS Nguyễn Hồng Tuyến

  • Giao lưu tọa đàm trực tuyến “Những quy định mới của Bộ luật Dân sự” - Ảnh 3

    Luật gia

    Phạm Thu Hương

  • Giao lưu tọa đàm trực tuyến “Những quy định mới của Bộ luật Dân sự” - Ảnh 4

    Luật sư

    Nguyễn Tân Việt

Nội dung giao lưu trực tuyến
Bạn đọc Chị Thùy Linh (thuylinhpham@gmail.com) hỏi:

Tôi nhận đặt cọc của người mua đất của tôi, số tiền là 70 triệu đồng để làm sổ đỏ cho mảnh đất định bán, thỏa thuận 3 tháng sau sẽ giao đất. Hết hạn trên, tôi không làm được sổ đỏ và cũng không có ý định bán nữa. Như vậy, tôi có vi phạm gì không?

Giao lưu tọa đàm trực tuyến “Những quy định mới của Bộ luật Dân sự” - Ảnh 5
Phạm Thu Hương trả lời:

Theo Quyết định tại Điều 328 Đặt cọc của Bộ Luật dân sự 2015, như vậy bạn không có ý định bán nữa thì bạn là người vi phạm trong giao kết hợp đồng. Nếu bạn và bên mua không có thỏa thuận với nhau về việc giải quyết số tiền đặt cọc thì bạn sẽ bị phạt tiền đặt cọc theo quy định trên.

Giao lưu tọa đàm trực tuyến “Những quy định mới của Bộ luật Dân sự” - Ảnh 6
Bạn đọc Anh Lương Vinh (luongvinh@gmail.com) hỏi:
Tôi có làm Hợp đồng ủy quyền cho anh trai tôi được thay mặt tôi tiến hành soạn và nộp các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận sử dụng đất (GCNQSDĐ). Trong Hợp đồng ủy quyền không thỏa thuận về thời hạn ủy quyền. Tuy nhiên, đến nay đã gần 2 năm, nhưng anh trai tôi vẫn không hoàn thành công việc được ủy quyền. Do đó, tôi muốn chấm dứt hợp đồng ủy quyền với anh tôi, để ủy quyền cho người khác. Xin cho hỏi, tôi phải làm gì để chấm dứt việc ủy quyền này?
Giao lưu tọa đàm trực tuyến “Những quy định mới của Bộ luật Dân sự” - Ảnh 7
Phạm Thu Hương trả lời:
Vì Hợp đồng ủy quyền không có quyết định về thời hạn ủy quyền nên căn cứ theo Điều 563 của Bộ Luật dân sự thì Hợp đồng ủy quyền có hiệu lực một năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền. Hợp đồng ủy quyền giữa bạn và anh trai đã hết hiệu lực pháp luật, để đảm bảo quyền lợi của các bên, thì bạn nên xem Hợp đồng ủy quyền này được công chứng ở đâu thì phải đến phòng công chứng nơi lập Hợp đồng ủy quyền để làm thủ tục hủy Hợp đồng ủy quyền. 
Giao lưu tọa đàm trực tuyến “Những quy định mới của Bộ luật Dân sự” - Ảnh 8
Bạn đọc Trần Đông (dongtran3729@gmail.com) hỏi:
Diện tích đất trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng với thực tế khi thẩm định thì giải quyết thế nào?
Giao lưu tọa đàm trực tuyến “Những quy định mới của Bộ luật Dân sự” - Ảnh 9
LS Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:

-         Nếu diện tích thực địa nhỏ hơn giấy chứng nhận thì xác định tính diện tích thực địa.

-         Nếu diện tích đất thực địa lớn hơn trên giấy chứng nhận thì phải xem phần diện tích đất này. Đất có khuôn viên rõ ràng, không lấn chiếm thì sẽ xây dựng phần diện tích đất này. Ngoài trường hợp này thì phần diện tích đất vượt so với giấy chứng nhận thì sẽ không được công nhận.

Bạn đọc Đỗ Quí Dương (Quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội) hỏi:

Gia đình tôi sinh sống trong ngôi nhà cấp 4 tọa lạc trên diện tích đất 70m. Ngôi nhà xuống cấp, có nguy cơ bị sụp đổ,

Tháng 9/2015, tôi có làm đơn xin cấp phép xây dựng lại ngôi nhà, đến phòng quản lí đô thị UBND Quận Bắc Từ Liêm. Tháng/10/2015, UBND Quận Bắc Từ Liêm cấp giấy phép xây dựng cho gia đình tôi, giấy phép xây dựng cho phép gia đình tôi được xây dựng nhà 05 tầng .

Tháng 02/2016, gia đình tôi tiến hành khởi công xây dựng công trình, Trong quá trình xây dựng hoàn thiện. công trình, gia đình tôi có trổ của sổ và các lỗ thoáng nhà vệ sinh ở các tầng 2, 3, 4, 5 trong đó có 2 cửa sổ quay sang đất nhà hàng xóm. Để mở cửa sổ khi thiết kế công trình, gia đình tôi đã xây dựng lùi vào, để lại diện tích đất lưu không khoảng cách ranh giới với nhà hàng xóm là 0.95m.

Khi đang hoàn thiện công trình, nhà hàng xóm yêu cầu gia đình tôi phải bịt hai cửa sổ mở quay sang nhà đất của họ. Tôi xin hỏi: Nhà hàng xóm liền kề gia đình tôi, ra điều kiện yêu cầu tôi bịt hai cửa sổ có đúng không?

Giao lưu tọa đàm trực tuyến “Những quy định mới của Bộ luật Dân sự” - Ảnh 10
LS Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:
Theo Điều 178 Bộ luật Dân sự quy định về việc trổ cửa nhìn sang bất động sản liền kề thì:
1. Chủ sở hữu nhà chỉ được trổ cửa ra vào, cửa sổ quay sang nhà bên cạnh, nhà đối diện và đường đi chung theo quy định của pháp luật về xây dựng.
2. Mặt dưới mái che trên cửa ra vào, mặt dưới mái che cửa sổ quay ra đường di chung phải cách mặt đất từ 2,5 mét trở lên.
Theo quy định của pháp luật về xây dựng, năm 2008 Bộ Xây Dựng ban hành quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 01: 2008/BXD, kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 03/4/2008 của Bộ Xây Dựng, tại điểm 2.8.12 quan hệ với các công trình bên cạnh:
Công trình không được vi phạm ranh giới:
Không bộ phận nào của ngôi nhà kể cả thiết bị, đường ống, phần ngầm dưới đất (móng, đường ống). Được vượt quá ranh giới với lô đất bên cạnh.
Không được xả nước mưa, nước thải các loại (kể cả nước ngưng tụ của máy lạnh) khí bụi, khí thải sang nhà bên cạnh.
 Như vậy từ viện dẫn quy định pháp luật nêu trên, thì việc trổ cửa sổ không bị hạn chế, khi trổ cửa cần có biện pháp tránh tia nhìn trực tiếp vào nội thất nhà bên cạnh (chắn tầm nhìn hoặc bố trí so le các cửa sổ giữa hai nhà).
Bạn đọc Vương Thị Huyên (Ba Đình) hỏi:

Gia đình tôi có hai mảnh đất liền nhau, một mảnh thuộc phường Ngọc Hà (đã xây nhà) và một mảnh được bố mẹ cho thuộc phường Đội Cấn (chúng tôi dùng làm sân). Mảnh đất dùng làm sân này có cổng ra đường giao thông công cộng (đường này không thuộc cá nhân hay tổ chức nào) từ năm 1992. Chúng tôi xin được hỏi chúng tôi có quyền đi ra lối đi chung của phường Đội Cấn không? Chúng tôi có phải bịt cửa này không.

Giao lưu tọa đàm trực tuyến “Những quy định mới của Bộ luật Dân sự” - Ảnh 11
LS Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:

Theo nội dung ông trình bày, lối đi trên mảnh đất thuộc phường Đội Cấn có cổng ra đường giao thông công cộng gia đình đã sử dụng từ năm 1992. Lối đi chung này của tất cả mọi người (không thuộc cá nhân hay tổ chức nào) thuộc đất công trình giao thông công cộng do Nhà nước hoặc địa phương quản lý thì không ai được quyền cản trở, hạn chế quyền tự do đi lại qua lối đi chung. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Như vậy gia đình ông có quyền đi ra lối đi chúng của phường Đội Cấn.

Ngoài ra Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định Quyền về lối đi qua bất động sản liền kề (Điều 254):

1. Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thoả thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.

3. Trong trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.

Bạn đọc Nguyễn Thanh Hoàng (Hoàn Kiếm) hỏi:

Tôi muốn biết những người không được công chứng, chứng thực di chúc là những ai?

Giao lưu tọa đàm trực tuyến “Những quy định mới của Bộ luật Dân sự” - Ảnh 12
Phạm Thu Hương trả lời:

Theo quy định tại Điều 637 Bộ luật Dân sự thì người không được công chứng, chứng thực di chúc gồm:

Công chứng viên, người có thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã không được công chứng, chứng thực đối với di chúc nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.

2. Người có cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.

3. Người có quyền, nghĩa vụ về tài sản liên quan tới nội dung di chúc.

Bạn đọc Vi Lập (Hà Nội) hỏi:
Vợ chồng tôi có hai ngôi nhà, một ngôi nhà ở phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình và và một căn hộ chung cư ở quận Nam Từ Liêm. Vợ chồng tôi có 2 người con gái. Tôi muốn viết di chúc cho các con để được hưởng tài sản của vợ chồng tôi nhưng chồng tôi không viết. Vậy một mình tôi viết di chúc có được không?
Giao lưu tọa đàm trực tuyến “Những quy định mới của Bộ luật Dân sự” - Ảnh 13
Phạm Thu Hương trả lời:

Bộ luật Dân sự 2015 không còn quy định về di chúc chung của vợ chồng. Theo quy định tại Điều 624 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Như vậy với quy định mới này thì bà có thể tự viết di chúc để định đoạt tài sản cho các con. Nhưng cũng xin lưu ý với bà rằng, tài sản mà hai vợ chồng bà có là tài sản chung vợ chồng, thuộc sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia. Nếu hai vợ chồng bà thống nhất phân chia tài sản thì bà viết di chúc trên cơ sở phần tài sản được phân chia cho mình. Nếu không phân chia tài sản thì bà chỉ có thể viết di chúc định đoạt tài sản thừa kế cho các con phần mà bà sẽ được hưởng trong khối tài sản chung này.

Việc lập di chúc phải tuân thủ về hình thức và nội dung theo quy định của Bộ luật Dân sự. 

Bạn đọc Minh Hậu Nguyễn (minhnguyen1204@gmail.com) hỏi:

Bố mẹ tôi có một ngôi nhà cấp bốn tọa lạc trên mảnh đất là 527m2, tại huyện Hưng Hà - tỉnh Thái Bình. Bố tôi đã mất năm 2001. Khi mất bố tôi không để lại di chúc. Bố mẹ tôi có 5 người con. Diện tích nhà đất nêu trên, anh cả và anh hai quản lý sử dụng, mỗi người một nửa để sử dụng. Gần đây anh hai tôi đã chuyển giao phần đất anh quản lý cho mẹ và 4 người con cùng sử dụng.

Phần đất anh cả tôi sử dụng đã viết di chúc cho con trai. Nay anh cả tôi đã mất. Chúng tôi muốn chia phần đất anh cả sử dụng nhưng cháu trai không đồng ý. Vậy anh cả tôi viết di chúc cho con trai có hợp pháp không?

Giao lưu tọa đàm trực tuyến “Những quy định mới của Bộ luật Dân sự” - Ảnh 14
Phạm Thu Hương trả lời:

Theo đơn và tài liệu bà cung cấp, căn cứ vào quy định của pháp luật dân sự, tôi xin trả lời bà như sau:

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết (Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015); Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép; Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp.

Bản di chúc anh cả lập để lại đất cho con trai là không hợp pháp bởi lẽ di sản thừa kế thửa là tài sản của bố mẹ bà (anh cả chỉ là người quản lý di sản).

Cũng xin nói thêm, khối tài sản trên là tài sản chung của bố mẹ bạn. Theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình quy định vợ chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; Không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.

Như vậy, theo quy định của pháp luật nêu trên, tài sản chung của bố mẹ bà là ngôi nhà đất trên được chia làm đôi. Mẹ được hưởng ½ diện tích nhà đất, ½ diện tích nhà đất còn lại là phần của bố bà.

Năm 2001 bố mất chết không để lại di chúc nên ½ diện tích nhà đất trên được thừa kế theo pháp luật. Theo Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Những người được thừa kế theo pháp luật như sau: “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”.

Từ viện dẫn quy định pháp luật nêu trên, ½ diện tích nhà đất của người bố được chia đều cho vợ và các người con.

Thừa kế là sự truyền lại tài sản của người chết cho người khác mang tính huyết thống, do vậy để đảm bảo sự đoàn kết trong gia đình, khi xem xét chia di sản nên đặt vấn đề thỏa thuận, bàn bạc giải quyết có lý, có tình. Chúng tôi mong rằng gia đình bà giải quyết sự việc trên cơ sở đoàn kết, hòa thuận.

Bạn đọc Cù Sỹ Minh (syminh.giangvo@gmail.com) hỏi:
Việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung; vợ, chồng đang xin ly hôn hoặc đã kết hôn với người khác được giải quyết như thế nào?
Giao lưu tọa đàm trực tuyến “Những quy định mới của Bộ luật Dân sự” - Ảnh 15
Nguyễn Tân Việt trả lời:
Câu hỏi của bạn tôi xin trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 655 Bộ luật Dân sự thì việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung; vợ, chồng đang xin ly hôn hoặc đã kết hôn với người khác được giải quyết như sau:
 Luật sư Nguyễn Tân Việt trả lời bạn đọc tại buổi giao lưu trực tuyến
1. Trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
2. Trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
3. Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản.
Bạn đọc Ngô Thị Thùy (Phú Xuyên) hỏi:
Trong thời gian gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng tôi thấy có rất nhiều vụ liên quan đến xâm phạm mồ mả như: Đổ chất thải lấp mộ, di chuyển mộ đến nơi khác mà không thông báo cho gia đình có mộ biết. Việc này vừa ảnh hưởng đến tâm linh, tâm lý của gia đình có mộ mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Nếu không may gia đình tôi cũng bị xâm phạm mồ mà thì người vi phạm bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
Giao lưu tọa đàm trực tuyến “Những quy định mới của Bộ luật Dân sự” - Ảnh 17
LS Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:

Về vấn đề bạn hỏi, tôi xin được trả lời như sau:

Nếu không may gia đình bạn bị kẻ xấu xâm phạm mồ mả (đào, phá mổ mả, chiếm đoạt đồ vật để trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt...) thì gia đình bạn có quyền yêu cầu cơ quan Công an địa phương vào cuộc để điều tra xác định người có hành vi vi phạm pháp luật và nếu đủ căn cứ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi theo quy định tại Điều 246, Bộ luật hình sự về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt:

“1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm”.

Ngoài ra người xâm phạm đến mồ mả còn phải bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả theo quy định tại Điều 607 Bộ luật Dân sự năm 2015:

1. Cá nhân, pháp nhân xâm phạm đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại.

2. Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.

3. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp mồ mả của người khác bị xâm phạm phải bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích theo thứ tự hàng thừa kế của người chết; nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi mồ mả bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Bạn đọc Trần Hải Yến (tranyen.caugiay@gmail.com) hỏi:
Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc gồm những ai?
Giao lưu tọa đàm trực tuyến “Những quy định mới của Bộ luật Dân sự” - Ảnh 18
Nguyễn Tân Việt trả lời:
Câu hỏi của bạn, tôi xin trả lời như sau: Theo Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc được quy định như sau:
1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó;
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản.
Bạn đọc Vũ Hồng (TP Hồ Chí Minh) hỏi:

Tôi được biết, Bộ luật Dân sự mới cho phép cá nhân có quyền được chuyển đổi giới tính. Nhưng tôi muốn biết ở nước mình hiện nay đã có cơ sở nào cho phép thực hiện việc chuyển đổi giới tính. Nếu tôi ra nước ngoài làm chuyển đổi giới tính thì khi về Việt Nam có được công nhận không?

Giao lưu tọa đàm trực tuyến “Những quy định mới của Bộ luật Dân sự” - Ảnh 19
LS Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:
Chỉ còn ít ngày nữa Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực thi hành. Lần đầu tiên pháp luật Việt Nam công nhận về vấn đề này, tạo ra một bước tiến mới trong công tác xây dựng pháp luật cũng như giải quyết nhu cầu của một bộ phận trong xã hội.Tuy nhiên đến nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể trong trường hợp này và cũng chưa chỉ định những cơ quan y tế có thẩm quyền thực hiện việc chuyển đổi giới tính.
 Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến - Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội trả lời câu hỏi của bạn đọc
Tại Điều 37 của Bộ luật Dân sự có quy định:
Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
Bạn cũng nên chờ thêm một thời gian nữa để xem văn bản hướng dẫn cụ thể trong trường hợp này.
Bạn đọc Trần Hải Anh (tranhaianh@gmail.com) hỏi:

Tôi mua nhà của vợ chồng bà T. Tuy nhiên khi làm thủ tục để lập hợp đồng mua bán tôi mới biết chồng của bà bị bệnh tâm thần đang điều trị tại bệnh viện. Vậy hợp đồng tôi ký với bà T có giá trị pháp lý hay không?

Giao lưu tọa đàm trực tuyến “Những quy định mới của Bộ luật Dân sự” - Ảnh 21
Phạm Thu Hương trả lời:

Nếu chồng của bà T bị bệnh tâm thần, có giấy của Bệnh viện chuyên môn kết luận chồng bà T mất năng lực hành vi dân sự, không làm chủ được hành vi của mình thì theo quy định của Bộ luật Dân sự, vợ là người giám hộ đương nhiên của người chồng (Khoản 1 Điều 53 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Nếu đây là tài sản của vợ chồng bà T thì vợ chồng bà T có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản. Vì chồng bà T bị bệnh tâm thần, nên theo Điều 59 Bộ luật Dân sự quy định quản lý tài sản của người được giám hộ thì người giám hộ có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình.

Người giám hộ được thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ. Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Vì vậy, hợp đồng mà bạn ký với bà T phải được những người giám sát của người được giám hộ đồng ý, vì lợi ích của người được giám hộ, đồng thời hợp đồng mua bán nhà phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về hợp đồng mua bán nhà và có công chứng thì hợp đồng đó mới có giá trị pháp lý.


Bạn đọc Lại Đức Du (ducdu.bachmai@gmail.com) hỏi:

Nhà bên cạnh nhà tôi có trồng một cây hồng xiêm to, tán xòe sang tôi rất vướng và nguy hiểm vì có thể đổ bất cứ lúc nào. Tôi đã nhiều lần đề nghị gia đình họ cắt tỉa bớt những cành lan sang nhà tôi nhưng họ không chịu. Tôi rất lo vì nhà tôi là nhà cấp 4 đã xây dựng từ lâu, xuống cấp. Nhất là vào mùa mưa bão thì có nguy cơ đe dọa những người trong gia đình tôi. Tôi muốn biết có văn bản pháp luật nào quy định về vấn đề này để có căn cứ sang nói chuyện với gia đình họ nhằm bảo đảm an toàn cho những người thân của tôi?

Giao lưu tọa đàm trực tuyến “Những quy định mới của Bộ luật Dân sự” - Ảnh 22
Nguyễn Tân Việt trả lời:
Câu hỏi của bạn tôi xin trả lời như sau: Theo Điều 177 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bảo đảm an toàn trong trường hợp cây cối, công trình có nguy cơ gây thiệt hại, thì:
1. Trường hợp cây cối, công trình xây dựng có nguy cơ sập đổ xuống bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu tài sản thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, chặt cây, sửa chữa hoặc dỡ bỏ công trình xây dựng đó theo yêu cầu của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nếu không tự nguyện thực hiện thì chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho chặt cây, phá dỡ. Chi phí chặt cây, phá dỡ do chủ sở hữu cây cối, công trình xây dựng chịu.
2. Khi đào giếng, đào ao hoặc xây dựng công trình dưới mặt đất, chủ sở hữu công trình phải đào, xây cách mốc giới một khoảng cách do pháp luật về xây dựng quy định.
Khi xây dựng công trình vệ sinh, kho chứa chất độc hại và các công trình khác mà việc sử dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường thì chủ sở hữu tài sản đó phải xây cách mốc giới một khoảng cách và ở vị trí hợp lý, phải bảo đảm vệ sinh, an toàn và không làm ảnh hưởng đến chủ sở hữu bất động sản khác.
3. Trường hợp gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì chủ sở hữu cây cối, công trình phải bồi thường.
Như vậy, căn cứ vào điều luật đã viện dẫn trên, bạn có thể sang nhà bên cạnh để nói chuyện một cách ôn hòa để nhà bên có biện pháp cắt tỉa cành không làm ảnh hưởng đến công trình nhà bạn, đảm bảo an toàn, đúng luật và giữ được tình cảm.
Bạn đọc Nguyễn Hồng Minh (nghongminh.thaithinh@gmail.com) hỏi:

Tôi thấy thời gian gần đây miền Trung đang bị ngập nặng do mưa lũ. Tôi rất đồng cảm với nhân dân nơi đây. Nhưng tôi có thắc mắc là không biết những người nuôi trồng thủy sản là bị thiệt hại nhiều nhất. Có cách nào hay biện pháp gì để giúp người nuôi trồng thủy sản thu hồi được sản vật nuôi của mình không? Nếu vật nuôi từ ao hồ này vào ao hồ khác thì giải quyết như thế nào?

Giao lưu tọa đàm trực tuyến “Những quy định mới của Bộ luật Dân sự” - Ảnh 23
Nguyễn Tân Việt trả lời:
Cảm ơn câu hỏi của bạn! Theo Điều 233 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về xác lập quyền sở hữu đối với vật nuôi dưới nước thì khi vật nuôi dưới nước của một người di chuyển tự nhiên vào ruộng, ao, hồ của người khác thì thuộc sở hữu của người có ruộng, ao, hồ đó. Trường hợp vật nuôi dưới nước có dấu hiệu riêng biệt để có thể xác định vật nuôi không thuộc sở hữu của mình thì người có ruộng, ao, hồ đó phải thông báo công khai để chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 01 tháng, kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận thì quyền sở hữu vật nuôi dưới nước đó thuộc về người có ruộng, ao, hồ.
 Toàn cảnh buổi giao lưu tọa đàm trực tuyến "Những quy định mới của Bộ luật Dân sự"
Đúng như bạn nói, mưa lũ ngập lụt thì người dân vẫn là người chịu thiệt hại và vất vả nhiều nhất. Đối với người nuôi trồng thủy sản cũng vậy. Đối với người dân nuôi trồng thủy sản miền Trung thì thật khó để thu hồi lại được sản vật nuôi của mình. Chỉ cầu mong mưa thuận gió hòa để cuộc sống người dân bớt khó nhọc hơn thôi.
Bạn đọc Tú Hương (huongpham@gmail.com) hỏi:

Việc xác định lại giới tính được thực hiện trong những trường hợp nào? Điều kiện để được xác định lại giới tính?

Giao lưu tọa đàm trực tuyến “Những quy định mới của Bộ luật Dân sự” - Ảnh 25
Phạm Thu Hương trả lời:

Theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Dân sự thì

1. Cá nhân có quyền xác định lại giới tính.

Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.

2. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
Bạn đọc Nguyễn Mạnh Dũng (manhdung1986@gmail.com) hỏi:

Tôi có một con gái năm nay đã 2 tuổi, tên cháu là Bảo Khanh. Khi mới về làm dâu, tôi chưa biết hết tên của họ hàng nhà chồng nên đặt tên con trùng với tên của người cậu của chồng đang đi làm ăn xa. Nhiều người nói tôi nên đổi tên cho con vì dễ nhầm lẫn,  không hay trong gia đình. Tôi muốn biết thủ tục thay đổi tên này cho con có phức tạp không? Tôi phải làm những gì và tại đâu?

Giao lưu tọa đàm trực tuyến “Những quy định mới của Bộ luật Dân sự” - Ảnh 26
Phạm Thu Hương trả lời:
Theo quy định của Điều 28 Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực ngày 1/1/2017 thì cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong các trường hợp sau đây:
a) Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;
 Luật gia Phạm Thu Hương trả lời bạn đọc tại buổi giao lưu
c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;
d) Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
đ) Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;
e) Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;
g) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
2. Việc thay đổi tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.
3. Việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ.
Trong trường hợp này, bạn đến UBND phường nơi đã đăng ký khai sinh cho con để làm thủ tục thay đổi tên. Việc thay đổi tên cho con phải có sự đồng ý của cha, mẹ và được thể hiện rõ trong Tờ khai theo mẫu quy định của Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.
Bạn đọc Phó Thị Hoàng Hoa (Ba Đình) hỏi:

Xin cho biết quy định về hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách  pháp nhân trong quan hệ dân sự và hình thức sở hữu?

Giao lưu tọa đàm trực tuyến “Những quy định mới của Bộ luật Dân sự” - Ảnh 28
LS Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:
Bộ luật Dân sự quy định có 2 chủ thể tham gia quan hệ dân sự: Cá nhân và Pháp nhân.
Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Khi có sự thay đổi người đại diện thì phải thông báo cho bên tham gia quan hệ dân sự biết. Trường hợp thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự không được các thành viên khác ủy quyền làm người đại diện thì thành viên đó là chủ thể của quan hệ dân sự do mình xác lập, thực hiện.
Về hình thức sở hữu
Bộ luật ghi nhận 03 hình thức sở hữu là sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung thay vì việc ghi nhận 06 hình thức sở hữu như trong BLDS 2005 (sở hữu nhà nước; sở hữu tập thể; sở hữu tư nhân; sở hữu chung; sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; sở hữu của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp). Cụ thể:
- Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
- Sở hữu riêng là sở hữu của một cá nhân hoặc một pháp nhân; tài sản hợp pháp thuộc sở hữu riêng không bị hạn chế về số lượng, giá trị.
- Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với tài sản; sở hữu chung bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất.
Quy định về sở hữu chung của các thành viên gia đình cùng sống chung đối với tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của BLDS và luật khác có liên quan.
Trường hợp vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình thì tài sản chung của vợ chồng được áp dụng theo chế độ tài sản này.
Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu còn lại. Trường hợp tất cả các chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với tài sản chung thì việc xác lập quyền sở hữu được áp dụng theo quy định về xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ theo quy định của BLDS.
Bạn đọc Tạ Bích Lương (tabichluong.lactrung@gmail.com) hỏi:
Tôi có một thửa đất trong ngõ rộng 140 m2Chiều rộng 4m và chiều dài 26m. Một mặt tiếp giáp với ngõ đi chung của khu dân cư. Nay tôi muốn chia cho con trai một phần diện tích đất ở phía sau thửa đất. Vì phía trên nhà tôi đã xây hết nhà, hết đất. Nếu cắt cho con tôi thì cháu phải trổ cửa đi ra ngõ đi chung của khu. Những hộ gia đình trong ngõ đi chung có quyền cản trở việc con tôi trổ cửa ra ngõ đi chung không?
Giao lưu tọa đàm trực tuyến “Những quy định mới của Bộ luật Dân sự” - Ảnh 29
Nguyễn Tân Việt trả lời:
Đối với câu hỏi của bạn, tôi xin được trả lời như sau: Theo Điều 254 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về Quyền về lối đi qua như sau:
1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.
3. Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.
Như vậy với trường hợp gia đình ông và áp dụng quy định của pháp luật nêu trên thì con trai ông bà có quyền trổ cửa, mở lối đi ra đường công cộng. 
Bạn đọc Trần Thu Phượng (Đống Đa, Hà Nội) hỏi:
Về “Xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự”
Giao lưu tọa đàm trực tuyến “Những quy định mới của Bộ luật Dân sự” - Ảnh 30
LS Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:
Bộ luật quy định 2 phương thức bảo vệ quyền dân sự cho cá nhân và pháp nhân lựa chọn:
-          Khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của BLDS, luật khác có liên quan
-          Hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các biện pháp theo quy định của luật.
Trường hợp cá nhân, pháp nhân lựa chọn phương thức tự bảo vệ quyền dân sự thì việc tự bảo vệ quyền phải phù hợp với tính chất, mức độ xâm phạm đến quyền dân sự đó và không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự (Điều 3);
Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Vì thế, để bảo đảm quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân được bảo vệ kịp thời, phát huy vai trò bảo vệ công lý của Tòa án, phát huy trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền khác trước người dân, Bộ luật bổ sung quy định trách nhiệm của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác trong việc tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân.
Đặc biệt, Bộ luật quy định Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự với lý do chưa có điều luật để áp dụng. Trường hợp này nếu không có tập quán và không áp dụng được tương tự pháp luật thì Tòa án vận dụng nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết.
Bạn đọc Nguyễn Thị Anh Thư (anhthu2381@gmail.com) hỏi:

Quan điểm chỉ đạo xây dựng Bộ luật Dân sự 2015 (có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2017)

Giao lưu tọa đàm trực tuyến “Những quy định mới của Bộ luật Dân sự” - Ảnh 31
LS Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:
Xây dựng BLDS thành bộ luật nền, luật khung có vị trí, vai trò là luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm; có tính khái quát, tính dự báo và tính khả thi để bảo đảm tính ổn định của Bộ luật. Các luật chuyên ngành phải quy định chi tiết, cụ thể phù hợp với luật chung. Trên cơ sở đó Bộ luật không quy định các nguyên tắc cơ bản của BLDS thành một chương như BLDS 2005 mà quy định thành một điều “Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự”. Trong đó, ghi nhận 05 nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, phản ánh những đặc trưng và nguyên lý cơ bản nhất của quan hệ dân sự, pháp luật dân sự, bao gồm: (1) Nguyên tắc bình đẳng; (2) Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận; (3) Nguyên tắc thiện chí, trung thực; (4) Nguyên tắc tôn trọng lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác và (5) Nguyên tắc tự chịu trách nhiệm dân sự (BLDS 2005 có 11 nguyên tắc).