Giáo sư Nguyễn Lân-vẻ đẹp một nhân cách lớn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Những bài học từ cuộc đời và sự nghiệp của NGND Nguyễn Lân có thể góp phần giáo dục đội ngũ những người thầy giáo, cô giáo đang đứng trên bục giảng trong bối cảnh xã hội lịch sử với không ít các khó khăn, hun đúc bản lĩnh sư phạm của các giáo sinh đang rèn nghề trên giảng đường”.

Trên đây là những lời phát biểu khai mạc xúc động của PGS Nguyễn Văn Minh-Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tại hội thảo khoa học “NGND.GS Nguyễn Lân-cuộc đời và sự nghiệp” diễn ra hôm nay (10/12). Hội thảo do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khoa Tâm lý-Giáo dục tổ chức.
Giáo sư Nguyễn Lân-vẻ đẹp một nhân cách lớn - Ảnh 1
NGND Nguyễn Lân sinh ngày 14/6/1906, mất ngày 7/8/2003. Suốt cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp trồng người, sự nghiệp khoa học và cách mạng, GS Nguyễn Lân không ngừng học hỏi, khổ luyện, tận tâm, tận lực vì nhà trường và học trò. Trong mọi công việc, trên mọi vị trí, thầy giáo Nguyễn Lân luôn nỗ lực để làm tốt nhất công việc của mình. GS Nguyễn Lân cũng là người đầu tiên trong việc đặt nền móng để xây dựng nên khoa Tâm lý-Giáo dục có bề dày truyền thống của ĐH Sư phạm Hà Nội.

Nói về NGND Nguyễn Lân tại hội thảo này cũng là ghi nhớ 10 năm ngày mất của ông. NGND-GS Nguyễn Đình Chú cho hay: Vẻ đẹp của GS Nguyễn Lân trước hết là vẻ đẹp của một nhân cách lớn luôn luôn sống với đất nước, với nhân dân, với lẽ phải, với những truyền thống của dân tộc. Trong suốt cuộc đời, GS Nguyễn Lân đã có những đóng góp cho đất nước, nhân dân Việt Nam với nhiều tư cách. GS Nguyễn Lân là nhà hoạt động xã hội giàu tâm huyết đưa ánh sáng văn hóa đến nhân dân, trong việc chăm lo khối đại đoàn kết dân tộc. NGND Nguyễn Lân có công đào tạo cho đất nước  nhiều nhân tài, nhiều cán bộ ưu tú. Không ít nhà cách mạng, tướng lĩnh cao cấp, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, giáo sư, nhà khoa học có tên tuổi ở nước ta nửa sau thế kỷ XX từng là học trò của người thầy mẫu mực Nguyễn Lân. GS Nguyễn Lân xứng đáng được liệt vào hàng sư tiêu biểu, là người đặt nền móng đầu tiên cho nền khoa học giáo dục Việt Nam chính thức ra đời năm 1954. Đồng thời GS Nguyễn Lân chủ trương với nhà trường “Tiên học lễ, hậu học văn”, ngày nay đến thăm ngôi trường nào của nước ta cũng đều có biểu ngữ này. Với bút danh Từ Ngọc bắt đầu từ tiểu thuyết Cậu bé nhà quê (1925) cho đến nhiều tác phẩm về sau, ngòi bút viết truyện của GS Nguyễn Lân vẫn hướng vào bênh vực những số phận hẩm hiu bất hạnh bởi cái ác trong cuộc đời, trong quan niệm sống, phong tục đương thời gây nên. Đặc biệt, NGND Nguyễn Lân còn là nhà ngữ pháp, nhà biên soạn từ điển “vô địch” khi ở tuổi đại lão với những cuốn từ điển biên soạn chung, riêng mang nhiều giá trị. Không kể các tác phẩm báo chí, cuộc đời của NGND Nguyễn Lân có 36 công trình đóng góp vào nền học thuật của nước nhà.

Đến tham dự hội thảo khoa học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng đến GS Nguyễn Lân đã để lại di sản lớn cho các thế hệ sau này. Qua đây, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định một cách mạnh mẽ không có gì thay thế được vai trò của nhà giáo, của khoa học giáo dục đối với sự phát triển của giáo dục nước nhà và vị trí đặc biệt quan trọng với công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Thủ lĩnh ngành giáo dục đề nghị các nhà giáo khoa Tâm lý-Giáo dục, giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội khẩn trương nhưng không vội vã, chắc chắn nhưng không trì trệ, ngay lập tức triển khai công việc đổi mới căn bản và toàn diện hoạt động của trường ĐH Sư phạm Hà Nội, là động lực để đổi mới giáo dục chung của đất nước. Và, hy vọng những thế hệ học trò của NGND Nguyễn Lân sẽ phát huy truyền thống, sức mạnh của mình đóng góp thiết thực, cụ thể vào đội ngũ chung của ngành giáo dục trong hiện tại và tương lai.