Trước đó, một phụ huynh lớp 12A1 trường THPT Nguyễn Thị Diệu phản ánh, việc giáo viên chủ nhiệm kêu 6 em học sinh cùng lớp dùng ống nhựa đánh vào người 1 bạn ngay trước lớp vì lí do đi học muộn. Cô giáo này yêu cầu phải đánh mạnh, nếu ai đánh nhẹ phải làm lại.
Được biết, em học sinh bị đánh cũng thường hay đi học trễ và có một số vi phạm nội quy.
Sau khi xảy ra vụ việc, tối 14/5, phụ huynh học sinh bị đánh đã gọi điện thông báo với Ban Giám hiệu nhà trường.
Liên quan đến vụ việc, cô Lê Thị Minh Hà - Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Diệu, xác nhận sự việc đúng như phản ánh của phụ huynh.
Theo bà Hà, ngày 13/5 là ngày kiểm tra thông tin đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Dù đã được nhắc nhở nhưng học sinh vẫn đến lớp muộn, giáo viên không kiểm tra được hồ sơ.
“Sau sự việc, tối 14/5, phụ huynh của học sinh bị đánh đã gọi điện phản ánh với Ban Giám hiệu. Hiện nhà trường ưu tiên ổn định tâm lý cho học sinh vì các em chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, đồng thời yêu cầu giáo viên làm bản tường trình để có căn cứ xử lý. Học sinh bị đánh vẫn đến trường ôn tập bình thường” - cô Lê Thị Minh Hà cho biết.
Giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 cũng nhận được lỗi sai của mình và chấp nhận mọi hình thức kỷ luật mà nhà trường đưa ra.
"Cô giáo thừa nhận hành động của mình là sai và chấp nhận mọi hình thức xử lý. Cô đã công tác ở trường hơn 10 năm, chuyên môn vững", bà Hà nói. "Cô giáo dự kiến gặp và xin lỗi phụ huynh vào ngày mai" - cô Hà cho biết thêm.
Theo cô Hà, Ban Giám hiệu sẽ cùng giáo viên chủ nhiệm lớp đến gặp phụ huynh để xin lỗi về sự việc xảy ra. Đồng thời, nhà trường sẽ phân công giáo viên thay thế từ ngày 20/5.
Gần đây, trên một trang mạng xã hội xuất hiện một video dài hơn 9 quay cảnh một nữ sinh liên tục bị nhóm bạn 3-4 người thay nhau lao vào túm tóc, đấm, tát, đạp lên người và mặt, ngay tại lớp học. Một em còn dùng ghế nhựa, chai nước đánh vào đầu nữ sinh. Một số em khác đứng xem, cổ vũ.
Nữ sinh bị đánh quỳ gối, liên tục xin lỗi, nhận sai và xin tha nhưng nhóm bạn vẫn không dừng tay.
Được biết, vụ việc xảy ra tại trường THCS Tân Phú (phường Tân Phú, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh).
Liên quan đến vụ việc ngày 15/4, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức, xác nhận sự việc xảy ra tại trường THCS Tân Phú, cách đây khoảng 2 tuần.
Có thể nói, bạo lực học đường đang ngày càng gia tăng tại nhiều địa phương trong cả nước. Điều này không chỉ xảy ra đối với học sinh nam mà còn cả ở học sinh nữ. Bên cạnh đó, còn có bạo lực giữa giáo viên với học sinh khiến cho nhiều em học sinh cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp.
Theo một số chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường như ảnh hưởng từ môi trường gia đình và xã hội, từ phim ảnh, các trò chơi trên mạng, về tâm, sinh lý lứa tuổi. Đặc biệt là từ công tác tuyên truyền pháp luật trong trường học còn hạn chế…
Vì vậy, giải quyết bạo lực học đường không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành giáo dục, mà còn cần có sự quan tâm, tham gia của gia đình, sự phối hợp, vào cuộc của các cấp chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và của toàn xã hội nhằm tạo một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện,