Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Hà Văn Tấn: Cả cuộc đời cống hiến cho khoa học

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 21 giờ ngày 27/11/2019, Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Hà Văn Tấn trút hơi thở cuối cùng sau thời gian dài lâm bệnh. Ra đi ở tuổi 83 nhưng GS Hà Văn Tấn có hơn 60 năm để cống hiến cho khoa học nói chung và khảo cổ học nói riêng. GS Hà Văn Tấn đã truyền lại cho học trò cả nước những kiến thức, giá trị học thuật quý báu.

Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân (ngồi) trong buổi lễ trao bằng tiến sĩ Lịch sử khóa I. Ảnh: Viện Khảo cổ học
Tổn thất lớn của ngành khoa học
Tối 27/11, trên mạng xã hội, PGS.TS Bùi Văn Liêm – Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam đăng dòng tin thông báo: “GS.NGND Hà Văn Tấn đã mất lúc 21 giờ ngày 27/11/2019”. Nhiều học trò của GS Hà Văn Tấn đã bất ngờ, bày tỏ sự tiếc thương trước sự ra đi của thầy dưới dòng thông báo trên. Sáng 28/11, trong một sự kiện được tổ chức tại Viện Khảo cổ học Việt Nam, cán bộ, nhân viên, sinh viên và các học trò đã dành một phút tưởng niệm người thầy đáng kính của mình. Những sinh hoạt học tập, nghiên cứu về khảo cổ vẫn diễn ra, người đứng lớp giảng dạy cho thế hệ học sinh bây giờ chính là những học trò của GS Hà Văn Tấn trước đây.
Trong cuộc đời của mình, GS.NGND Hà Văn Tấn là tác giả của hàng trăm cuốn sách, công trình nghiên cứu về lịch sử. Trong đó có thể kể đến 3 tập “Khảo cổ học Việt Nam” do ông làm chủ biên xuất bản từ năm 1998 – 2002; “Theo dấu các văn hóa cổ” xuất bản năm 1997; “Sự sinh thành Việt Nam”, “Making of Việt Nam”, “La Fomation Du Vietnam”…
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Bùi Văn Liêm – Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học chia sẻ: GS.NGND Hà Văn Tấn dành cả đời làm công tác khoa học, quản lý. Ông nguyên là cán bộ giảng dạy Khoa Lịch sử Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học xã hội và nhân văn). Năm 1988, ông được điều động làm Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ học. Chính vì vậy, ngoài việc đóng vai trò giảng dạy, đào tạo, là thầy của nhiều thế hệ học trò, ông còn dành thời gian nghiên cứu sâu về khảo cổ, lịch sử, văn hóa.
Ông dành cả cuộc đời phụng sự cho khoa học, truyền dạy cho học trò cũng như công tác quản lý. GS Hà Văn Tấn cũng là người đã tiếp bước, phát triển kiến thức của những người thầy như: GS Đào Duy Anh, GS Trần Văn Giàu. Ông cũng là người duy nhất đọc được chữ Phạn cổ của Việt Nam. Những đóng góp của GS.NGND Hà Văn Tấn là rất cơ bản, sự ra đi của ông là tổn thất lớn của ngành khoa học, các thế hệ học trò và cả nước.
Tấm gương sáng vẫn còn đó
Là một trong những học trò của GS.NGND Hà Văn Tấn, cán bộ Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội Bùi Thu Phương có nhiều kỷ niệm với người thầy, khi ông giữ chức Viện trưởng Viện Khảo cổ học. “GS Hà Văn Tấn là thầy giáo, là thủ trưởng trong những năm đầu tiên chập chững bước vào nghề. Thầy dạy tôi những tiết học Xác suất thống kê ở trường đại học và là người Viện trưởng tổ chức kỳ thi tuyển biên chế đầu tiên của Viện Khảo cổ học, trong đó tôi có dự thi. Sau này về Viện, phòng làm việc của tôi ngay sát vách phòng Viện trưởng. Thực lòng mà nói ngày ấy, tôi sợ nhất cái hành lang bé sau ngách hội trường. Sợ mỗi lần bước ra sẽ chạm mặt thầy, với thái độ lạnh lùng. Nhưng sau này tôi hiểu được cái lạnh ấy chỉ là vẻ bên ngoài, thầy rất yêu quý học trò và nhân viên đồng nghiệp” - chị Phương chia sẻ.
Theo nhiều nhà nghiên cứu khảo cổ học, họ học được ở GS.NGND Hà Văn Tấn những giá trị cốt lõi của làm nghề. “Thầy Tấn luôn kêu gọi khảo cổ học phải thực sự khách quan, cập nhật. Thầy cũng nhìn ra những nguy cơ của khảo cổ học Việt Nam, đó là chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Bên cạnh đó, thầy luôn quan tâm đến sự phối hợp liên ngành của khảo cổ học, từ phương pháp khoa học tự nhiên như toán học, tin học… để đưa vào các chương trình giảng dạy” - PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung cho biết.
Trò truyện với các nhà khảo cổ học, nhiều người cho biết, GS Hà Văn Tấn bị ốm khi đang ở tuổi 60, khiến thầy không thể phát huy hết trí tuệ của mình trong nghiên cứu khảo cổ. Mặc dù vậy, GS Hà Văn Tấn đã có nhiều nhận xét, góp ý cho sinh viên, học trò. PGS Lâm Thị Mỹ Dung cũng chia sẻ: "Khi GS Hà Văn Tấn bị ốm, các học trò vẫn cảm nhận được tình cảm từ người thầy cho dù ông không nói được. Có một lần, tôi đến và ngỏ lời hát cho thầy nghe bài "Người con gái sông La" vì thầy ở Hà Tĩnh, khi hát thầy khóc, đó như một ngôn từ lắng đọng của người ta với nhau như tình cảm giữa thầy và trò. Niềm mong mỏi của thầy là làm sao cho khảo cổ học Việt Nam trở thành một khoa học tiên tiến, hiện đại, cập nhật với trình độ quốc tế, thực sự đóng góp cho sự phát triển đất nước”.