Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giao thừa của hành khách chưa về đến nhà

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để giảm bớt cảm giác lẻ loi vào lúc đón giao thừa, anh có ý định sẽ bật radio cho mọi người cùng nghe bài hát Happy New Year.

KTĐT - Để giảm bớt cảm giác lẻ loi vào lúc đón giao thừa, anh có ý định sẽ bật radio cho mọi người cùng nghe bài hát Happy New Year và những tiếng nổ tí tách của pháo hoa vì "đêm nay chắc cũng không ai ngủ được".

"Tôi sẽ mở radio để mọi người cùng nghe âm thanh pháo hoa, cùng nhau trò chuyện, giảm bớt cảm giác lẻ loi trong thời khắc chuyển sang năm mới", khởi hành đi Tuy Hòa lúc 7h30 tối 30 Tết, anh Nguyễn Văn Trọng tâm sự.

Dù gần 20h mới bắt đầu lên xe về Tuy Hòa, nhưng từ 16h, anh Trọng đã có mặt tại bến xe Miền Đông với túi hành lý sẵn sàng. Đây cũng là năm đầu tiên anh đón giao thừa trên xe khách. "Xung quanh lại toàn những người xa lạ, không có bánh chưng xanh, không được quây quần bên mâm cỗ tất niên cùng gia đình nhận lời chúc mừng năm mới của người thân, tôi cảm thấy cái Tết này chưa trọn vẹn với mình", anh chia sẻ.

Để giảm bớt cảm giác lẻ loi vào lúc đón giao thừa, anh có ý định sẽ bật radio cho mọi người cùng nghe bài hát Happy New Year và những tiếng nổ tí tách của pháo hoa vì "đêm nay chắc cũng không ai ngủ được".

Đặt vé đi Nha Trang 8h tối 13/2, chị Trịnh Thị Nhung giọng buồn bã: "Dãy phòng trọ vắng hoe, một mình đứng ngồi không yên, cho nên tôi đã đến bến xe sớm hơn 2 giờ đồng hồ. Nhưng nhìn quang cảnh bến xe đìu hiu càng khiến tâm trạng những người về quê muộn như tôi tủi thân hơn". Người phụ nữ gần 30 tuổi này tự nhủ năm sau sẽ cố gắng về sớm hơn để sum họp với gia đình vào trước đêm giao thừa.

Do tranh thủ làm thêm những ngày giáp Tết để có tiền mua quà cho gia đình và các em nên An, sinh viên Đại học Công Nghiệp TP HCM đón chuyến xe cuối cùng trong ngày. Giờ khởi hành về Đà Lạt khá muộn, lúc 21h tối 30 Tết, nên An sẽ có mặt ở quê vào khoảng 5h sáng mùng Một. Năm mới thêm tuổi mới, An cho biết khoảng thời gian ngồi trên xe đón thời khắc giao thừa, bạn sẽ ngẫm lại những việc được mất năm qua để rút kinh nghiệm cho bản thân trong thời gian tới.

Giao thừa của hành khách chưa về đến nhà - Ảnh 1
Hành lý về quê còn có cành mai vàng làm quà. Ảnh: B.H.

Trong khi đó, bác Trung đón chuyến tàu cuối năm ở ga Sài Gòn để về Hải Dương vui vẻ nói: "Nhờ đi chuyến tàu muộn mà tôi có dịp hít thở không khí Tết ở cả ba miền Nam, Trung, Bắc". Chưa kể quãng đường ra ga gần 10 km mà theo bác: "Tạo cảm giác lâng lâng khó tả khi chứng kiến đường phố, người dân Sài Gòn chuẩn bị đón không khí giao thừa".

Còn chị Thu, với lộ trình dừng ở Đà Nẵng không giấu cảm giác hồi hộp khi đồng hồ sắp dịch chuyển sang số 11, tức thời điểm tàu khởi hành. Chị nhẩm tính khoảng trưa mai đã có thể về đến nhà sum họp với mọi người.

Tại Bến xe miền Đông, các chuyến xe đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc như: Tuy Hòa, Sông Cầu, Sông Hinh, Sơn Hòa, Quảng Ngãi, Đà Lạt, Nha Trang, Hà Nội, Nam Định... khởi hành chuyến cuối cùng năm Kỷ Sửu trong khoảng thời gian 6-9 tối 30 Tết. Nhiều điểm bán vé ở bến xe đã hết sạch vé, hẹn khách quay lại vào mùng 1, mùng 2 Tết.

Riêng ở ga Sài Gòn đêm cuối năm chỉ có duy nhất tàu SE4 khởi hành, dừng trả khách ở Nha Trang, Diêu Trì, Quảng Ngãi, Tam Kỳ, Đà Nẵng, Huế, Đông Hà, Đồng Hới, Vinh, Hà Nội.