Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giao quyền tự chủ cho các trường đại học: Không dễ!

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị từng đăng tải thông tin nhiều trường đại học (ĐH) than khó do thiếu hướng dẫn Luật Giáo dục ĐH. Mới đây, Chính phủ đã ban hành dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH (Nghị định). Đáng lưu ý, Nghị định sẽ tháo gỡ băn khoăn của nhiều trường ĐH trong công tác quản trị và nhiều nội dung khác liên quan.

Do chưa có hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục ĐH, hiện tại, trường ĐH dân lập Hải Phòng vẫn chưa được hoạt động dưới tên mới là trường ĐH Quản lý và Công nghệ Hải Phòng.
Phải có hơn 15.000 học viên chính quy
Tại Điều 4 của Nghị định nêu rõ các điều kiện để chuyển trường ĐH thành ĐH và thành lập trường thuộc cơ sở giáo dục ĐH.
Theo đó, khi chuyển, phải thỏa mãn trường ĐH đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục ĐH bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp; có ít nhất 3 trường thuộc trường ĐH được thành lập theo quy định; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ, có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người; có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường ĐH công lập, có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường ĐH tư thục, trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Nghị định cũng nêu rõ hồ sơ để được chuyển trường ĐH sang ĐH phải đảm bảo có tờ trình đề nghị chuyển, nghị quyết của hội đồng trường. Ngoài ra, bên đề nghị phải có đề án chuyển trường ĐH thành ĐH, trong đó nêu rõ sự cần thiết, dự thảo quy chế tổ chức hoạt động, các giải pháp giải quyết rủi ro khi chuyển đổi (nếu có), đánh giá các tác động từ việc chuyển đổi...
Liên quan đến nội dung điều kiện thành lập trường là đơn vị đào tạo thuộc cơ sở giáo dục ĐH, Nghị định yêu cầu có ít nhất 5 ngành thuộc cùng một lĩnh vực đào tạo từ trình độ ĐH trở lên, trong đó có ít nhất 3 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, ít nhất 1 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, có quy mô đào tạo chính quy từ 2.000 người trở lên; có quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường thuộc cơ sở giáo dục đại học.
Trong tình huống thành lập trường chỉ để đào tạo các chương trình theo định hướng ứng dụng, không cần điều kiện đào tạo đến trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Còn với trường hợp thành lập trường có quy mô đào tạo chính quy dưới 2.000 người, hoặc có số ngành thuộc cùng một lĩnh vực đào tạo trình độ ĐH, trình độ thạc sĩ, phải có sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Đã rõ các bước để có hội đồng trường
Ở nội dung được nhiều trường ĐH quan tâm, đó là việc Luật thiếu hướng dẫn về công tác quản trị, hội đồng trường, từ đó gây ra tình trạng “quyền lực bị bỏ rơi” như Kinh tế & Đô thị đã thông tin. Tại dự thảo Nghị định này, câu chuyện trên đã được hóa giải.
Cụ thể, tại Điều 7 của Nghị định nêu quy trình, thủ tục thành lập, công nhận hội đồng trường; công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên khác của hội đồng trường; công nhận hiệu trưởng của trường ĐH công lập.
Với chế định này, thủ tục thành lập hội đồng trường được xác định: Đối với trường ĐH mới thành lập, cơ quan quản lý trực tiếp giao quyền hiệu trưởng lâm thời và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của hiệu trưởng cho đến khi có quyết định công nhận hiệu trưởng chính thức theo đề xuất của hội đồng trường.
Giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục ĐH
Theo Điều 13 của Nghị định, cơ sở giáo dục ĐH thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định của Luật Giáo dục ĐH, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH và các quy định: Quyền tự chủ về học thuật và hoạt động chuyên môn, cơ sở giáo dục ĐH được quyền ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về hoạt động tuyển sinh, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật; xác định, công bố công khai phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT, trừ lĩnh vực quốc phòng, an ninh...; quyết định phương thức tổ chức và quản lý đào tạo đối với các trình độ, hình thức đào tạo, xây dựng và thẩm định, ban hành chương trình đào tạo phù hợp...
Cũng theo dự thảo, cơ sở giáo dục ĐH được quyết định đào tạo từ xa, liên kết đào tạo trình độ ĐH theo hình thức vừa học vừa làm với cơ sở giáo dục trong nước đủ điều kiện.
Với cơ chế mở, Nghị định cho phép cơ sở giáo dục ĐH tự chủ ra quyết định mở ngành, liên kết đào tạo với nước ngoài cho trường ĐH thành viên và đơn vị đào tạo thuộc ĐH khi đáp ứng điều kiện về mở ngành.
Tại văn bản gửi Thủ tướng, Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam (Hiệp hội) cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018, có hiệu lực từ 1/7/2019. Theo đó, đạo luật này được xây dựng trên tinh thần chuyển quyền đại diện chủ sở hữu các cơ sở giáo dục ĐH từ cơ quan chủ quản về nhà trường, hướng tới mỗi cơ sở giáo dục ĐH là một pháp nhân có đầy đủ quyền tự chủ. Luật quy định Hội đồng trường là tổ chức quản trị đại diện quyền sở hữu của nhà trường.
Tại khoản 8, Điều 16 quy định rõ chức năng, quyền hạn, tiêu chuẩn, nguyên tắc tổ chức, cách thức hoạt động của Hội đồng trường, đồng thời giao Chính phủ “quy định chi tiết quy trình, thủ tục thành lập, công nhận Hội đồng trường; việc công nhận miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên khác của Hội đồng trường”.
Tuy vậy, theo Hiệp hội, đã nhiều tháng qua, Chính phủ vẫn chưa ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện một số điều của đạo luật này. Sự việc này gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục ĐH trong việc triển khai thực hiện Luật, mà mấu chốt là việc công nhận Hội đồng trường chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.