Giao lưu - Tọa đàm trực tuyến trên Kinhtedothi.vn: Nóng cùng các vấn đề nóng

Thu Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được coi là một trong những đặc sản của truyền thông hiện đại, tọa đàm - giao lưu trực tuyến trên báo điện tử Kinh tế & Đô thị luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của độc giả.

Đặc biệt, trong năm 2018, với sự chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt, sáng tạo, sát sao của lãnh đạo, Ban Biên tập, báo điện tử Kinh tế & Đô thị (Kinhtedothi.vn) đã tạo dấu ấn mạnh mẽ với dư luận bởi các vấn đề “nóng” được đưa ra trong tọa đàm - giao lưu trực tuyến.
Linh hoạt xử lý “cháy” kịch bản

Báo Kinh tế & Đô thị ra mắt độc giả hình thức giao lưu trực tuyến lần đầu tiên vào ngày 25/9/2012. Đến nay, trung bình mỗi tháng, báo Kinh tế & Đô thị điện tử phối hợp cùng các ban chuyên môn thực hiện từ 1 đến 3 buổi giao lưu - tọa đàm trực tuyến. Các chương trình luôn được hàng vạn độc giả quan tâm, đánh giá cao về chất lượng bởi những đề tài “nóng” như bầu cử, luật hình sự, trật tự đô thị, hỗ trợ DN, cải cách hành chính, nông thôn mới, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ…
Quang cảnh buổi tọa đàm, giao lưu trực tuyến 'Tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng đường sắt đô thị Hà Nội' tháng 9/2018. Ảnh: Phạm Hùng
Mỗi buổi tọa đàm mặc dù chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ nhưng đó là khoảng thời gian mà ekip chương trình làm việc với cường độ cao, trong khi khách mời hào hứng tham gia trả lời câu hỏi mà bạn đọc truy cập, tương tác trực tiếp. Với các đề tài lớn, mang tính thời sự dù ekip đã dự kiến nhưng cũng không ít lần ban tổ chức, khách mời “tá hỏa” trước nhiều câu hỏi khó. Trong đó phải kể đến các cuộc giao lưu trực tuyến với công an TP Hà Nội, lực lượng phòng cháy chữa cháy, luật sư tư vấn pháp Luật Quản lý trật tự đô thị, DN… Với những đề tài thời sự như trên, báo điện tử thường xuyên bị “nghẽn mạng” do lượng truy cập quá đông. Nhiều tình huống do độc giả đặt ra khiến khách mời căng não, buộc phải rút điện thoại gọi… trợ giúp. Thậm chí, không ít buổi tọa đàm - giao lưu trực tuyến bị “phá khung giờ” dự kiến do khách mời hào hứng sáng tác thơ, giao lưu văn nghệ. Những yếu tố không ngờ đó luôn khiến MC chương trình phải phá vỡ kịch bản để điều phối lại một cách sáng tạo, linh hoạt... Dù phải xử lý không ít “sự cố” xảy ra nhưng đó cũng là niềm vui cho ekip thực hiện bởi điều đó chứng tỏ sức hấp dẫn, thiết thực, kịp thời của chương trình.

Tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ

Do yêu cầu đòi hỏi của sự phát triển báo chí đa phương tiện, cũng như tình hình thời sự, dư luận xã hội, năm 2018, những vấn đề, vụ việc vừa xảy ra thì ngay ngày hôm sau, ekip sẽ phải triển khai tọa đàm - giao lưu trực tuyến. Nhiều chương trình đã tạo được dấu ấn trong làng báo Thủ đô cũng như được chính quyền, Nhân dân, cộng đồng mạng ghi nhận. Trong đó phải kể đến cuộc giao lưu trực tuyến với chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa để tìm giải pháp giảm thiểu các vi phạm trong công tác tu bổ di tích được thực hiện sáng 14/8/2018 diễn ra trong hơn 4 giờ đồng hồ. Cuộc tọa đàm - giao lưu trực tuyến được tổ chức ngay sau khi vụ việc hạ giải đình Lương Xá (huyện Ứng Hòa) mà các phóng viên báo Kinh tế & Đô thị vào cuộc sớm nhất. Hai ngày sau (16/8), Sở VH&TT Hà Nội đã tổ chức tham vấn các chuyên gia, cơ quan quản lý, lắng nghe đề xuất của chính quyền địa phương để đề ra biện pháp xử lý công trình vi phạm tại đình Lương Xá. Đây được coi là một trong những hiệu ứng tích cực mà cuộc giao lưu - tọa đàm tại báo Kinh tế & Đô thị đã góp phần tạo nên. Và hai tháng sau khi sai phạm bê tông hóa ngôi đình 300 tuổi ở Lương Xá được báo chí phản ánh, huyện Ứng Hòa đã ban hành quyết định kỷ luật đối với nhiều lãnh đạo địa phương.

Ngoài hai lĩnh vực thế mạnh là kinh tế và đô thị, lãnh đạo báo còn sát sao chỉ đạo thực hiện tọa đàm - giao lưu trực tuyến về vấn đề dân sinh bức xúc để kịp thời định hướng dư luận. Và một trong những điểm nổi bật, trong đó phải kể đến buổi tọa đàm - giao lưu trực tuyến về “Tuyên truyền hướng dẫn sử dụng tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh – Hà Đông” phối hợp với Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội diễn ra ngày 26/9/2018. Áp lực tổ chức chương trình này khá lớn. Vì đây không chỉ là chương trình trong khuôn khổ của dự án “Hỗ trợ truyền thông cho đường sắt đô thị Hà Nội” do ADB tài trợ mà còn bởi Hà Nội là địa phương đầu tiên xuất hiện, đánh dấu sự ra đời của loại hình vận tải khối lượng lớn văn minh, ưu việt tại Việt Nam. Thời điểm tổ chức buổi tọa đàm - giao lưu trực tuyến này được truyền thông đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, với kinh nghiệm tổ chức chuyên nghiệp từ Ban Biên tập tới ekip thực hiện nên buổi tọa đàm - giao lưu trực tuyến diễn ra thành công, thu hút sự tham gia của hàng trăm đại diện lãnh đạo bộ, ban ngành chức năng, chuyên gia, cơ quan thông tấn báo chí của T.Ư và Hà Nội và hàng chục vạn độc giả trên internet. Đồng thời, chương trình cũng góp phần truyền thông hiệu quả để người dân hiểu, có cái nhìn toàn diện, tích cực về đường sắt đô thị, vai trò của nó trong sự phát triển chung của Thủ đô Hà Nội.

Bên cạnh đó, nhằm khẳng định vị thế truyền thông “đi trước một bước”, nhiều vấn đề của đời sống xã hội cũng được báo thực hiện tọa đàm trực tuyến, tăng sự tương tác với độc giả. Trong đó phải kể đến những buổi Tọa đàm trực tuyến phối hợp cùng Sở Y tế Hà Nội triển khai thực hiện các chủ đề: Quản lý ATTP nước uống đóng bình trên địa bàn Hà Nội; ATTP trong trường học, quản lý thức ăn đường phố, ATTP bếp ăn khu tập thể, khu công nghiệp… Đây là các vấn đề luôn được người dân đặc biệt quan tâm trong khi công tác quản lý vẫn gặp nhiều khó khăn. Các buổi tọa đàm đã góp phần truyền thông mạnh mẽ nhiều vấn đề nóng, nêu rõ thực trạng, đề ra những giải pháp giúp định hướng dư luận, cung cấp thông tin đa chiều đến bạn đọc.

Trong 6 năm qua, nhiều buổi giao lưu trực tuyến của Kinhtedothi.vn không chỉ làm “nóng” cộng đồng mạng mà còn truyền tải nhanh, kịp thời, chính xác và đáp ứng các tiêu chí ngày càng cao của truyền thông đa phương tiện… Điều đó không chỉ phù hợp với tốc độ phát triển mạnh mẽ của báo chí hiện đại, đồng thời tạo dựng phong cách làm việc năng động, sáng tạo cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên báo Kinh tế & Đô thị nhằm thích ứng xu thế truyền thông 4.0.q