Theo chân nhóm Thiện Tâm An trao chút quà cho các bé, tôi cũng muốn động viên: “Nín đi con”, mà không sao nói được thành lời.
Hội ngộ những ân tìnhChùa Thanh An (làng Yên Xá, huyện Thanh Trì, Hà Nội) yên bình, tĩnh lặng đến lạ. Khác với phố xá tấp nập, náo nhiệt cùng cuộc sống xô bồ ngoài kia, đặt chân đến chùa để trốn tiếng ồn ào của xe cộ, bụi bặm trần gian, để thả tầm mắt nhìn trời trong xanh, để ngắm những chồi non đang đâm chồi nảy lộc, để lắng đọng lòng mình sau những ngày làm việc mệt nhoài. Nhưng ý nghĩa hơn, đến chùa, để chứng kiến những việc thiện nghĩa ở đời, để trái tim hòa cùng nhịp đập với những khát khao, hy vọng, để trao nhau một chữ tâm, chữ tình cho những mảnh đời không may mắn. Từ nhiều năm nay, cứ sáng thứ Bảy hàng tuần, ở khoảng sân nhỏ trong chùa, những thành viên của nhóm thiện nguyện Thiện Tâm An cùng ngồi lại với nhau để lên kế hoạch cho hành trình hướng thiện của mình. Khoảng sân nhỏ ấy trở thành một gian bếp ấm cúng, nghĩa tình, với thực đơn hàng tuần là hàng trăm suất cơm, suất cháo, chè để trao tận tay bệnh nhân nghèo tại BV 103, BV K Tân Triều. Họ là người tứ xứ, đủ mọi lứa tuổi, già trẻ, gái, trai gặp nhau ở một tấm lòng để gieo chữ “tâm” cho đời.
Tôi gặp Nghĩa - câu bé đang học lớp 6, là thành viên bé tuổi nhất trong nhóm, em theo mẹ làm từ thiện từ nhiều năm nay, nhưng thời gian qua, mẹ bận, một mình em vẫn đều đặn đến chùa. Công việc của em là hỗ trợ các cô, chú trong nhóm Thiện Tâm An mang phiếu ăn, sách truyện đến từng buồng bệnh ở Khoa Nhi, BV K Tân Triều chia sẻ với những em nhỏ đang điều trị tại đây. Tôi đi cùng em từ chùa Thanh An đến BV, em không nói về mình nhiều, chỉ biết rằng, em rất yêu thích công việc này. Chị Trần Thu Hằng (công ty TTNH An Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng tham gia nhóm Thiện Tâm An từ nhiều năm nay. Đều đặn thứ Bảy hàng tuần, chị góp chút tấm lòng cùng nhiều thành viên của nhóm, nấu những nồi cơm, bát cháo, hộp chè mang đến cho bệnh nhân nằm viện. Chị bảo, tích một chữ tâm cho đời, mình không mất đi, mà được rất nhiều. “Chứng kiến những hoàn cảnh bất hạnh, khiến mình trân trọng và biết ơn hơn những gì mình đang có. Vì thế mình biết yêu cuộc sống hơn, biết tiết kiệm, biết san sẻ. Khi giúp đỡ ai đó, hơn cả vật chất là tình yêu thương, sự đoàn kết, đạo đức, giác ngộ” - chị bộc bạch.Nhóm Thiện Tâm An ra đời cách đây 3 năm, ban đầu chỉ có 5 chị em do chị Nguyễn Vũ Ngọc Bích khởi xướng. Vào dịp cuối tuần, họ tự nấu cơm, cháo, rồi mang những suất quà ân tình đến với bệnh nhân nghèo. Cái tâm, cái tình ấy cứ lan tỏa, nhân lên trong cộng đồng. Đến nay, nhóm có hơn 10 người là thành thành viên chính thức và gần 70 cộng tác viên cùng đồng lòng, rong ruổi trên chặng đường thiện nguyện. Với tâm niệm: “Hãy trao yêu thương khi còn có thể”, chị Nguyễn Vũ Ngọc Bích đã làm cầu nối kết duyên những tấm lòng hướng thiện tới những mảnh đời bất hạnh. “Hạnh phúc lắm khi sau mỗi buổi phát cơm, cháo, chúng tôi lại có thêm nhiều tấm lòng hảo tâm từ khắp mọi miền đất nước muốn chung tay, góp sức để đem lại cảm giác ấm áp, niềm vui, hi vọng cho những hoàn cảnh không may mắn” - chị Bích tâm sự. Nghị lực của trái tim nonEm Hoàng Thế M. (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã 10 tuổi, nhưng chưa được đến trường vì suốt 4 năm qua, em phải nằm viện điều trị bệnh u nguyên bào thần kinh. Như hiểu được hoàn cảnh của gia đình, dù đau đớn, mệt mỏi thế nào, em cũng chưa bao giờ khóc lóc, mè nheo. “Nhiều hôm mệt lắm, không muốn ăn, nhưng nhìn thấy ánh mắt mẹ buồn, cháu lại cố gắng ăn cho mẹ vui cô ạ” - chị B. (mẹ em) tâm sự. Nói rồi, chị kể tiếp, 2 đứa con của mình, đứa lớn thì nằm viện triền miên, có thể suốt đời. Còn đứa sau, năm nay 8 tuổi đã 7 năm phải nằm viện điều trị bệnh đại tràng bẩm sinh. Hết BV Xanh Pôn, Việt Đức, nay bé lại chuyển sang Nhi T.Ư. Hai vợ chồng chia nhau, người thì chăm bé M. ở BV K, người vào viện Nhi với đứa em. Nhiều năm ròng, vợ chồng chị gần như chưa được ăn bữa cơm cùng nhau. 2 con mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình chị đã cạn kiệt về kinh tế, rồi tai họa liên tiếp ập xuống, bố chồng lẫn mẹ chồng đột quị, khiến gia đình lúc nào cũng rối như tơ vò. Đằng đẵng nằm viện cùng con, chị quen với việc nhóm Thiện Tâm An hàng tuần đến phát quà cho các con. “Họ chu đáo lắm cô ạ, tuần nào cũng đến phát phiếu ăn, ngoài ra còn ủng hộ sách truyện, báo thiếu nhi cho các con. Nằm viện buồn quá, có quyển truyện, tờ báo đọc cho con nghe cũng giúp con bớt đi đau đớn” - chị B. cho biết.
Còn em Tạ Thi Anh Đ., 14 tuổi (Gia Viễn, Ninh Bình) bị ung thư xương, 2 tháng nay phải nằm viện truyền hóa chất. “Bác sĩ bảo, khả năng phải cắt cánh tay, để tránh di căn khắp cơ thể. Mấy hôm đầu cháu khóc suốt, giờ cháu nó cũng xác định rồi. Thôi thì cánh tay không giữ được, chỉ mong giữ được tính mạng” - chị Đồ Thị Hằng – mẹ cháu nói nghe "xác định" lắm, nhưng nước mắt cứ lưng tròng. Nghĩa mang cho em những quyển sách đã cũ, những tờ báo đã nhàu. Em tìm thấy những câu chuyện vui, những mảnh đời thiếu đi sự may mắn, nhưng đầy nghị lực trong đó, những tình người ấm áp, để em tự tin: “Mất tay, còn có chân, em sẽ đi trên đôi chân của mình” - lời cô bé 14 tuổi tưởng như non nớt ấy lại đầy nghị lực sống. Tôi cầu mong em sẽ tự tin sải bước bằng chính quyết tâm và đôi chân nghị lực ấy.Những ngày qua, Hà Nội sụt sùi mưa, tiết trời se se lạnh, nơi buồng bệnh ấy có nỗi buồn khó gọi thành tên, có nỗi đau khó nói thành lời. Ấy là trường hợp của anh Hoàng Văn Bội, 47 tuổi (Hà Quảng, Cao Bằng), hiện đang điều trị bệnh suy thận mãn giai đoạn cuối, anh bị liệt, không nói được, chỉ dùng ánh mắt "đưa tin". Người đàn ông có nước da xám ngắt, gương mặt hốc hác, tay chân phù nề ấy lại mang thêm bệnh tràn dịch màng phổi, phải thở bằng oxy. Vợ anh ung thư cổ tử cung di căn giai đoạn cuối, hạch nổi quanh cổ vô cùng đau đớn, bị bệnh viện trả về, sự sống gần như chỉ đếm từng ngày. Nhóm Thiện Tâm An cũng tìm đến trao chút ân tình cho anh...Giữa tiết trời Thu se lạnh khi mùa Đông sắp đến, chị Bích cùng các thành viên của nhóm vẫn đau đáu một ước mong: Xây được ngôi trường tại thôn Lùng Hảo, xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê, Hà Giang. Nơi ấy, 46 bé mầm non chưa có lớp học, phải học nhờ ở nhà văn hóa thôn, mỗi khi ở thôn có việc, các con phải nghỉ học. Chị kể về cái sự học đơn sơ nơi ấy, về mỗi đợt rét tràn về, gió luồn vào từng vách gỗ, từng đôi bàn chân con trẻ tím tái trong cái rét mùa Đông. Bởi vậy, nhóm Thiện Tâm An mong muốn cùng những tấm lòng hảo tâm chung tay góp sức chia sẻ tình yêu thương, mang chút ấm áp đến cho trẻ vùng cao.Chia tay chị Bích cùng nhóm Thiện Tâm An, cũng vừa lúc lũ trẻ ùa ra từ cổng trường gần đấy tíu tít cả một khu phố. Nhìn những đứa trẻ đủ đầy ấy, lại thầm xót xa hình ảnh những em bé cắm chi chít từng mũi kim tiêm, dịch truyền trong BV, những đứa trẻ ngày mai phải cắt mất cánh tay của mình, những đứa trẻ chỉ còn một con mắt mà vẫn ánh lên niềm hi vọng cùng nghị lực sống mãnh liệt, và cả những đứa trẻ co ro trong cái rét vùng cao. Hy vọng, sẽ có nhiều hơn những tấm lòng thiện nguyện, để những cuộc đời ấy ấm áp, nghị lực hơn.