Dù biết GS Phan Huy Lê bị bệnh nặng, nhưng khi được tin ông qua đời, tôi vẫn không khỏi cảm thấy bàng hoàng, tiếc thương, hẫng hụt.
Phan Huy Lê là người có vị trí đặc biệt trong nền sử học Việt Nam trong nửa thế kỷ qua bằng những đóng góp to lớn với hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học đồ sộ và có giá trị, bằng tâm thế và vị thế của người dẫn dắt các hoạt động nghiên cứu sử học nước nhà. Tên tuổi của GS Phan Huy Lê không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam, mà còn được giới khoa học quốc tế đánh giá cao. Ông là người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản trao tặng Giải thưởng quốc tế văn hóa châu Á Fukuoka (năm 1996); Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm (năm 2002), nhóm các Đại sứ quán, phái đoàn và tổ chức Pháp ngữ tại Hà Nội (GADIF) trao tặng cho ông Giải thưởng danh dự Pháp ngữ (năm 2014)…GS Phan Huy Lê được trân trọng và ngưỡng mộ không phải chỉ vì sự uyên bác của một trí tuệ hiếm biệt, mà còn vì tinh thần đổi mới và nhân cách sống và nhân cách khoa học của ông. Tinh thần đổi mới đó, với một nhận thức mới về lịch sử, có tính đột phá, đang được ông thể hiện một cách mạnh mẽ trong các công trình nghiên cứu lịch sử gần đây, nhất là bộ quốc sử Lịch sử Việt Nam mới do GS Phan Huy Lê làm chủ biên.Cùng với những đóng góp to lớn đối với nền sử học của Việt Nam trong nửa thế kỷ qua, GS Phan Huy Lê còn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đối với Hà Nội. Không chỉ đối với những vấn đề liên quan đến lịch sử của Thăng Long – Hà Nội, mà còn đối với những vấn đề thời sự của đời sống tinh thần, văn hóa Hà Nội ngày hôm nay, GS Phan Huy Lê vẫn luôn có những đóng góp rất có ý nghĩa và thiết thực. Đó là những ý kiến quý báu của ông về việc khai quật di tích Hoàng thành Thăng Long để giữ gìn và phát huy giá trị của di sản quốc gia đặc biệt này. Ông có nhiều công lao trong quá trình hoàn chỉnh bộ hồ sơ có sức thuyết phục để UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới. GS Phan Huy Lê luôn có ý kiến đầy sức thuyết phục về việc đặt các tên phố ở Hà Nội. Và chính ông đã đưa ra nhiều kiến giải để góp sức cùng lãnh đạo Hà Nội giải quyết thỏa đáng các vấn đề liên quan đến bảo tồn và phát triển khi xây dựng các công trình ở Thủ đô.Tôi rất may mắn và vinh dự được làm việc với GS Phan Huy Lê trong hai Hội đồng liên quan đến Hà Nội. Thứ nhất là Hội đồng Tư vấn khoa học về bộ sách 1000 năm Thăng Long gồm hàng trăm tập dày tới hàng chục vạn trang. Bộ sách này là công trình đồ sộ rất có ý nghĩa, được thực hiện vào thời điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hội đồng Tư vấn khoa học này do GS Vũ Khiêu làm Chủ tịch và tôi được phân công làm Phó Chủ tịch. Trong các phiên họp của Hội đồng, bao giờ GS Phan Huy Lê cũng đưa ra những ý kiến rất xác đáng. Bộ sách lớn này đã hoàn thành giai đoạn 1 có sự đóng góp quan trọng của GS Phan Huy Lê.Hội đồng thứ hai mà tôi được tham gia cùng GS Phan Huy Lê là Hội đồng “Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội” gồm 5 thành viên (GS Phan Huy Lê, Nhà thơ Bằng Việt, KTS Hoàng Đạo Kính, Phó Tổng giám đốc TTXVN Ngô Hà Thái và tôi) để hàng năm chọn ra những con người, tác phẩm, việc làm xuất sắc nhất và ấn tượng nhất thể hiện tình yêu Hà Nội. Với tác phong làm việc kỹ lưỡng, cẩn thận và nghiêm túc, bao giờ ý kiến của GS Phan Huy Lê cũng có sức thuyết phục và sức nặng nhất với các thành viên trong Hội đồng. Tôi nhớ, các phiên họp của Hội đồng thường diễn ra vào cuối ngày làm việc, bao giờ GS Phan Huy Lê cũng là người đến sớm nhất. Giải thưởng này đã đi qua gần 10 năm và ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần bồi đắp các giá trị cao quý của Thăng Long - Hà Nội và làm đẹp, phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của Hà Nội hôm nay.Trong thời gian tôi làm Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, trước những vấn đề liên quan đến lịch sử, văn hóa của Hà Nội có yếu tố phức tạp và nhạy cảm (Đàn Xã Tắc, Làng cổ Đường Lâm, nút giao Văn Cao - Hoàng Hoa Thám, đường 19/12…) hay các vấn đề tiên quan đến bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa như Hoàng thành Thăng Long, thì tôi và các lãnh đạo TP cũng tham vấn, xin ý kiến GS Phan Huy Lê và bao giờ cũng được ông tận tình, đóng góp ý kiến theo hướng giải quyết rất thỏa đáng những khúc mắc. Thậm chí, nhiều hôm GS Phan Huy Lê chủ động trao đổi với tôi, lưu ý một số vấn đề về văn hóa, lịch sử của Thủ đô mà bản thân tôi chưa đủ thông tin cũng như chưa đủ hiểu biết để xử lý. Qua những lần như vậy, tôi thực sự nhận thấy GS Phan Huy Lê là một nhà khoa học có nhân cách lớn, có khả năng bao quát những vấn đề vĩ mô, có tầm vóc chiến lược nhưng đồng thời cũng quan tâm những vấn đề rất cụ thể, đưa ra những ý kiến rất thiết thực và sâu sắc. Chính vì có những đóng góp quan trọng đó, nên GS Phan Huy Lê đã được vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú trong đợt đầu tiên đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010).Bây giờ ông đã mãi mãi đi xa, nhưng trong tôi vẫn in đậm dáng hình nho nhã, phong thái thi thư, điềm tĩnh, giọng nói trầm ấm và nụ cười đôn hậu của ông. Người Hà Nội rất nhớ ông, một nhà sử học lớn, một nhân cách văn hóa với một tinh thần không ngừng đổi mới và với một tình yêu Hà Nội thiết tha!
Hà Nội đêm 24/6/2018
Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội