Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giấy tờ giả vẫn “lọt cửa” công chứng

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, tình hình cá nhân, tổ chức sử dụng giấy tờ giả để công chứng diễn biến hết sức phức tạp.

Thông tin cho biết tại hội nghị tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho công chứng viên trên địa bàn TP do Hội đồng Phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) TP Hà Nội tổ chức sáng 24/5.

 Các công chứng viên thực hành kỹ năng phân biệt chữ ký giả.
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương - Phó Chủ tịch  Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP, năm 2018, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP đã công chứng 387.196 hợp đồng, giao dịch. Qua đó, đã giúp các cá nhân, tổ chức thực hiện các giao dịch về công chứng bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện, đúng quy định của pháp luật.
“Tuy nhiên, hiện nay, tình hình cá nhân, tổ chức sử dụng giấy tờ giả để công chứng diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là sử dụng các giấy tờ giả để thực hiện các hợp đồng, giao dịch tại các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP, dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro xấu trong hoạt động công chứng, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, DN có liên quan” - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương cho biết.
Tại hội nghị, đại úy Lê Thị Kim Tuyến - Đội trưởng Đội Giám định tài liệu, Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TP Hà Nội đã hướng dẫn kỹ năng phát hiện tài liệu giả trong hoạt động công chứng nhằm giúp các công chứng viên, lãnh đạo Phòng Tư pháp, Phòng TN&MT quận, huyện, thị xã nâng cao kỹ năng phát hiện tài liệu giả trong hoạt động công chứng, chứng thực; góp phần hạn chế tối đa nguy cơ tiềm ẩn rủi do xấu trong hoạt động công chứng, chứng thực trên địa bàn TP. Từ đó, góp phần làm cho các hoạt động công chứng, chứng thực ngày càng lành mạnh, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức tham gia công chứng, chứng thực.