Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giáo viên mầm non và xu hướng dạy trẻ tại nhà qua ứng dụng công nghệ

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sau đại dịch Covid- 19, nhiều giáo viên mầm non chối từ môi trường cố định là các trường mầm non hay nhóm lớp độc lập để chuyển sang làm giáo viên tự do. Công việc của các cô là tìm - nhận ca dạy phù hợp, sau đó đến tận nhà để dạy trẻ.

Bớt mặn mà với trường học cố định

Nếu như trước đại dịch, giáo viên mầm non chủ yếu hoạt động và làm việc ở các cơ sở mầm non (công lập/ngoài công lập/nhóm trẻ độc lập) thì hiện nay, nhiều giáo viên đã chuyển hẳn sang hình thức dạy tại nhà và tìm việc làm thông qua app (ứng dụng công nghệ).

Sau đại dịch Covid- 19, nhiều giáo viên mầm non có xu hướng chuyển hẳn sang làm giáo viên dạy tại nhà thay vì tại trường
Sau đại dịch Covid- 19, nhiều giáo viên mầm non có xu hướng chuyển hẳn sang làm giáo viên dạy tại nhà thay vì tại trường

“Thông báo ca làm khu vực Hồ Tây: Địa điểm là đường Lạc Long Quân, thời gian từ 15 giờ 30 - 17 giờ thứ 3-5-7, lương 252.000 đồng/buổi; yêu cầu giáo viên mầm non hoặc giáo viên có chứng chỉ giáo dục sớm, xây dựng và tổ chức hoạt động giáo dục sớm cho bé 11 tháng”.

Thông tin về “đơn” này được đăng trên một app về trông trẻ tại nhà. Vừa liếc đọc, chị Thu Hà- một giáo viên mầm non lập tức ấn nút đăng ký. Khi là người đăng ký đầu tiên, yêu cầu của chị Thu Hà được phía trung tâm ghi nhận. Trường hợp đã có hồ sơ từ trước tại trung tâm, quản lý sẽ gọi cho chị để trao đổi; còn chưa có hồ sơ, chị sẽ được cho lịch hẹn để mang hồ sơ bao gồm giấy tờ tùy thân, hộ khẩu, minh chứng học chuyên ngành giáo dục mầm non đến phỏng vấn, kiểm tra. Qua bước này, nếu phù hợp, hai bên ký hợp đồng giao- nhận việc; đồng thời thống nhất kế hoạch, chương trình dạy hoặc chăm sóc trẻ theo yêu cầu của phụ huynh.

Tìm ca dạy và tìm giáo viên thông qua app là hình thức mới mẻ được ra đời trong và sau đại dịch Covid- 19. Theo Trông trẻ Pro (Hệ thống Giáo dục Mẹ yêu con)- một đơn vị chuyên về dịch vụ kết nối gia đình với giáo viên trông và dạy trẻ tại nhà thì sau đại dịch Covid- 19, có khoảng 60- 70% giáo viên mầm non từng hợp tác với đơn vị này tiếp tục ở lại, trong số đó có nhiều cô từng có nhiều năm dạy tại các trường/cơ sở mầm non.

Có hai hình thức dạy-chăm sóc trẻ tại nhà phổ biến là dịch vụ bảo mẫu và dịch vụ giáo dục sớm. “Bảo mẫu khác với người giúp việc, nghĩa là cô sẽ thực hiện mọi phần việc liên quan đến đứa trẻ bao gồm hướng dẫn trẻ, chơi với trẻ, tắm cho trẻ, cho trẻ ăn… theo yêu cầu của phụ huynh. Bảo mẫu không thực hiện các phần việc như nấu ăn, giặt giũ hay lau nhà... cho gia đình trẻ”- cô Nguyễn Thu Nga, một giáo viên mầm non thực hiện dịch vụ bảo mẫu cho biết.

Theo cô Nga, cô thực hiện công việc bảo mẫu đến nay đã bước vào tháng thứ 5. “Trong giai đoạn giãn cách xã hội, qua một ứng dụng trông trẻ trên mạng, em được kết nối với công việc này. Ban đầu thấy cũng hơi khó khăn cộng một chút mặc cảm do trước đây em dạy ở trường, bên cạnh luôn có các đồng nghiệp hỗ trợ nhưng sau thời gian dài thất nghiệp do Covid-19, em quyết định làm quen với nghề bảo mẫu. Khi quen việc, em thấy công việc này khá ổn. Riêng về thu nhập, lương bảo mẫu cao hơn lương giáo viên dạy tại trường"- cô Nga nói.

Nếu bảo mẫu, thời gian có mặt ở nhà phụ huynh khá sớm, từ 7 giờ 30- 17 giờ 30 thì dịch vụ giáo dục sớm sẽ dạy theo ca (1,5-3 tiếng/ca). Đối tượng học sinh của loại hình này thường là trẻ dưới 3 tuổi. Theo chị Trần Diệu Anh, nhân viên Trông trẻ Pro thì, với dịch vụ trông trẻ tại nhà, kỹ năng giáo tiếp, ứng xử của giáo viên vô cùng quan trọng vì khi cô đã đến nhà phụ huynh, phía trung tâm không thể cử người đi cùng để giám sát, hỗ trợ nếu xảy ra sự cố. Hơn nữa, giáo viên nhận dịch vụ này cũng có yêu cầu cao về trình độ để đáp ứng được yêu cầu của phụ huynh.

Dạy tai nhà đề cao tính cá nhân hóa của từng cô giáo. Nhiều cô cho hay, mình quyết định lựa chọn làm giáo viên dạy tại nhà vì lương cao hơn, áp lực ít hơn, ca làm việc ngắn (nếu nhận theo ca), thời gian thoải mái, có thể nhận ca làm thêm để tăng thu nhập. Điều cơ bản của dịch vụ này là phụ huynh rất nhẹ nhàng, tôn trọng và hết sức tạo điều kiện cho cô giáo.

Đời sống vẫn khó khăn

Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, lương tính theo ngày của giáo viên dạy tại nhà có cao hơn dạy tại trường nhưng không đồng nghĩa là ổn định hơn mà ngược lại, đời sống của giáo viên mầm non dạy tại nhà vẫn rất khó khăn.

Nguyên nhân do giáo viên mầm non dạy tại nhà chỉ làm việc bán thời gian/dạy theo ca/nhận ca đơn lẻ theo ngày thì kết thúc thời gian dạy theo thỏa thuận sẽ chỉ được thanh toán tiền lương và hầu hết không được đóng bảo hiểm xã hội bởi không ký hợp đồng lao động cố định.

Nhiều giáo viên mầm non cho biết, dạy tại nhà giúp các cô thoải mái và có thu nhập cao hơn (ảnh minh họa)
Nhiều giáo viên mầm non cho biết, dạy tại nhà giúp các cô thoải mái và có thu nhập cao hơn (ảnh minh họa)

Giáo viên dạy tại nhà thoải mái, giảm áp lực nhưng chỉ có thu nhập cao khi chịu khó, có chuyên môn và nhận nhiều ca dạy. Tuy thế, không phải cô nào cũng nhận được ca dạy đều đặn, thường xuyên nên cuộc sống của nhiều cô giáo vẫn bất ổn.

“Em đã đặt hồ sơ ở một trung tâm kết nối giáo viên mầm non dạy tại nhà nhưng số ca nhận được rất lác đác dẫn đến lương không đủ sống. Ngoài dạy tại nhà, em làm cả công việc bán hàng thuê để có thêm thu nhập. Hơn một năm nay, em không liên hệ đóng bảo hiểm do ngại thủ tục và không nguồn kinh phí”- cô Hà Mai Chi, giáo viên mầm non trú tại quận Nam Từ Liêm chia sẻ.

Còn cô Ngô Thu Thủy- trước đây là giáo viên mầm non tại một hệ thống ngoài công lập khá nổi tiếng. Sau đại dịch, do hệ thống dừng hoạt động gần 1 năm nên chủ đầu tư đã buộc phải đóng cơ sở của cô. Lo ngại tình cảnh thất nghiệp kéo dài, cô quyết định không dạy ở trường mà chuyển qua hình thức tự làm, tự liên hệ, làm thật nhiều ca để tăng thu nhập. Tuy thế, sau khi đăng tin rồi chờ mãi không có đơn phù hợp, cô đành qua trung tâm nhờ kết nối và chấp nhận mất phí trung gian. Cô Thủy thừa nhận nghề giáo viên mầm non tự do như cô hiện nay không ổn định, khó có đời sống khấm khá nhưng đổi lại, cô thấy thoải mái và dành được nhiều thời gian để chăm sóc con nhỏ của mình.

Trong khi các trường mầm non công lập/tư thục vẫn quay cuồng giải bài toán thiếu giáo viên, liên tục phát đi thông báo tuyển dụng giáo viên với các chính sác ưu đãi về lương, thưởng hay nhiều chương trình du xuân, nghỉ mát… hấp dẫn nhưng khá nhiều giáo viên đã và đang hài lòng với nghề giáo viên tự do và chưa có ý định ứng tuyển vào các đơn vị trường cố định. Thu nhập thấp, đời sống khó khăn, tính chất công việc vất vả, nhiều áp lực, môi trường gò bó... là những lí do các cô lựa chọn và có xu hướng chuyển sang dịch vụ chăm sóc, nuôi dạy trẻ tại nhà.

 

Giáo viên mầm non là một nghề cao quý. Hiện phụ huynh ngày càng có tư duy, định hướng về nuôi dạy con theo phương pháp khoa học, hiện đại để phát huy hết tiềm năng của con, vì vậy yêu cầu về trình độ giáo viên ngày càng cao. Giáo viên phải có ý thức tự trau dồi năng lực chuyên môn, như vậy mới đáp ứng được yêu cầu công việc, không những vậy còn giúp cải thiện thu nhập- cô giáo mầm non Nguyễn Thị Phương Hoa.