Tham gia buổi giao lưu - tư vấn pháp luật trực tuyến có:
- Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến - Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội
- Luật gia Phạm Thu Hương
- Luật sư Nguyễn Quốc Việt
|
Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức tặng hoa chúc mừng các luật sư nhân dịp kỷ niệm Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11. |
Mời độc giả tham gia giao lưu và đặt câu hỏi với các khách mời.
Mở đầu buổi giao lưu, Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến đã chia sẻ thông tin về những điểm mới, cơ bản của bộ Luật Dân sự
Bổ sung liên quan đến quyền sở hữu và các quyền khác về tài sản có 3 điểm bổ sung mới. Thứ nhất, quy định về chiếm hữu. Bộ luật đã quy định chiếm hữu độc lập đối với quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản theo cách tôn trọng tình trạng thực tế giữa người chiếm hữu và tài sản. Trong đó, Bộ luật Dân sự 2015 đã định nghĩa chiếm hữu như sau: Chiếm hữu là việc nắm giữ, chi phối tài sản trực tiếp hoặc gián tiếp chủ thể có quyền đối với tài sản. Chiếm hữu bao gồm chiếm hữu của chủ sở hữu và chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu. Việc chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu không thể là căn cứ để xác lập quyền sở hữu trừ trường hợp xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác nhận được chủ sở hữu, tài sản bị chôn giấu, bị vùi lấp, chìm đắm.
Thứ hai, quy định về hình thức sở hữu. Bộ luật 2005 quy định 6 hình thức chủ sở hữu gồm: Sở hữu nhà nước, tư nhân, tập thể, chung, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, sở hữu của tổ chức xã hội nghề nghiệp. Bộ luật dân sự 2015 có 3 hình thức sở hữu: Sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung. Sở hữu toàn dân bao gồm tài nguyên nước,tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác là tài sản do nhà nước đầu tư quản lý là tài sản công. Sở hữu riêng là sở hữu của một cá nhân hoặc một pháp nhân. Tài sản hợp pháp thuộc sở hữu riêng không bị hạn chế về số lượng và giá trị. Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với tài sản. Sở hữu chung bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất.
|
Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức phát biểu tại buổi giao lưu. |
Thứ ba, về quyền khác đối với tài sản: Để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn, thuận lợi hơn trong việc khai thác, sử dụng hiệu quả các tài sản, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và để tạo có chế pháp lý để các chủ thể không phải là chủ sở hữu thực hiện quyền đối với tài sản thuộc sở hữu của chủ thể khác bảo đảm khai thác nhiều nhất trên cùng một tài sản, Bộ luật Dân sự 2015 bổ sung quy định 3 quyền khác đối với tài sản là: Quyền về bất động sản liền kề, quyền hưởng dụng và quyền bề mặt.
KHÁCH MỜI THAM DỰ
-
Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến
-
-
Nội dung giao lưu trực tuyến
Bạn đọc Vương Thị Thúy (thuyvuong@gmail.com) hỏi:
Tôi có con riêng với một người đã có vợ con. Tôi biết người đó cũng phải chịu nhiều sức ép của vợ và con nên đã viết di chúc để lại tài sản của mình cho các con nhưng không cho con tôi được hưởng. Con tôi thì còn bé quá. Nếu không may có mệnh hệ gì với bố cháu thì con tôi có quyền đòi hỏi quyền lợi không?
Phạm Thu Hương trả lời:
Theo quy định của Bộ luật Dân sự quy định về thừa kế thì cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật.
Tuy nhiên Điều 644 Bộ luật Dân sự quy định người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Quy định trên không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định của pháp luật.
Cũng xin được nói thêm là di chúc chỉ có hiệu lực khi người lập di chúc qua đời.
Trong trường hợp này, nếu người lập di chúc qua đời vào thời điểm con của bạn vẫn còn bé hoặc đã thành niên mà không có khả năng lao động thì sẽ được hưởng một phần di chúc. Tuy nhiên trong trường hợp này, nếu đứa con không được người bố hoặc các anh, chị em trong gia đình đó thừa nhận, thì bạn phải làm hồ sơ chứng thực quan hệ cha con.
Bạn đọc Dư Hoàng Mai - Tam Trinh (duhmai@gmail.com) hỏi:
Tôi muốn viết di chúc với ý nguyện để lại ngôi nhà mà tôi đang sống sau này sẽ làm nơi thờ cúng. Nếu một trong các con tôi không đồng ý mà muốn bán đi có được không?
Nguyễn Quốc Việt trả lời:
Theo Điều 645 Bộ luật Dân sự quy định di sản dùng vào việc thờ cúng như sau:
1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.
Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
2. Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.
Như vậy, ý nguyện của ông là dùng ngôi nhà làm nơi thờ cúng thì ngôi nhà này không được chia thừa kế và người con nào muốn bán cũng không được.
Ví dụ: Ông D. có một ngôi nhà mặt đường 5 tầng. Sau đó, có di chúc để lại tầng 2 làm nơi thờ cùng, họp gia đình và để truyền lại nghề thuốc… Tuy nhiên, khi chết được một thời gian có tranh chấp do các bên liên quan không tuân thủ di chúc. Sau đó, do không thỏa thuận được và phải ra tòa. Ra tòa xử theo di chúc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thì hành án rất khó vì các bên liên quan không chịu thực hiện.
Bạn đọc Hoàng Minh Vy (TP Hồ Chí Minh) hỏi:
Gia đình tôi bán đất cho ông Nguyễn Văn A. Trong quá trình thỏa thuận mua bán, gia đình tôi có dành lại 1,5m rộng x 3,0m dài để làm đường đi riêng của gia đình. Nay trong quá trình sử dụng ông A thường xuyên để xe, chậu cây cảnh vào đường đi của gia đình tôi gây cản trở giao thông, nhiều lần dẫn đến to tiếng. Chúng tôi nhiều lần nhắc nhở và muốn biết căn cứ của pháp luật hiện hành để có cơ sở đàm phán với gia đình ông Nguyễn Văn A.
Phạm Thu Hương trả lời:
Theo nội dung ông hỏi, để giữ được tình làng nghĩa xóm và thỏa mãn được yêu cầu của gia đình ông căn cứ vào Điều 175 của Bộ luật Dân sự quy định về ranh giới giữa các bất động sản, như sau:
1. Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.
Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung.
2. Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.
Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Chúc hai gia đình ông đoàn kết, xây dựng được tình đoàn kết, sống chan hòa.
Bạn đọc Đỗ Thị Mai (quận Ba Đình, Hà Nội) hỏi:
Trong Bộ luật Dân sự có quy định rất mới về quyền khác đối với tài sản. Tôi muốn biết thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản được quy định như thế nào?
Phạm Thu Hương trả lời:
Theo Điều 159 Bộ luật Dân sự, Quyền khác đối với tài sản được quy định như sau:
1. Quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác.
2. Quyền khác đối với tài sản bao gồm:
a) Quyền đối với bất động sản liền kề;
b) Quyền hưởng dụng;
c) Quyền bề mặt.
Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản được quy định tại Điều 161 Bộ luật Dân sự như sau:
1. Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thực hiện theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; trường hợp luật không có quy định thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên; trường hợp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là thời điểm tài sản được chuyển giao.
Thời điểm tài sản được chuyển giao là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ chiếm hữu tài sản.
2. Trường hợp tài sản chưa được chuyển giao mà phát sinh hoa lợi, lợi tức thì hoa lợi, lợi tức thuộc về bên có tài sản chuyển giao, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Cũng xin được nói thêm là pháp luật cũng có chế định bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.
Ví dụ như ở quyền đối với bất động sản liền kề. Về nguyên tắc khi tiến hành xây dựng nhà, chủ nhà chỉ được phép xây dựng đúng phạm vi danh giới đất của chủ hộ, việc xây dựng đua ra phía trước vỉa hè hoặc sang nhà bên cạnh thì được coi là đã vi phạm quyền xây dựng nhà.
Bạn đọc Phan Thị Hương (quận Long Biên, Hà Nội) hỏi:
Vợ chồng tôi có hứa tặng cho con trai tôi ngôi nhà mà hiện nay chúng tôi đang ở nhưng với điều kiện con trai tôi phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính mà vợ chồng tôi đang còn nợ (tiền sử dụng đất và tiền lệ phí trước bạ). Nếu sau khi con trai tôi đã nộp hết các khoản tiền này rồi, tôi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính mà vợ chồng tôi lại muốn bán để mua hai căn hộ chung cư (một cho con tôi và một vợ chồng tôi ở) có được không?
Phạm Thu Hương trả lời:
Theo quy định tại Điều 459 Bộ luật Dân sự thì tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.
Về trường hợp ông bà hỏi, đó là tặng cho tài sản có điều kiện. Theo quy định tại Điều 462 Bộ luật Dân sự về tặng cho tài sản có điều kiện thì:
1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
3. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Như vậy, nếu theo quy định trên, sau khi con trai ông bà đã nộp tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ thay ông bà mà ông bà không làm thủ tục tặng cho con trai thì con trai ông bà có quyền yêu cầu ông bà thanh toán số tiền mà người con đã nộp vào ngân sách Nhà nước.
Bạn đọc Hồ Ngọc Linh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hỏi:
Bộ luật Dân sự quy định như thế nào về quyền từ chối của bên có nghĩa vụ? Như bạn đọc đã biết trongn thời gian qua, dư luận nóng lên vấn đề Khaisilk bán sản phẩm tơ tằm vừa có mác "Khaisilk - Made in Việt Nam" đồng thời gắn mác “Made in China”. Từ vụ việc này đặt ra câu hỏi về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dung và trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dung theo gọc độ pháp luật dân sự.
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:
|
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến phát biểu tại buổi giao lưu. |
Về việc cửa hàng Khaisilk bóc mác “made inTrung Quốc”, dán nhãn mác “made in Việt Nam” trong hàng hóa đó bán cho người tiêu dùng, theo bộ luật dân sự và luật Bảo vệ người tiêu dùng, trường hợp người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường. Trong trường hợp người tiêu dùng khiếu nại sẽ gửi đơn khiếu nại đến văn phòng bảo vệ người tiêu dùng để được xem xét giải quyết. Trong trường hợp người tiêu dùng tố cáo có thể gửi đơn tố cáo đến tất cả các cơ quan tố tụng. Trong việc người tiêu dùng lựa chọn hình thức khởi kiện để yêu cầu bồi thường sẽ làm đơn khởi kiện gửi đến tòa án để tòa án tiến hành thủ tục tố tụng bằng việc dân sự hoặc vụ án dân sự để giải quyết đơn khởi kiện của người tiêu dùng.
Trong thực tiễn hiện nay, hồ sơ vụ án Khaisilk đang được chuyển cho cơ quan công an để xem xét xem có dấu hiệu phạm tội hay không nên những thông tin liên quan đến vụ án Khaisilk thời điểm này chưa thể nói được gì nhiều mà chỉ dự trên cơ sở quy định của pháp luật dân sự và pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, chúng tôi chỉ nêu nội dung nếu người tiêu dùng khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện khi mua phải hàng giả, kém chất lượng trong hệ thống cửa hàng Khaisilk thôi.
Bạn đọc Cù Thị Lan - Hòa Bình (culanhb@gmail.com) hỏi:
Trước đây tôi và bạn có góp tiền mua một ngôi nhà 2 tầng. Chúng tôi thỏa thuận mỗi người được quyền sở hữu một nửa ngôi nhà từ (gồm 1/2 tầng 1 và 1/2 tầng 2). Trong quá trình chung sống chúng tôi phát sinh một số bất đồng. Nay tôi muốn xây tường ngăn cách hoặc bán ngôi nhà này nhưng bạn lại không muốn. Vậy tôi phải làm như thế nào?
Nguyễn Quốc Việt trả lời:
Hai bạn mua chung ngôi nhà này thì đây là tài sản chung của hai người. Việc định đoạt tài sản chung theo thỏa thuận của cả hai. Nay bạn muốn bán căn hộ đó thì phải bàn bạc, thỏa thuận với bạn của mình. Bạn cũng có thể xem lại thỏa thuận của hai người trước khi mua căn hộ này theo hướng xử lý tài sản sau khi mua.
Nếu không có thỏa thuận bạn có thể tham khảo Điều 219 Bộ luật Dân sự để chia tài sản thuộc sở hữu chung. Cụ thể:
1. Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán và chủ sở hữu chung đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung và tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Nếu như vậy các bạn cũng không thỏa thuận được thì bạn có quyền làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện nơi có ngôi nhà đó để yêu cầu giải quyết bảo đảm quyền lợi của mình.
Bạn đọc Nguyễn Minh Khang - Thái Thịnh (minhkhang_hn@gmail.com) hỏi:
Gia đình nhà tôi bị gia đình bên cạnh xây dựng nhà đổ đua ô văng sang đất của gia đình tôi. Tôi đã có ý kiến với gia đình đó đề nghị họ xây dựng đúng ranh giới thửa đất của họ nhưng họ không chịu. Là chủ sở hữu bất động sản liền kề, tôi có thể yêu cầu họ ngăn chặn hành vi xây dựng lấn chiếm không?
Nguyễn Quốc Việt trả lời:
Theo Bộ luật Dân sự tại Điều 164 có quy định về các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản như sau:
1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Như vậy, gia đình ông bà có quyền yêu cầu hộ liền kề chấm dứt ngay hành vi xây dựng đua ô văng lấn sang đất của gia đình mình. Về nguyên tắc khi tiến hành xây dựng họ phải tuân thủ nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng. Khi xây dựng công trình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh.
Bạn đọc Vũ Hồng Thủy (hongthuyvu@gmail.com) hỏi:
Việc chuyển giao quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ được quy định như thế nào?
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:
Điều 365 Bộ luật Dân sự quy định: Chuyển giao quyền yêu cầu.
1. Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thỏa thuận, trừ trường hợp sau đây:
a) Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
b) Bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về việc không được chuyển giao quyền yêu cầu.
2. Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu. Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ.
Người chuyển giao quyền yêu cầu phải thông báo bằng văn bản cho bên có nghĩa vụ biết về việc chuyển giao quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp bên chuyển giao quyền yêu cầu không thông báo về việc chuyển giao quyền mà phát sinh chi phí cho bên có nghĩa vụ thì bên chuyển giao quyền yêu cầu phải thanh toán chi phí này.
Bạn đọc Lương Thị Nghĩa (quận Hà Đông, Hà Nội) hỏi:
Người không thực hiện nghĩa vụ giao vật phải chịu trách nhiệm như thế nào?
Nguyễn Quốc Việt trả lời:
Căn cứ Điều 356 Bộ luật Dân sự: Trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ giao vật
1. Trường hợp nghĩa vụ giao vật đặc định không được thực hiện thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm phải giao đúng vật đó; nếu vật không còn hoặc bị hư hỏng thì phải thanh toán giá trị của vật.
|
Luật sư Nguyễn Quốc Việt trả lời câu hỏi của bạn đọc. |
2. Trường hợp nghĩa vụ giao vật cùng loại không được thực hiện thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm phải giao vật cùng loại khác; nếu không có vật cùng loại khác thay thế thì phải thanh toán giá trị của vật.
3. Trường hợp việc vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà gây thiệt hại cho bên bị vi phạm thì bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại.
Ví dụ: Thực tế hàng ngày có nhiều tranh chấp xảy ra và phải ra tòa để giải quyết.
Cụ thể, hay cho mượn đồ vật để người đó xử dụng. Tuy nhiên, khi đòi lại người kia nói đồ vật bị hỏng. Trong trường hợp này, người mượn phải đền bù vật bằng với giá trị vật được mượn.
Bạn đọc Bùi Mạnh Hà (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hỏi:
Trong hợp đồng vay tài sản có lãi, thỏa thuận về lãi suất của các bên không được vượt qua mức lãi suất là bao nhiêu?
Nguyễn Quốc Việt trả lời:
Căn cứ vào Điều 463 Bộ luật Dân sự: Hợp đồng vay tài sản:
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực; Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ (điều 468 bộ luật dân sự).
Ví dụ: Thực tế vẫn có quỹ tín dụng đen. Trong trường hợp này không làm hợp đồng nên khó xử lý. Nếu trong hợp đồng có vượt quá lãi suất theo quy định thì khi ra tòa, chỉ được giải quyết mức trả lãi theo quy định của pháp luật.
Bạn đọc Vũ Thành Minh (vuminhtp@gmail.com) hỏi:
Chúng tôi được bố mẹ viết di chúc để lại tài sản. Trong di chúc bố mẹ tôi nói cho các con được quyền sử dụng tài sản mà bố mẹ để lại. Sau này tôi mới biết nếu chỉ ghi có quyền sử dụng thì chúng tôi không được sang tên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Không biết như vậy có đúng không?
Nguyễn Quốc Việt trả lời:
Theo quy định của Bộ luật Dân sự thì quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.
Theo đó, quyền chiếm hữu của chủ sở hữu là được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phối tài sản của mình nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội (Điều 186).
Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Quyền sử dụng có thể được chuyển giao cho người khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật (Điều 189).
Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản.
Như vậy, nếu bố mẹ bạn viết di chúc chỉ để lại cho các con quyền sử dụng ngôi nhà này thì cũng không phải là căn cứ để các con làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế và sang tên quyền sở hữu từ bố mẹ sang các con. Trong trường hợp này, các con có thể cùng ngồi với bố mẹ, giải thích để bố mẹ hiểu và viết lại cho rõ hơn về quyền sở hữu. Có như vậy mới đảm bảo quyền và lợi ích của các con cũng như mong muốn, ý nguyện của bố mẹ.
Bạn đọc Nguyễn Quốc Khánh - Hai Bà Trưng (qkhanhhn@gmail.com) hỏi:
Bộ luật Dân sự quy định như thế nào về quyền từ chối của bên có nghĩa vụ?
Phạm Thu Hương trả lời:
Căn cứ Điều 369 Bộ luật Dân sự: Quyền từ chối của bên có nghĩa vụ.
1. Trường hợp bên có nghĩa vụ không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu và người thế quyền không chứng minh về tính xác thực của việc chuyển giao quyền yêu cầu thì bên có nghĩa vụ có quyền từ chối việc thực hiện nghĩa vụ đối với người thế quyền.
2. Trường hợp bên có nghĩa vụ do không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu mà đã thực hiện nghĩa vụ đối với người chuyển giao quyền yêu cầu thì người thế quyền không được yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình.
Bạn đọc Hoàng Thu Hằng (thuhang@gmail.com) hỏi:
Quyền đại diện được xác lập dựa trên căn cứ nào của pháp luật dân sự. Nếu trong giấy ủy quyền của tôi không ghi rõ thời hạn ủy quyền, nay tôi muốn hủy bỏ việc ủy quyền có được không. Tôi có phải bồi thường hay chịu trách nhiệm gì không?
Nguyễn Quốc Việt trả lời:
Căn cứ Điều 135 Bộ luật Dân sự: Căn cứ xác lập quyền đại diện.
Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (sau đây gọi là đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đại diện theo pháp luật).
Theo quy định tại Điều 562 Bộ luật Dân sự thì hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 1 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.
Về việc hủy bỏ việc ủy quyền và bồi thường thì tại Điều 569 Bộ luật Dân sự có quy định:
1. Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý.
Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.
2. Trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý; nếu ủy quyền có thù lao thì bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có.
Như vậy, căn cứ vào giấy ủy quyền bạn đã lập để xác định việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền có phải bồi thường hay không.
Bạn đọc Hoàng Minh Vy - Tp Hồ Chí Minh (hoangvy.hcm@gmail.com ) hỏi:
Thế nào là thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ? Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ được quy định như thế nào?
Nguyễn Quốc Việt trả lời:
Điều 361 Bộ luật Dân sự quy định: Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ
1. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.
2. Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
3. Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ: Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác (điều 360 Bộ luật Dân sự).
Bạn đọc Ngô Thị Thanh (thanhha@gmail.com) hỏi:
Người thừa kế có quyền từ chối hưởng Di sản không?
Nguyễn Quốc Việt trả lời:
Người thừa kế theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật không bắt buộc phải nhận thừa kế. Tại Điều 620 Bộ luật Dân sự qui định: Từ chối nhận di sản.
1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.
Bạn đọc Bà Phí Thị Thu - Kim Mã (phithu@gmail.com) hỏi:
Trong trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc thì phải cần mấy người làm chứng?
Phạm Thu Hương trả lời:
Điều 634 Bộ luật Dân sự quy định: Di chúc bằng văn bản có người làm chứng)
Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
Việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 và Điều 632 của Bộ luật này.
Theo Điều 632 của Bộ Luật Dân sự: Người làm chứng cho việc lập di chúc. Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
- Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;
- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
- Người chưa thành niê, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Bạn đọc Nguyễn Thị Liên (Đống Đa, Hà Nội) hỏi:
Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm những biện pháp nào?
Phạm Thu Hương trả lời:
|
Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến. |
Theo quy định Điều 292 Bộ luật Dân sự: Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ:
Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm:
1. Cầm cố tài sản.
2. Thế chấp tài sản.
3. Đặt cọc.
4. Ký cược.
5. Ký quỹ.
6. Bảo lưu quyền sở hữu.
7. Bảo lãnh.
8. Tín chấp.
9. Cầm giữ tài sản.
Bạn đọc Bà Nguyễn Giáng Hương - Thái Nguyên hỏi: (gianghuongtn@gmail.com) hỏi:
Trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu thì sẽ có những hậu quả pháp lý nào đối với chủ thể giao dịch?
Phạm Thu Hương trả lời:
Điều 131 Bộ luật Dân sự quy định: Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu.
1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.
Theo điều 129 của Bộ Luật dân sự về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức.
Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:
- Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đùng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc cá bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
- Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện về công chứng, chứng thực.
Ví dụ điển hình trong giao dịch dân sự về hình thức, theo quy định của pháp luật, các hợp đồng mua bán phải được công chứng, nhưng hiện nay, có rất nhiều trường hợp mua bán nhà chỉ qua hình thức viết tay. Như vậy, theo quy định của điều 129 Bộ Luật dân sự, những hợp đồng viết tay đó là hoàn toàn vô hiệu. Và khi có tranh chấp xảy ra thì pháp luật sẽ không can thiệp, hai bên phải hoàn trả lại tiền và nhà cho đôi bên.
Bạn đọc Phạm Minh Trân (phamtran@gmail.com) hỏi:
Ông Nguyễn Văn Ca (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội): Vợ chồng chúng tôi muốn lập Di chúc để lại tài sản cho các con. Để bản di chúc được coi là hợp pháp phải có những điều kiện gì?
Phạm Thu Hương trả lời:
Điều 630 Bộ luật Dân sự quy định: Di chúc hợp pháp
1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
|
Luật gia Phạm Thu Hương trả lời câu hỏi của độc giả. |
3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Bạn đọc Bà Lê Thị Hải ở Thành phố Hải Phòng hỏi: (lehai.hp@gmail.com) hỏi:
Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp nào?
Nguyễn Quốc Việt trả lời:
Tôi xin trả lời câu hỏi của bà Lê Thị Hải về vấn đề này như sau:
Căn cứ Điều 650 Bộ luật Dân sự: Những trường hợp thừa kế theo pháp luật:
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.