Tuy nhiên, để phát huy tối đa năng lực của ĐSĐT, TP Hà Nội cần có giải pháp căn cơ cho kết nối giao thông tĩnh dọc các tuyến tàu điện.
Thiếu trầm trọng chỗ gửi xeTuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông vừa được đưa vào vận hành khai thác thương mại từ ngày 6/11. Nhiều người dân Hà Nội đã ngay lập tức lựa chọn loại hình vận tải công cộng hiện đại này để đi lại do không bị ảnh hưởng của UTGT. Tuy nhiên, song hành với sức hấp dẫn, một số vấn đề lại nảy sinh khiến không ít người dân bối rối. Một trong số đó là thiếu các điểm trông giữ xe cá nhân phục vụ hành khách đi tàu.Chị Nguyễn Thị Linh, trú tại Phú Lãm (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Từ nhà tôi ra ga Văn Khê khoảng 1,5km, đi bộ thì mất nhiều thời gian, đi xe máy, xe đạp ra lại không có chỗ gửi. Hai hôm nay, để có thể đi tàu đi làm, tôi phải nhờ người đưa ra ga, những lúc không nhờ được, tự đi xe máy sẽ không biết gửi vào đâu”.
Chị Linh cũng chia sẻ, quãng đường đi làm bằng xe máy chỉ mất 30 phút, trong khi sử dụng tàu điện thì đi bộ đã mất chừng ấy thời gian. Muốn tiết kiệm thời gian cho hành khách trong khâu trung chuyển đến ĐSĐT, TP Hà Nội nên bố trí các điểm trông giữ xe máy ổn định.Tương tự, anh Nguyễn Văn Trung (Khương Thượng, Đống Đa) cho biết, muốn tiếp cận tuyến ĐSĐT số 2A, anh phải đi xe máy đến nhà ga Láng. Nhưng vì không tìm được chỗ gửi xe nên anh buộc phải đi thẳng xe máy đến chỗ làm. Có hôm muốn đi tàu điện, anh Trung đi bộ mất 20 phút từ nhà đến ga Láng.
“Tôi đã đi thử, tàu điện chạy rất nhanh, thông thoáng chỉ hơi bất tiện vì ở các nhà ga không có chỗ gửi xe. Vào mùa Hè nóng nực hoặc khi trời mưa to chắc hẳn sẽ có nhiều người ngại đi bộ đến nhà ga nếu quãng đường quá xa” - anh Nguyễn Văn Trung chia sẻ.Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, việc bố trí các điểm trông giữ xe cho người dân dọc tuyến ĐSĐT số 2A do Sở GTVT tổ chức, hướng dẫn. “Phía công ty đang cho mượn sảnh B, tầng 1, nhà ga Cát Linh để làm điểm trông giữ xe miễn phí trong 15 ngày đầu vận hành. Sau đó, khu vực này sẽ được sử dụng làm khu dịch vụ, thương mại” - vị này cho hay.Đơn vị chủ trì, tổ chức các điểm trông giữ xe cho người dân quanh tuyến ĐSĐT số 2A - Sở GTVT Hà Nội đã có đánh giá về vấn đề giao thông tĩnh kết nối với ĐSĐT. Theo nhận định của Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đỗ Việt Hải, vừa qua, đã xuất hiện tình trạng nhiều cá nhân lập bãi xe tự phát “chặt chém” phí gửi xe của hành khách cao gấp nhiều lần quy định, gây phản cảm, bức xúc đối với người dân. Tuy Sở GTVT đã nhanh chóng xử lý đối với các trường hợp vi phạm, nhưng nhu cầu gửi xe của người dân cũng cần sớm được giải quyết.Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 10 đoạn tuyến ĐSĐT. Nhu cầu kết nối giao thông tĩnh cho cả 10 đoạn tuyến này là không hề đơn giản. Nếu không sớm có sự chuẩn bị và các giải pháp căn cơ, bài bản ngay từ bây giờ, rất có thể những tuyến ĐSĐT khác trong tương lai cũng sẽ gặp vấn đề tương tự.Chuẩn bị trước điều kiện kết nốiBất cập trong công tác tổ chức giao thông tĩnh kết nối với ĐSĐT đã bộc lộ ít nhiều trong những ngày qua khi tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành, khai thác.
Để trang bị những thông tin thiết yếu cho hành khách sử dụng ĐSĐT, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đã phát miễn phí hàng nghìn “Sổ tay hướng dẫn đi tàu”. Trong đó có danh sách 12 điểm trông giữ xe cho hành khách tuyến ĐSĐT số 2A. Nhưng trên thực tế, một số điểm được gợi ý trong sổ tay lại không nhận trông giữ xe như điểm: Cây xăng Văn Khê; Trường THCS Văn Khê (Hà Đông); Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong (Đống Đa). Có điểm như tại tòa nhà Viam số 12 Hoàng Cầu, bên cạnh ga La Thành nhận trông giữ thì giá vé xe máy lại lên đến 10.000 đồng/lượt đối với người gửi xe đi tàu.Trước tình hình đó, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản đề nghị UBND các quận: Đống Đa; Thanh Xuân; Nam Từ Liêm; Hà Đông và Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội phối hợp rà soát, đề xuất các vị trí để xe đạp, xe máy tạm thời dưới gầm cầu thang lên, xuống; Những vị trí dưới lòng đường, vỉa hè theo chỉ đạo của UBND TP để phục vụ người dân đi tàu Cát Linh - Hà Đông.Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, phải đến khi phát sinh bất cập, Sở GTVT Hà Nội mới đề nghị rà soát là quá muộn. TS giao thông đô thị Đặng Minh Tân cho hay: “ĐSĐT là xương sống của giao thông đô thị. Bởi vậy mọi điều kiện tốt nhất phải được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo trước khi mỗi tuyến tàu điện vận hành. Hà Nội có đặc thù khác với nhiều đô thị trên thế giới là lượng xe máy quá đông. Người dân cần có nơi gửi xe để tiếp cận ĐSĐT”.Nhiều ý kiến còn lo ngại, trong năm 2022, khi đoạn tuyến ĐSĐT Nhổn - Cầu Giấy đi vào vận hành, liệu có xảy ra tình trạng mất kết nối giao thông tĩnh cục bộ như hiện nay. TS Đặng Minh Tân nhận định: “Với các tuyến ĐSĐT còn lại, Hà Nội cần rà soát quy hoạch, điều chỉnh, bổ sung ngay quỹ đất dành cho giao thông tĩnh. Nếu đã có và bị lấn chiếm phải thu hồi, bảo vệ hiện trạng, tránh những hệ luỵ, bất cập phát sinh khi ĐSĐT đi vào hoạt động”.Đối với những vị trí nhà ga ĐSĐT ngay từ đầu khi quy hoạch đã thiếu điểm trông giữ xe, chính quyền các địa phương phải phối hợp chặt chẽ với sở, ngành liên quan để tính toán, ưu tiên bố trí, nhằm phục vụ tốt nhất cho hành khách, tạo sức hút tối đa cho ĐSĐT. Mặt khác, người dân cũng cần chia sẻ khó khăn, đồng hành xây dựng văn hóa giao thông văn minh, hiện đại với ĐSĐT. Một hành động thiết thực là người dân dần quen với việc đi bộ để tiếp cận các nhà ga ĐSĐT; hoặc sử dụng xe buýt để đến các nhà ga, cũng như từ ga đi công sở, trường học…
"Chúng tôi mong muốn tạo thành thói quen hoàn toàn sử dụng giao thông công cộng dần từ bỏ xe cá nhân ở mỗi người dân để góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường." - Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường |