Đủ việc không tênTrong khi các cấp học khác đều định biên rõ ràng số tiết lên lớp của GV, thì với các cô giáo MN, giờ giấc làm việc không theo một khung cố định nào. Quy định làm việc 8 tiếng/ngày, thực tế hầu như GV MN làm việc trên 10 tiếng/ngày để chăm sóc trẻ, đổi lại đồng lương lại không tương xứng với ngần ấy giờ làm.
Chứng kiến một ngày làm việc của cô giáo Nguyễn Thị Hòa, GV trường MN thị trấn Ứng Hòa (huyện Ứng Hòa), mới hiểu về sự vất vả của người làm bảo mẫu. Có mặt ở lớp từ 6 giờ 30 phút sáng mỗi ngày với hàng loạt công việc như vệ sinh lớp, kiểm tra đồ dùng, đồ chơi, đón trẻ, triển khai các hoạt động của một ngày chăm sóc, giáo dục trẻ… đến 17 giờ 30 phút mới cơ bản xong việc. “Nhiều hôm chúng tôi phải ở lại đến 8 giờ tối để làm đồ dùng dạy học, trang trí lớp (lễ tết, khai giảng) cùng vô số việc “không tên” khác" - cô Hòa chia sẻ. Vậy nhưng 12 năm nay, trong đó có 7 năm là viên chức, thu nhập hằng tháng của cô vẫn chỉ 4 triệu đồng.
|
Cô Nguyễn Thị Hương - Giáo viên trường Mầm non thị trấn Ứng Hòa - Hà Nội tết tóc cho học sinh. Ảnh: Thu Anh |
Hiệu trưởng trường MN thị trấn Ứng Hòa Nguyễn Thị Hường cũng cho biết, nhiều GV của trường, trong đó có những cô giáo đã 36, 37 năm gắn bó với trẻ, nhưng thu nhập luôn khiến các cô chạnh lòng. Thời gian làm việc mỗi ngày kéo dài 10 tiếng, không chỉ là cho trẻ ăn, ngủ, học, mà còn tranh thủ giờ nghỉ trưa để chuẩn bị đồ dùng dạy học, tối muộn về nhà vẫn còn phải làm đồ dùng, đồ chơi… “Đặc thù của cấp MN, không chỉ dạy mà còn chăm sóc các con từ việc nhỏ nhất như đón trẻ, cưng nựng trẻ, chăm ăn, ngủ... GV lại còn đối mặt với rất nhiều áp lực, ví như chỉ một xây xước nhỏ của con, có thể sẽ bị phụ huynh phản ứng...” – cô Hường tâm sự. Sau 6 năm gắn bó với nghề, cô Đinh Thị Xuân Thúy, GV trường Mẫu giáo số 5 (quận Ba Đình) cũng thừa nhận, tổng thu nhập chỉ vẻn vẹn 4 triệu đồng/tháng, trong đó có 3,5 triệu đồng tiền lương và 500.000 đồng do nhà trường hỗ trợ.
Lương chưa đảm bảo cuộc sốngTheo Quyết định số 61/2005/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ, từ năm 2005, GV MN được xếp theo 3 ngạch, trong đó, người có bằng trung cấp được xếp ngạch GV MN, có bằng cao đẳng ngạch GV MN chính, có bằng đại học được xếp ngạch GV MN cao cấp. Quyết định này giao Bộ GD&ĐT xây dựng tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức làm căn cứ để các địa phương tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Tuy nhiên, việc này hiện vẫn chưa được triển khai, hoặc mỗi nơi thực hiện một kiểu, nơi xếp ngạch theo bằng cấp, nơi không. Do đó có tình trạng, dù được đào tạo trình độ đại học, nhưng hầu hết GV MN mới ra trường vẫn chỉ được xếp lương ở bậc trung cấp, khởi điểm là 1,86.
Hiệu trưởng trường Mẫu giáo số 5 (quận Ba Đình) Nguyễn Huỳnh Thu Cúc cũng chia sẻ, việc yêu cầu về trình độ tin học, ngoại ngữ chỉ nên bắt buộc với GV mới ra trường. Đối với những GV có thâm niên, nhiều năm gắn bó với nghề thì cần có cơ chế đặc thù để họ có thu nhập xứng đáng, tạo động lực để tiếp tục cống hiến.
Hiệu trưởng trường MN thị trấn Ứng Hòa so sánh: "Trong khi các ngành học khác, GV được hưởng lương theo trình độ đào tạo, còn chúng tôi dù có bằng đại học hoặc cao đẳng cũng chỉ được xếp lương bằng bậc trung cấp. Từ năm học 2010 – 2011, GV MN mới được Nhà nước hỗ trợ chuyển ngạch lương bằng bậc lương tiểu học. Dù thêm được mỗi tháng vài trăm nghìn, cũng không thể đảm bảo được cuộc sống của GV”.
Chia sẻ những bất cập này, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho biết, để giải quyết những hạn chế trên, tháng 8/2017, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT quy định về việc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho GV MN. “Bộ cũng đã có hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức thi thăng hạng cho từng đối tượng GV, vừa để họ hoàn thiện trình độ, vừa tạo cơ hội để đội ngũ GV phát triển sự nghiệp, nâng mức thu nhập” – ông Tuấn chia sẻ. Tuy nhiên, quy định mà Bộ GD&ĐT đặt ra là GV nếu muốn được nâng hạng, phải có Chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ... không hề đơn giản, thậm chí thiệt thòi cho những GV đã có thâm niên công tác trên 20 – 30 năm.
Nhà nước cần có các giải pháp, chính sách để hỗ trợ, nâng mức lương hưu của GV mầm non. Với qui định, lương hưu GV mầm non không thấp hơn lương cơ sở 1,3 triệu đồng/tháng thì chỉ tương đương với qui định chuẩn nghèo, GV về hưu không đủ sống. Bà Nguyễn Thị Lan Hương Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và lao động
Phó trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam Đinh Thu Hiền:Lương hưu sẽ được điều chỉnh cao hơnCả nước có 3.228 người ở nhiều nhóm nghề khác có lương hưu thấp hơn 1,3 triệu đồng, vì thời gian đóng BHXH của nhóm đối tượng này ngắn (thường chỉ đóng BHXH từ tháng 1/1995 trở đi cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu mới chỉ đóng đủ 20 năm) nên tỷ lệ hưởng lương hưu chỉ khoảng 60%. Bên cạnh đó, mức đóng BHXH chủ yếu chỉ tính trên mức tiền lương tối thiểu chung nên lương hưu thấp (khoảng 60% của lương cơ sở). Từ ngày 1/1/2018, tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH sẽ gồm: Mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động. Như vậy, người lao động trong các DN, đơn vị nghỉ hưu sẽ nhận được mức lương hưu cao hơn. (Trần Nga ghi) |